Tổng Bí thư dự Lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt

Ngày đăng : 09:21, 25/04/2018

Lễ kỷ niệm 1050 năm nhà nước Đại Cồ Việt diễn ra tại khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình.

Tối 24/4, tại Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, diễn ra lễ kỷ niệm 1050 năm nhà nước Đại Cồ Việt và Lễ hội Hoa Lư 2018 với chủ đề “Rực sáng thiên anh hùng ca Đại Cồ Việt”.

Tới dự buổi lễ có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, đại biểu các Bộ, Ban ngành ở trung ương, tỉnh Ninh Bình, cùng hàng ngàn người dân địa phương. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Lễ kỷ niệm. Ảnh: Báo Ninh Bình

Vào mùa Xuân năm 968, cách đây 1050 năm, trên mảnh đất Hoa Lư “Địa linh nhân kiệt”, Vạn Thắng Vương - Đinh Bộ Lĩnh, người con ưu tú của quê hương Ninh Bình, sau khi hoàn thành sứ mệnh đánh dẹp và thu phục 12 sứ quân, thống nhất đất nước, lên ngôi Hoàng đế, định đô ở Hoa Lư, đặt tên nước là Đại cồ Việt, mở ra một trang sử vẻ vang cho dân tộc sau hơn một nghìn năm đấu tranh giành độc lập. Đó là kết tinh, hội tụ của ý chí tự lực tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, của hồn thiêng sông núi và tình yêu quê hương, đất nước cháy bỏng ngàn đời.

Qua bao thăng trầm của đất nước, mảnh đất cố đô Hoa Lư ngày nay còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa của nhà nước Đại cồ Việt, đã trở thành tài sản vô cùng quý báu, nguồn lực vật chất, tinh thần quan trọng của tỉnh, của quốc gia. Cố đô Hoa Lư đã được công nhận là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đặc biệt, là một trong 3 khu vực hợp thành Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới - Di sản hỗn hợp đầu tiên ở Đông Nam Á.

Chương trình nghệ thuật với 500 diễn viên tham gia. Ảnh: Báo Ninh Bình

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, hiện nay, Đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có nhiều thuận lợi, cơ hội phát triển nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Là tỉnh có vị trí chiến lược, giàu truyền thống anh hùng cách mạng, bề dầy lịch sử văn hóa, Ninh Bình còn có nhiều tiềm năng thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, Phó Thủ tướng đề nghị, tỉnh Ninh Bình cần tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; tăng cường đoàn kết, phát huy dân chủ và sức mạnh tổng hợp; khai thác tiềm năng lợi thế, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phấn đấu kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng tỷ trọng công nghiệp dịch vụ, làm nền tảng để phát triển nhanh và bền vững, phát triểnn du lịch, sớm xây dựng Ninh Bình thành một trung tâm du lịch trọng diểm của vùng và cả nước, có tầm quốc tế, sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Quan tâm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất, con người Cố đô:

“Tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, nhất là công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghiệp chế biến, công nghiệp phục vụ nông nghiệp; các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh và lưu ý không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chính sách người có công với cách mạng, giảm nghèo bền vững, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Báo Ninh Bình

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng yêu cầu, Ninh Bình đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo khởi nghiệp; phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.

Đặc biệt,  tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, làm tốt công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội, kịp thời giải quyết những bức xúc, khiếu nại tố cáo của công dân; quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Tại buổi lễ, các đại biểu đã thưởng thức chương trình nghệ thuật với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc, trong đó đặc biệt khắc họa vai trò của Đinh Bộ Lĩnh, người con ưu tú của quê hương Ninh Bình và chiêm ngưỡng màn bắn pháo hoa tầm cao trong thời gian 15 phút. 

Lễ hội Hoa Lư 2018 diễn ra đến ngày 27/4./

Văn Hiếu/VOV1