Bác kháng cáo của bị cáo Đinh La Thăng, đề nghị giảm hình phạt cho 7 bị cáo
Ngày đăng : 15:32, 10/05/2018
Sáng 10.5, sau phần xét hỏi, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) cấp cao đã nêu quan điểm về phần kháng cáo của ông Đinh La Thăng và các đồng phạm. VKSND cấp cao đề nghị không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Đinh La Thăng; đề nghị giảm một phần hình phạt cho 7 bị cáo.
VKS đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với ông Đinh La Thăng
Cuối giờ buổi sáng, phiên tòa phúc thẩm kết thúc phần xét hỏi công khai. VKSND cấp cao tại Hà Nội đã đọc bản luận tội đối với 22 bị cáo.
Theo VKSND cấp cao, việc áp dụng pháp luật của toà cấp sơ thẩm là có căn cứ và không oan sai với tất cả các bị cáo. Sau khi xem xét các tình tiết, cơ quan này cũng đề nghị giảm hình phạt cho 7 bị cáo nhưng chưa đề nghị mức hình phạt cụ thể.
Liên quan đến phần kháng cáo của ông Đinh La Thăng – Nguyên Chủ tịch HĐTV PVN, VKSND cấp cao cho rằng không có tình tiết mới nên đề nghị cần giữ nguyên như bản án sơ thẩm. Trước đó, toà sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 13 năm tù về tội Cố ý làm trái.
Căn cứ tài liệu hồ sơ trong vụ án, kết quả xét hỏi, VKS nêu rõ, đối với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo Đinh La Thăng là người chịu trách nhiệm toàn bộ trong việc lựa chọn tổng thầu PVC sai quy định khi PVC không đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm làm tổng thầu…
Quan điểm VKS cho rằng, bị cáo Đinh La Thăng biết hợp đồng EPC 33 chưa đủ quy định của pháp luật và có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương, ký tạm ứng cho PVC để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng tiền sai mục đích, không đưa tiền vào dự án Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước...
Như vậy, theo đại diện VKS, bản án sơ thẩm quy kết các bị cáo Thăng là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật. Tuy nhiên, tại tòa, bị cáo Thăng không thừa nhận quy kết của bản án sơ thẩm mà chỉ thừa nhận trách nhiệm Chủ tịch HĐQT.
Đồng thời, tại tòa, không có tình tiết giảm nhẹ nào mới nên VKS nhấn mạnh, cần đề nghị giữ nguyên quyết định như bản án sơ thẩm đối với bị cáo Thăng là phù hợp.
Chấp nhận kháng cáo của 7/14 bị cáo
Với bị cáo Phùng Đình Thực – cựu TGĐ PVN, dù biết hợp đồng EPC 33 không đủ căn cứ nhưng vẫn ký quyết định uỷ quyền cho Nguyễn Quốc Khánh – cựu Phó TGĐ PVN đàm phán ký kết hợp đồng chuyển đổi chủ thể và ngay sau đó Nguyễn Quốc Khánh cùng đại diện PVPower, PVC ký hợp đồng 4194.
Theo VKS, đủ cơ sở kết luận bị cáo Phùng Đình Thực có hành vi sai phạm trong chỉ đạo ký hợp đồng, chỉ đạo cấp dưới cấp tạm ứng tiền dẫn đến việc sử dụng sai mục đích, gây thiệt hại cho Nhà nước.
Xét thấy bị cáo Phùng Đình Thực – nguyên Tổng Giám đốc PVN trong vụ án và bị cáo Nguyễn Quốc Khánh – nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN đã khắc phục hoàn toàn 7,5 tỉ đồng nên VKSND cấp cao đề nghị xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt. Ông Thực và ông Khánh bị toà sơ thẩm tuyên phạt lần lượt là 9 và 12 năm tù.
Với bị cáo Vũ Đức Thuận - nguyên Tổng Giám đốc PVC – người bị toà sơ thẩm tuyên tổng hình phạt cho 2 tội là 22 năm tù, VKSND cấp cao xét thấy có sự khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, khắc phục hậu quả nên cũng đề nghị giảm một phần hình phạt ở tội Tham ô tài sản.
Ngoài ra, VKSDN cấp cao cũng đề nghị xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt so với mức án mà toà sơ thẩm đã tuyên đối với: Nguyễn Anh Minh - nguyên Phó Tổng giám đốc PVC, Lê Đình Mậu - nguyên Phó Trưởng ban Kế toán và Kiểm toán PVN, Nguyễn Mạnh Tiến - nguyên Phó Tổng giám đốc PVC và Bùi Mạnh Hiển - nguyên Chánh văn phòng PVC.
VKSND cấp cao khẳng định, bản án sơ thẩm quy kết các bị cáo phạm tội Cố ý làm trái và Tham ô tài sản là hoàn toàn có căn cứ và đúng quy định của pháp luật.
Xem thêm>>>
Tòa tuyên ông Đinh La Thăng 18 năm tù và bồi thường 600 tỉ cho PVN