Tòa án cấp nào có thẩm quyền buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù?
Ngày đăng : 09:19, 12/12/2018
Ảnh minh họa |
Chế định án treo theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 cơ bản vẫn kế thừa Bộ luật hình sự năm 1999, khi Tòa án xét thấy không cần thiết phải bắt người phạm tội phải chấp hành hình phạt tù, thì có thể cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách. Trong thời gian thử thách nếu người được hưởng án treo chấp hành tốt, có nhiều tiến bộ thì Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách.
Trường hợp người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo, đây là quy định hoàn toàn mới nhằm ràng buộc đối với người được hưởng án treo phải có nghĩa vụ chấp hành các quy định của Luật Thi hành án hình sự, không để xảy ra tình trạng sau khi được Tòa án cho hưởng án treo, người chấp hành thời gian thử thách muốn làm gì tùy ý, thậm chí không trình diện chính quyền địa phương, hiệu lực của bản án không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Theo quy định tại Điều 65 BLHS năm 2015: Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.
Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.
Tòa án có thể quyết định áp dụng đối với người được hưởng án treo hình phạt bổ sung nếu trong điều luật áp dụng có quy định hình phạt này.
Người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát, giáo dục, Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách.
Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này.
Trong thực tiễn có những trường hợp Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử và ra bản án cho hưởng án treo, nhưng người được hưởng án treo có thể lại có hộ khẩu thường trú tại một địa phương khác (huyện khác hoặc tỉnh khác). Như vậy, sẽ có người chấp hành thời gian thử thách tại địa phương khác, không thuộc địa bàn đóng trụ sở của Tòa án đã cho hưởng án treo.
Việc xét đề nghị Tòa án quyết định rút ngắn thời gian thử thách đối với người phạm tội được hưởng án treo, sẽ được thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án hình sự, do Tòa án cấp huyện nơi người được hưởng án treo chấp hành thời gian thử thách ra quyết định (không bị ràng buộc bởi Tòa án đã ra bản án cho hưởng án treo). Nhưng đối với trường hợp người phạm tội được hưởng án treo đang chấp hành thời gian thử thách mà cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần thì Tòa án nào có thẩm quyền ra quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo, thì Luật Thi hành án hình sự chưa được điều chỉnh. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cũng không có điều luật nào quy định vấn đề này.
Việc chấp hành thời gian thử thách của người được hưởng án treo cũng gần tương tự với việc chấp hành thời gian thử thách của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.
Nghiên cứu Điều 368 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 09/02/2018 quy định phối hợp thực hiện quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về thủ tục xét tha tù trước thời hạn có điều kiện thấy rằng:
Việc xét và ra quyết định buộc người chấp hành thời gian thử thách khi được tha tù trước thời hạn có điều kiện mà cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần hoặc bị xử lý hành chính 02 lần thì thẩm quyền ra quyết định hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện và buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù còn lại chưa chấp hành sẽ thuộc Tòa án cấp tỉnh đã ra quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện.
Tuy nhiên, để vận dụng tương tự đối với việc ra quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù khi cố ý vi phạm nghĩa vụ theo Luật Thi hành án hình sự 02 lần, thì cũng chưa thực sự chuẩn xác. Theo quan điểm cá nhân, thì nên giao thẩm quyền ra quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù cho Tòa án cấp tỉnh, nơi người chấp hành thời gian thử thách của bản án treo cư trú sẽ phù hợp với Luật Thi hành án hình sự hơn.
Trong khi Luật Thi hành án hình sự chưa được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, thì rất cần được các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương sớm ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn về trình tự, thủ tục xét, ra quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù và nên quy định theo hướng giao thẩm quyền cho Tòa án cấp tỉnh nơi người được hưởng án treo cư trú ra quyết định./.
Nguyễn Hữu Sơn – Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Điện Biên
Xem thêm>>>
Những vướng mắc trong áp dụng pháp luật về thi hành án dân sự
Kinh nghiệm kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án dân sự