Bạo hành trẻ em: Không còn là chuyện của một gia đình
Ngày đăng : 09:01, 10/04/2018
Khi "hổ dữ ăn thịt con"
Thực tế cho thấy, số vụ bạo hành trẻ em đang có chiều hướng phức tạp cả về tính chất và mức độ vi phạm.
Dư luận chưa hết bàng hoàng trước vụ bé Nguyễn Huỳnh Ngọc Th. (7 tuổi) tại Kiên Giang bị chính cha đẻ tra tấn bằng cách đánh lõm đầu, dí thanh sắt nung đỏ vào má, vào tay khiến cháy da, sém thịt. Những vết bỏng sâu trên cơ thể em tố cáo tội ác dã man “như thời trung cổ” của người lớn. Vụ việc bị phát giác vào cuối tháng 11/2017.
Bé Nguyễn Huỳnh Ngọc Th. với những vết bỏng trên cơ thể (Ảnh: Tiền phong) |
Không được đi học, phải làm đủ các việc nhà, chỉ ăn được mì tôm sống và cơm nguội, thường xuyên bị đánh đập bằng guốc, đũa, muôi gỗ, móc quần áo đến mức từ 40kg chỉ còn 20kg, ốm yếu gày mòn, những vết thương chằng chịt trên khuôn mặt và vùng đầu là hoàn cảnh thương tâm của em Trần G.K ở Nghĩa Đô, Hà Nội. Không ai nghĩ rằng một cậu bé mới 8 tuổi lại phải chịu cảnh đánh đập đến gãy sương sườn, rạn sọ não dưới bàn tay của bố đẻ và mẹ kế.
Câu chuyện về bé trai 1 tuổi bị mẹ ruột bạo hành dã man rồi bỏ rơi tại bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) hồi tháng 8 năm 2017 cũng thật đau xót. Bé được đưa đến viện trong tình trạng tổn thương vùng não, toàn thân bầm tím, bộ phận sinh dục xước toàn bộ. Ở cổ có vết xước, mắt bị giãn, co giật, hôn mê… (Theo thông tin của Tuổi trẻ)
Bé K. bị chính bố đẻ và mẹ kế hành hạ trong suốt 2 năm qua khiến em bị đa chấn thương (Ảnh: Lao động) |
Vừa qua, lại thêm một sự việc bạo hành trẻ gây rúng động dư luận ở Bình Phước. Như Lao động đưa tin, cháu Nguyễn Thành Đ. (8 tuổi) thường xuyên bị nhân tình của mẹ, một kẻ nghiện ngập, không có nghề nghiệp chửi bới và đánh đập. Điều đáng nói, dù biết nhân tình thường xuyên hành hạ con trai mình, người mẹ vẫn đồng lõa, nhắm mắt làm ngơ. Hậu quả, sáng 27/03/2018, cháu Nguyễn Thanh Đ. bị tra tấn đến tím tái, hôn mê và tử vong. Muốn che giấu cho nhân tình, người mẹ này đã cùng kẻ giết con mình đưa thi thể cháu về quê y để tổ chức tang lễ.
Cái chết của cháu Nguyễn Thanh Đ. thêm một lần nữa gióng hồi chuông cảnh báo về vấn nạn ngược đãi trẻ em. Đó là nỗi nhức nhối của xã hội.
Trên đây chỉ là những vụ việc được đưa ra ánh sáng, bị xử lý. Các chuyên gia cho rằng con số này trên thực tế phải cao hơn bởi nhiều nạn nhân chọn cách im lặng vì lo sợ hoặc ngại tố cáo.
Như Vnexpress đưa tin, Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em công bố, ở Việt Nam trung bình mỗi năm có hơn 2.000 trẻ bị bạo lực, bị xâm hại ở mức độ nghiêm trọng cần được can thiệp.
Gia đình, đáng lẽ là mái nhà bình yên che chở cho tuổi thơ của trẻ lại trở thành nơi bạo hành và tạo những ký ức hãi hùng cho trẻ. Những bậc làm cha làm mẹ sẵn sàng trút cơn thịnh nộ lên đầu những đứa trẻ không có khả năng tự vệ.
Bạo hành trẻ là tội ác, nó để lại di chứng suốt cuộc đời một con người. Những vết thương này sẽ lưu lại trong cơ thể và tuổi thơ của các em. Thương tổn về tinh thần là điều không thể tránh khỏi. Trẻ bị ngược đãi, xâm hại và bị bóc lột thường mang tâm lý mặc cảm, tự ti hoặc thù hận đối với xã hội. Hành vi của trẻ trong một hành trình tương lai cũng dễ bị lệch lạc một cách đáng tiếc.
Bạo lực vì đâu?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực trẻ em trong gia đình, trước hết phải kể đến nhận thức của cộng đồng về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và phần nào còn bị xem nhẹ.
