“Từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước”

Ngày đăng : 05:56, 12/04/2018

(Kiemsat.vn) - Trong phiên họp sáng 11/4, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiến hành thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) Ảnh: QUOCHOI.VN

Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) là một dự án Luật quan trọng nhận được sự quan tâm của toàn xã hội vì thế Quốc hội đã rất thận trọng khi đưa ra nghiên cứu tới 3 kỳ họp. Qua thảo luận tại Quốc hội ở kỳ họp thứ Tư, Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này đã có những quy định rất đột phá về xử lý tài sản thu nhập không trung thực hoặc chưa được giải trình hợp lý và đã được các đại biểu góp ý để hoàn thiện, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ Năm tới…

Đại tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ tại phiên thảo luận (Ảnh: QUOCHOI.VN)

Thảo luận về quy định trường hợp phải tiến hành xác minh tài sản, Đại tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng không nên quy định cứng, vì đã có quy định xác minh khi việc kê khai có vấn đề, khi có tố cáo và khi có yêu cầu của cơ quan tổ chức.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định tại phiên thảo luận (Ảnh: QUOCHOI.VN)

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đặt vấn đề về việc thế nào là giải trình tài sản không hợp lý trong dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh tham góp ý kiến (Ảnh: QUOCHOI.VN)

Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Ban Soạn thảo nên nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước có kinh nghiệm về phòng chống, xử lý tham nhũng trên thế giới để áp dụng cho hợp lý.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu (Ảnh: QUOCHOI.VN)

Băn khoăn về việc mở rộng đối tượng kê khai tài sản trong dự thảo luật, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, với diện đối tượng hiện nay đã phải “vừa làm vừa dò” thì việc tăng thêm đối tượng là rất khó thực hiện.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên thảo luận (Ảnh: QUOCHOI.VN)

Tại phiên họp, một vấn đề nổi bật được đưa ra góp ý kiến đó là việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài Nhà nước được đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí .

Theo đó, tại Kết luận số 10-KL/TW ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí đã chỉ rõ một trong 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đó là: “Từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước”. Tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý cần cân nhắc, làm rõ hơn một số quy định trong nội dung này.

Thảo luận, cho ý kiến tại Phiên họp, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định: Kết luận 10-KL/TW của Trung ương là đường lối, chỉ đạo của Đảng, là tư tưởng chính trị rất đúng. Tuy nhiên, việc “từng bước mở rộng” ngay trong luật này hay luật chỉ mở rộng đến bước đó và “còn các bước khác đến bao giờ mở” là việc cần phải làm rõ.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu tại Phiên họp (Ảnh: QUOCHOI.VN)

Nhất trí việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cũng cho rằng: cần hết sức thận trọng khi mở rộng phạm vi ra ngoài cơ quan nhà nước. Cần tập trung trước hết là cơ quan nhà nước, nếu có mở rộng ra thì nên có một quy trình rõ ràng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận tại Phiên họp (Ảnh: QUOCHOI.VN)

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật ra khu vực ngoài nhà nước trên cơ sở từng bước cụ thể hóa quy định của Đảng. Tuy nhiên, không phải tất cả những quy định trong luật này đều áp dụng đối với khu vực ngoài Nhà nước.

PV - tổng hợp

Nguồn Quochoi.vn