Bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án tại phiên tòa thì giải quyết như thế nào?
Ngày đăng : 09:27, 17/05/2018
Khởi tố vụ án hình sự là nhiệm vụ và quyền hạn của Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền nhằm duy trì trật tự, không phụ thuộc vào ý muốn bất kỳ chủ thể nào. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, xuất phát từ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, pháp luật quy định cho người bị hại, người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết (bị hại) lựa chọn quyền yêu cầu khởi tố hoặc không khởi tố vụ án.
Ảnh minh họa |
Khoản 1 Điều 155 BLTTHS năm 2015 quy định: “Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật Hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết”.
Mặt khác, tại khoản 2 Điều 155 BLTTHS năm 2015 quy định người đã yêu cầu khởi tố được quyền rút yêu cầu, cụ thể: “Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án”.
Theo quy định, việc rút yêu cầu khởi tố của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết không bị giới hạn về thời điểm rút đơn yêu cầu. Tuy nhiên, quy định này còn bộc lộ một số vướng mắc sau:
Thứ nhất: Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 282 BLTTHS năm 2015. Theo đó: “Người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức”...
Vậy trường hợp, nếu bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử sẽ giải quyết như thế nào?
Tại khoản 3 Điểu 326 BLTTHS năm 2015 quy định, các vấn đề của vụ án phải được giải quyết khi nghị án gồm:“Vụ án có thuộc trường hợp tạm đình chỉ hoặc thuộc trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung hay không;Tính hợp pháp của những chứng cứ, tài liệu do Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên thu thập; do luật sư, bị can, bị cáo, người tham gia tố tụng khác cung cấp; Có hay không có căn cứ kết tội bị cáo. Trường hợp đủ căn cứ kết tội thì phải xác định rõ điểm, khoản, điều của Bộ luật Hình sự được áp dụng; Hình phạt, biện pháp tư pháp áp dụng đối với bị cáo; trách nhiệm bồi thường thiệt hại; vấn đề dân sự trong vụ án hình sự; Bị cáo có thuộc trường hợp miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hay không; Án phí hình sự, án phí dân sự; xử lý vật chứng; tài sản bị kê biên, tài khoản bị phong tỏa; Tính hợp pháp của hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, người bào chữa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; Kiến nghị phòng ngừa tội phạm, khắc phục vi phạm.” Rõ ràng, luật không quy định Hội đồng xét xử có quyền đình chỉ xét xử vụ án đối với trường hợp người yêu cầu khởi tố rút yêu cầu tại phiên tòa, mặc dù, việc rút yêu cầu của họ là hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc, cưỡng bức.
Thứ hai: Trong thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, theo quy định tại Điều 346 BLTTHS năm 2015, Thẩm phán chủ toạ phiên tòa có thẩm quyền đình chỉ xét xử phúc thẩm hoặc đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Lý do đình chỉ xét xử phúc thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 348 của Bộ luật này gồm: “Người kháng cáo đã rút toàn bộ kháng cáo; Viện kiểm sát đã rút toàn bộ kháng nghị. Người kháng cáo rút một phần kháng cáo, Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị trước khi mở phiên tòa mà xét thấy không liên quan đến kháng cáo, kháng nghị khác thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần kháng cáo, kháng nghị đã rút”.
Như vậy, BLTTHS năm 2015 không quy định Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có thẩm quyền đình chỉ vụ án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, khi mà người yêu cầu khởi tố tự nguyện rút yêu cầu khởi tố. Do đó, nếu trong giai đoạn này bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố, thì ai có thẩm quyền đình chỉ vụ án và căn cứ ra quyết định đình chỉ là gì?
Tại phiên tòa hình sự phúc thẩm thì Điều 359 BLTTHS năm 2015 quy định:
Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ hủy bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 157 BLTTHS năm 2015 (không có sự việc phạm tội và hành vi không cấu thành tội phạm).
Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án khi có một trong các căn cứ quy định tại các khoản 3,4,5,6 và 7 Điều 157 BLTTHS năm 2015 (Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự; Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật; Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; Tội phạm đã được đại xá; Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác).
Ảnh minh họa phiên tòa hình sự |
Như vậy, BLTTHS năm 2015 cũng không quy định bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố là căn cứ để hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án. Do đó, nếu tại phiên tòa phúc thẩm bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố thì Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm sẽ giải quyết như thế nào? Trong trường hợp này, Hội đồng xét xử phúc thẩm cũng không thể căn cứ vào khoản 2 Điều 155 BLTTHS năm 2015 để đình chỉ vụ án, vì bản án sơ thẩm xét xử về hành vi phạm tội theo yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của bị hại vẫn tồn tại, nên khi bị hại hoặc đại diện người bị hại rút yêu cầu khởi tố thì phải hủy bản án sơ thẩm này, sau đó mới có thể quyết định đình chỉ vụ án.
Điều đó cho thấy, mặc dù BLTTHS năm 2015 không giới hạn thời điểm rút đơn yêu cầu khởi tố của bị hại hoặc đại diện người bị hại, nhưng nếu người yêu cầu rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án tại phiên tòa sơ thẩm hay trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập cần được tháo gỡ.
Xem thêm>>>
Hiểu thế nào về rút yêu cầu khởi tố của bị hại theo BLTTHS 2015?
Con bị đánh thương tích: Bố yêu cầu khởi tố, mẹ có rút yêu cầu khởi tố được không?