Thay đổi nội dung thỏa thuận vô hiệu, giao dịch có phát sinh hiệu lực?
Ngày đăng : 16:19, 16/04/2018
Nội dung vụ án:
Vợ chồng ông V, bà L và bà Y, bà X phát sinh quan hệ cho vay tài sản từ năm 2000, bắt đầu là vay 20.000 đô la Mỹ theo Giấy nợ ngày 17/3/2000, đến Giấy mượn 22.000 đô la Mỹ ngày 17/3/2001, sau đó quy đổi cả vốn và lãi thành 50 cây vàng theo Giấy nợ ngày 18/5/2006 và cuối cùng là Tờ cam kết ngày 09/12/2013. Theo “Tờ cam kết” ngày 09/12/2013, vợ chồng ông V, bà L, và bà Y, bà X thống nhất “… Nay, tôi làm giấy này thay thế cho tờ giấy nợ 650.000.000đ tương đương 50 cây vàng bây giờ thành 1.500.000.000đ. Tôi hứa khi nào bán nhà được tôi sẽ trả cho ông V, bà L, kể từ nay cho đến ngày trả sẽ không tính lãi suất nữa”. Do bà Y, bà X không thực hiện đúng cam kết nên ông V, bà L khởi kiện yêu cầu bà Y, bà X phải trả lại tiền vốn 50 lượng vàng SJC, tương đương 1.800.000.000đ. Trong khi bà Y, bà X chỉ đồng ý trả 20.000 đô la Mỹ, tương đương tại thời điểm xét xử sơ thẩm là 440.000.000đ.
Hiện nay có 02 hướng xử lý khác nhau. Cụ thể:
Quan điểm thứ nhất: Căn cứ Điều 39 Nghị định 63/1998/NĐ-CP ngày 17/8/1998 của Chính phủ về Quản lý ngoại hối đã cấm việc cho vay ngoại tệ (có hiệu lực tại thời điểm hai bên giao kết). Mặc dù các bên đã thỏa thuận chuyển đổi hợp đồng vay từ đô la Mỹ sang vàng và cuối cùng là Việt Nam đồng nhưng ngay tại thời điểm giao dịch, các bên đã giao nhận bằng đô la Mỹ. Do đó, nếu chấp nhận việc chuyển đổi giao dịch vay từ đô la Mỹ sang Việt Nam đồng, là đã gián tiếp cho phép các đương sự giao dịch bằng ngoại tệ, chấp nhận cho việc giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật, nghĩa là hợp pháp hóa một quan hệ pháp luật vi phạm thành một quan hệ dân sự có hiệu lực pháp luật.
Ngoài Nghị định nêu trên, sau đó liên tiếp các văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý ngoại hối đều xuyên suốt cấm việc giao dịch ngoại tệ trái pháp luật. do vậy, giao dịch vay tiền bằng ngoại tệ (đô la Mỹ) giữa các bên bị vô hiệu ngay tại thời điểm xác lập. Yêu cầu của nguyên đơn đòi bị đơn thanh toán 50 lượng vàng, tương đương 1.800.000.000đ là không có cơ sở để chấp nhận.
Quan điểm thứ hai và cũng là ý kiến của tác giả: Mặc dù hợp đồng vay ban đầu ngày 17/3/2000, nguyên đơn và bị đơn giao dịch bằng đô la Mỹ nhưng đến ngày 18/5/2006 các bên đã sửa đổi, thay thế bằng hợp đồng khác quy đổi số nợ ra vàng và đến ngày 09/12/2013 thì sửa đổi, thay thế bằng hợp đồng quy đổi ra tiền Việt Nam.
Căn cứ khoản 1 Điều 423 quy định như sau “Các bên có thể thoả thuận sửa đổi hợp đồng và giải quyết hậu quả của việc sửa đổi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” và khoản 5 Điều 424 BLDS 2005 “Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn và các bên có thể thoả thuận thay thế đối tượng khác hoặc bồi thường thiệt hại” thì việc các bên sửa đổi, thay thế hợp đồng như trên hoàn toàn không vi phạm điều cấm của pháp luật.
Do vậy, hợp đồng ngày 09/12/2013, có hiệu lực kể từ ngày giao kết và các bên phải thực hiện nghĩa vụ như đã thỏa thuận, nghĩa là bà Y, bà X phải thực hiện nghĩa vụ trả cho vợ chồng ông V, bà L 1.500.000.000đ.
Trên đây là thực tiễn giải quyết pháp luật hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều, rất mong sự đóng góp của các quý độc giả để áp dụng pháp luật được thống nhất./.