Trao đổi bài viết: "Thay đổi nội dung thỏa thuận ban đầu, giao dịch có phát sinh hiệu lực?"

Ngày đăng : 15:45, 17/04/2018

(Kiemsat.vn) - Trao đổi bài viết: "Thay đổi nội dung thỏa thuận ban đầu, giao dịch có phát sinh hiệu lực?" của tác giả Th.sỹ Nguyễn Nam Hưng, VKSND cấp cao Tp HCM đăng trên Tạp chí kiểm sát online ngày 16/4/2018.

Sau khi nghiên cứu nội dung bài viết, tác giả tham gia trao đổi như sau: 

Vợ chồng ông V, bà L và bà Y, bà X phát sinh quan hệ cho vay tài sản từ năm 2000, bắt đầu là vay 20.000 đô la Mỹ theo Giấy nợ ngày 17/3/2000, đến Giấy mượn 22.000 đô la Mỹ ngày 17/3/2001, sau đó quy đổi cả vốn và lãi thành 50 cây vàng theo Giấy nợ ngày 18/5/2006 và cuối cùng là Tờ cam kết ngày 09/12/2013.

Theo “Tờ cam kết” ngày 09/12/2013, vợ chồng ông V, bà L và bà Y, bà X thống nhất “…Nay, tôi làm giấy này thay thế cho tờ giấy nợ 650.000.000 đồng tương đương 50 cây vàng bây giờ thành 1.500.000.000 đồng. Tôi hứa khi nào bán nhà được tôi sẽ trả cho ông V, bà L, kể từ nay cho đến ngày trả sẽ không tính lãi suất nữa”. Dù giao dịch dân sự đó đã thay đổi nhiều lần từ giao dịch bằng đô la đến vàng và cuối cùng là giao dịch bằng đồng tiền Việt Nam. Các giao dịch dân sự này tuy có thay đổi nhưng các bên đều hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm pháp luật và đạo đức xã hội, nên “Tờ cam kết” ngày 09/12/2013, vợ chồng ông V, bà L và bà Y, bà X thống nhất thực hiện vẫn có giá trị pháp lý. Vì, khoản 1 Điều 423 BLDS năm 2005 quy định: Các bên có thể thoả thuận sửa đổi hợp đồng và giải quyết hậu quả của việc sửa đổi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Khoản 1 Điều 12 Pháp lệnh ngoại hối ngày 13/12/2005 quy định: Vốn đầu tư bằng ngoại tệ phải được chuyển sang đồng Việt Nam để thực hiện đầu tư”. Qua đó cho thấy, giao dịch dân sự giữa vợ chồng ông V, bà L và bà Y, bà X là hoàn toàn tự nguyện để thỏa thuận chuyển đổi giá trị hợp đồng từ ngoại tệ sang giá trị hợp đồng bằng đồng tiền Việt Nam là đúng với quy định tại khoản 1 Điều 12 của Pháp lệnh ngoại hối.

Vì vậy, “Tờ cam kết” ngày 09/12/2013, vợ chồng ông V, bà L và bà Y, bà X thống nhất “…Nay, tôi làm giấy này thay thế cho tờ giấy nợ 650.000.000đ tương đương 50 cây vàng bây giờ thành 1.500.000.000 đồng. Tôi hứa khi nào bán nhà được tôi sẽ trả cho ông V, bà L, kể từ nay cho đến ngày trả sẽ không tính lãi suất nữa” có hiệu lực pháp luật kể từ ngày các bên xác lập giao dịch (09/12/2013). Nếu bà Y, bà X không thực hiện đúng cam kết nên ông V, bà L khởi kiện yêu cầu bà Y, bà X phải trả lại tiền vốn 50 lượng vàng SJC, tương đương 1.800.000.000đ là không có căn cứ. Bởi vì, giao dịch dân sự ngày 09/12/2013 vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức theo Điều 134 BLDS năm 2005 (BLDS), nên Tòa án áp dụng Điều 127 BLDS tuyên bố giao dịch ngày  09/12/2013 giữa vợ chồng ông V, bà L và bà Y, bà X vô hiệu và áp dụng  Điều 137 BLDS giải quyết buộc bà Y, bà X trả lại cho vợ chồng ông V, bà L số tiền 1.500.000.000 đồng.

Mời các bạn tiếp tục trao đổi ý kiến.

Lê Thanh Bình/VKS huyện Phù Mỹ, Bình Định