Điểm mới về quy định từ chối hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng
Ngày đăng : 09:37, 03/05/2018
Ảnh minh họa |
1. Các trường hợp người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải từ chối hoặc thay đổi
BLTTHS 2015 tại Điều 49 đã quy định các trường hợp người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi, đó là:
- Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;
- Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật trong vụ án đó;
- Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.
2. Người có quyền đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng
Khi phát hiện người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc phải thay đổi, thì Kiểm sát viên; người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện của họ; người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự có quyền đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Điều 50 BLTTHS 2015).
Như vậy, trong số những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì chỉ có Kiểm sát viên mới có quyền đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Chỉ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện của họ; người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự có quyền đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, còn những người tham gia tố tụng khác không có quyền này: Người chứng kiến, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người giám định, người phiên dịch…
3. Thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra
Điều 51 BLTTHS 2015 so với Điều 44 BLTTHS 2003 đã có sự bổ sung việc thay đổi cán bộ điều tra, bởi cán bộ điều tra là người tiến hành tố tụng nên việc bổ sung quy định thay đổi là cần thiết nhằm đảm bảo họ vô tư trong khi làm nhiệm vụ.
Điều tra viên, cán bộ điều tra phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Trường hợp quy định tại Điều 49 BLTTHS 2015, theo đó: Họ Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo; Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật trong vụ án đó; Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.
- Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thẩm tra viên hoặc Thư ký Tòa án. Ở đây, so với BLTTHS 2003, BLTTHS 2015 có bổ sung trường hợp họ đã tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách Kiểm tra viên, Thẩm tra viên. Sự bổ sung này xuất phát từ việc BLTTHS 2015 quy định Kiểm tra viên, Thẩm tra viên là người tiến hành tố tụng.
Trước đây, BLTTHS 2003 chưa có quy định về thay đổi cán bộ điều tra, còn thẩm quyền thay đổi Điều tra viên thì chỉ giao cho Thủ trưởng Cơ quan điều tra (1). So với BLTTHS 2003, thì BLTTHS 2015 có hai điểm mới:
- Bổ sung quy định việc thay đổi Cán bộ điều tra do Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra quyết định.
- Bổ sung cho Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra thẩm quyền thay đổi Điều tra viên. Với quy định này thì cả Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được phân công tiến hành việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự và Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra không được phân công tiến hành việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự đều có quyền thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra (2). Tuy nhiên, theo quy định của khoản 1, khoản 3 Điều 36 BLTTHS 2015, thì chỉ Thủ trưởng (hoặc một Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được Thủ trưởng ủy nhiệm) và Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được phân công tiến hành việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự mới có thẩm quyền quyết định việc thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra. Như vậy, có sự mâu thuẩn giữa hai điều luật về thẩm quyền thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra của Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra không được phân công tiến hành việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự.
Xem xét các quy định về thẩm quyền thay đổi Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm phán, Hội thẩm của cấp phó các cơ quan tiến hành tố tụng khác (Viện kiểm sát và Tòa án) thì chúng tôi thấy BLTTHS 2015 chỉ giao cho cấp phó được phân công giải quyết vụ án quyết định, chẳng hạn: Tại khoản 2 Điều 52 BLTTHS 2015 quy định chỉ Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp được phân công giải quyết vụ án quyết định việc thay đổi Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.
Để bảo đảm sự thống nhất trong quy định của BLTTHS 2015, trong thời gian tới, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, bổ sung cụm từ “được phân công tiến hành việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự” vào khoản 2 Điều 51 BLTTHS 2015 để bảo đảm sự thống nhất trong các quy định của pháp luật, cụ thể bổ sung như sau: “Việc thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra do Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được phân công tiến hành việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự quyết định.
4. Thay đổi Kiểm sát viên, Kiểm tra viên
Điều 52 BLTTHS 2015 bổ sung việc thay đổi Kiểm tra viên. Vì BLTTHS 2015 bổ sung quy định Kiểm tra viên là người tiến hành tố tụng nên việc bổ sung quy định thay đổi Kiểm tra viên là cần thiết nhằm đảm bảo họ vô tư trong khi làm nhiệm vụ.
Về quy định Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi, so với BLTTHS 2003, BLTTHS 2015 (Điều 52) có bổ sung các trường hợp họ đã tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách Cán bộ điều tra, Thẩm tra viên. Sự bổ sung này xuất phát từ việc BLTTHS 2015 quy định Cán bộ điều tra, Thẩm tra viên là người tiến hành tố tụng.
Về việc thay đổi Kiểm sát viên và Kiểm tra viên trước khi mở phiên tòa, tại khoản 2 Điều 52 BLTTHS 2015 bổ sung cho Phó Viện trưởng được phân công giải quyết vụ án thẩm quyền này. Trước đây, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát khi được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự không có thẩm quyền quyết định phân công hoặc thay đổi Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, mà quyền hạn này thuộc về Viện trưởng Viện kiểm sát.
5. Thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm
So với BLTTHS 2003 (Điều 46), tại khoản 1 Điều 53 BLTTHS 2015 có bổ sung thêm các trường hợp Thẩm phán, Hội thẩm phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi, đó là khi họ đã tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách Cán bộ điều tra, Kiểm tra viên, Thẩm tra viên.
Về việc thay đổi Thẩm phán và Hội thẩm trước khi mở phiên tòa, khoản 2 Điều 53 BLTTHS 2015 bổ sung cho Phó Chánh án Tòa án được phân công giải quyết vụ án thẩm quyền này.
6. Thay đổi thư ký Tòa án
Về quy định Thư ký Tòa án phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi so với BLTTHS 2003 (Điều 47), BLTTHS 2015 tại Điều 54 có bổ sung các trường hợp họ đã tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách Kiểm tra viên, Cán bộ điều tra, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án.
Về thẩm quyền thay đổi thư ký Tòa án, BLTTHS 2015 bổ sung cho Phó Chánh án Tòa án được phân công giải quyết vụ án thẩm quyền này.
Trước đây, Phó Chánh án Tòa án được phân công giải quyết vụ án hình sự không có quyền hạn thay đổi Thư ký Tòa án trước khi mở phiên tòa, mà quyền hạn này thuộc về Chánh án Tòa án.
BLTTHS 2015 (Điều 54) so với BLTTHS 2003 (Điều 47) còn có sự thay đổi khi thay cụm từ “hoãn phiên tòa” bằng cụm từ “tạm ngừng phiên tòa”. BLTTHS 2003 chỉ quy định về hoãn phiên tòa (Điều 194), mà không có quy định tạm ngừng phiên tòa, trong khi đó BLTTHS 2015 có cả hai quy định này. Với trường hợp phải thay đổi Thư ký Tòa án tại phiên tòa, BLTTHS 2003 quy định theo hướng hoãn phiên tòa, còn BLTTHS 2015 theo hướng Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng phiên tòa, nếu hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa mà vẫn không thể tiếp tục xét xử vụ án thì mới phải hoãn phiên tòa (Khoản 2 Điều 251). Quy định như trên của BLTTHS 2015 nhằm nhanh chóng tiếp tục xét xử vụ án.
(1) Trường hợp vắng mặt, một Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được Thủ trưởng ủy nhiệm có thẩm quyền thay đổi Điều tra viên.
(2) Riêng Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được Thủ trưởng ủy nhiệm thì đã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng Cơ quan điều tra
Xem thêm>>>