Xử lý quấy rối tình dục nơi công sở: Thiếu hành lang pháp lý
Ngày đăng : 16:17, 24/04/2018
Nạn nhân nhẫn nhịn, thủ phạm nhởn nhơ
Vụ việc một nhà báo ở Ban Truyền hình báo Tuổi Trẻ bị tố quấy rối tình dục nữ cộng tác viên không phải là chuyện hiếm. Có điều những vụ sách nhiễm tình dục ít được đưa ra ánh sáng. Hầu như chưa có thủ phạm nào bị bắt hay bị khởi tố.
Ảnh minh họa (nguồn: internet) |
Báo cáo nghiên cứu về QRTD tại nơi làm việc ở Việt Nam của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, phần lớn nạn nhân bị QRTD ở Việt Nam là nữ giới (78,2%) và quen biết người quấy rối thông qua các mối quan hệ như: đồng nghiệp, cấp trên và cấp dưới, hoặc người có khả năng chi phối, gây áp lực cho người dưới quyền của mình. Người bị quấy rối vì sự phụ thuộc này mà không dám chống cự hoặc chống cự rất yếu ớt.
Rất nhiều người đã từng bị quấy rối tình dục ở các mức độ khác nhau nhưng phần lớn đều chỉ biết âm thầm chịu đựng vì tâm lý mặc cảm, xấu hổ, sợ thị phi. Với văn hóa Á Đông, chủ đề sách nhiễu tình dục thường được coi là nhạy cảm để thảo luận công khai vì còn quá nhiều định kiến đối với các nạn nhân.
Thiếu hành lang pháp lý để xử lý
QRTD là vấn đề mang tính toàn cầu, nhưng cuộc đấu tranh phòng chống và giải quyết QRTD ở Việt Nam vẫn còn ở một khoảng cách khá xa so với nhiều nước khác.
Trong khi ở nhiều nước trên thế giới, hành vi quấy rối tình dục nơi công sở đã được đưa vào các văn bản pháp luật và có chế tài xử phạt rõ ràng thì ở Việt Nam, hành vi QRTD vẫn chưa được nhận diện một cách đầy đủ và có biện pháp phòng chống, xử lý hiệu quả. Chưa có trường hợp QRTD nào bị xử phạt hoặc bị đưa ra tòa như nhiều nước đã làm.
Hiện nay, trong Bộ luật Lao động 2012 có một số điều khoản quy định về QRTD như Điều 8 quy định cấm “ngược đãi người lao động, QRTD tại nơi làm việc”; Điều 37 quy định người lao động bị QRTD có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động…
Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM trao đổi trên SGGP, những quy định như vậy là quá chung chung và cũng không được cụ thể hóa trong các nghị định, thông tư. Người lao động không xác định được trường hợp nào là bị QRTD theo quy định của Bộ luật Lao động. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến các cơ quan tư pháp khó có thể buộc tội QRTD. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là do thiếu một hành lang pháp lý rõ ràng để xử lý.
Ảnh minh họa (nguồn: internet) |
Ngày 25/5/2015, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đã công bố “Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc”. Bộ quy tắc này được coi là nguồn tài liệu tham khảo, hướng dẫn cách ứng xử tại nơi làm việc để các doanh nghiệp nghiên cứu đưa vào áp dụng.
Theo Bộ quy tắc, các hình thức quấy rối tình dục gồm: hành vi quấy rối thể chất như tiếp xúc, cố tình đụng chạm, sờ mó, cấu véo, thậm chí tấn công tình dục, cưỡng dâm. Hành vi quấy rối bằng lời nói bao gồm nhận xét không phù hợp, không đứng đắn, có ngụ ý về tình dục, đề nghị, yêu cầu không được mong muốn một cách liên tục. Hành vi quấy rối phi lời nói bao gồm ngôn ngữ cơ thể không đứng đắn, nháy mắt, phô bày tài liệu khiêu dâm.
Để khuyến khích người lao động và người sử dụng lao động cùng phối hợp tạo ra môi trường làm việc lành mạnh và an toàn, bộ quy tắc đưa ra một số biện pháp phòng chống QRTD tại nơi làm việc. Trong đó nhấn mạnh đến việc bảo vệ danh tính của các bên liên quan - vấn đề được biết đến như là trở ngại lớn nhất khiến phần lớn những người bị QRTD ngần ngại không dám lên tiếng tố cáo.
Bộ Quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc sẽ mang lại nhiều lợi ích trong việc “định vị” hành vi QRTD. Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, các quy tắc ứng xử này cần phải được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật. Bởi lẽ, Bộ Quy tắc ứng xử không phải là cơ sở pháp lý để xem xét giải quyết, xử lý khi có hành vi QRTD diễn ra mà chỉ mang ý nghĩa khuyến khích mọi người tuân theo.
Thiết nghĩ để thay đổi thực trạng, nhiều biện pháp đồng bộ cần được triển khai thông qua nỗ lực chung của các cơ quan hoạch định chính sách, các nhà làm luật, giới chủ, công đoàn, người lao động, các tổ chức xã hội trong nước và quốc tế, giới truyền thông.
Câu chuyện về phòng, chống QRTD vẫn là việc của mỗi người. Đừng bấm bụng cho qua đối với những hành vi QRTD, hãy lên tiếng, mạnh dạn tố cáo, đấu tranh vì một môi trường lao động trong sạch. Thái độ im lặng có thể khiến người khác hiểu sai thông điệp rằng đó là sự đồng tình, khiến họ có thể uy hiếp bằng vũ lực.
Người bị "yêu râu xanh" quấy rối cần chuẩn bị đầy đủ các chứng cứ như hình ảnh, file ghi âm, video; nếu bị xâm hại nên đi khám để xác định các tổn thương và lưu giữ hồ sơ, chuyển cơ quan chức năng.
Xem thêm >>>
Từ 01/01/2018: Nhận “hối lộ tình dục” bị phạt đến 07 năm tù
Những thay đổi của nhóm tội xâm phạm tình dục theo BLHS năm 2015