Quan niệm của người lớn về giáo dục trẻ bằng roi chính là mắt xích gây ra những sự việc này. Lối suy nghĩ “thương cho roi cho vọt”, “con hư thì phải dạy” đã ăn sâu khiến người ta coi chuyện đánh đập, đối xử hung bạo với con trẻ là bình thường. Sự thiếu hiểu biết và “lạm quyền” của người lớn đã gây tổn hại cho trẻ nhỏ.
Ảnh minh họa (Nguồn: internet) |
Có thể thấy một thực tế hiện nay là môi trường xã hội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến bạo lực trẻ em như: cha mẹ bị cuốn vào tệ nạn xã hội, nghiện hút, cờ bạc, rượu chè; cha mẹ mâu thuẫn hoặc ly hôn, lối sống ích kỷ, thiếu trách nhiệm với con cái… Còn những trường hợp “thú tính” từ trong bản chất thì tất yếu dẫn đến hành vi bạo lực với trẻ.
Đáng lo ngại là tình trạng ngược đãi, xâm hại trẻ em ít được cộng đồng chủ động tố giác, trình báo với các cơ quan chức năng. Nhiều vụ việc để kéo dài nhiều năm, khi tình trạng ở mức báo động nghiêm trọng mới được các phương tiện thông tin đại chúng phát giác trước công luận. Sự thờ ơ, vô cảm hoặc tâm lý nể nang, lo sợ bị trả thù... khiến nhiều người xung quanh không dám can thiệp hoặc tố giác hành vi phạm pháp này.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng chưa ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình. Nhiều vụ việc chính quyền không phát hiện và xử lý kịp thời dẫn đến hậu quả nặng nề hơn.
Theo báo Chính phủ, bà Ngô Thị Minh (Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) cho rằng, công tác quản lý nhà nước và việc bố trí cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em nói chung và công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng ở các địa phương còn nhiều bất cập, đặc biệt ở cấp xã phường, thôn bản. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong thực hiện phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em còn thiếu chặt chẽ và chưa hiệu quả. Đây cũng là lý do khiến nạn bạo hành trẻ em không có dấu hiệu “thuyên giảm”.
Ai sẽ bảo vệ trẻ em?
Thực trạng bức xúc đặt ra câu hỏi lớn: “Vai trò của các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội đang ở đâu? Họ cần phải làm gì để bảo vệ trẻ em tránh khỏi những sự ngược đãi thương tâm?”
Việt Nam là nước đầu tiên của châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới tham gia phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em vào năm 1990. Luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được năm 1991; Luật Trẻ em năm 2016, Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Lao động, Luật Phòng chống bạo lực gia đình và hàng trăm văn bản dưới luật quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, đoàn thể trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Có thể khẳng định không thiếu văn bản pháp luật bảo vệ quyền trẻ em, kể cả biện pháp chế tài hình sự lẫn hành chính.
Cùng với đó, nhà nước còn giao trách nhiệm bảo vệ trẻ em cho 15 tổ chức có chức năng bảo vệ quyền lợi trẻ em, từ cấp trung ương đến tận xã- phường, từ cơ quan nhà nước đến đoàn thể, tổ chức xã hội.
Vấn đề là công tác kiểm tra, giám sát thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em ở nhiều nơi còn chưa tốt, thiếu đồng bộ.
Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em: 111 (Nguồn: Internet) |
Đến nay, theo quy định của Luật trẻ em 2016, Chính phủ vừa thành lập được Ủy ban Quốc gia về trẻ em và họp phiên đầu tiên vào ngày 6/12/2017. Như vậy, cơ chế điều phối liên ngành để phối hợp hoạt động và chia sẻ, kết nối thông tin giữa các bộ, ngành Trung ương và giữa các sở, ngành, phòng ban ở địa phương trong công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em mới chính thức được khai thông và vận hành theo luật định nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc hỗ trợ, bảo vệ trẻ em là nạn nhân, nhân chứng của các hành vi bạo lực, xâm hại trước, trong và sau quá trình tố tụng.
Một yêu cầu nữa đặt ra là cần xử lý nghiêm các hành vi bạo hành trẻ em để tạo sự răn đe cho xã hội. Người bạo hành trẻ dù là ruột thịt cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước pháp luật.
Tuy nhiên, trừng trị không giải quyết được tận gốc vấn đề, mà quan trọng hơn là tuyên truyền, giáo dục, làm thay đổi nhận thức của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và cộng đồng.
Cần tạo làn sóng dư luận xã hội mạnh mẽ để thúc đẩy các các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội cùng vào cuộc bảo vệ trẻ em. Theo đó, cần tăng cường trách nhiệm và năng lực của gia đình, nhà trường, cộng đồng trong việc chủ động phòng ngừa có hiệu quả các hành vi bạo lực, xâm hại đối với trẻ em. Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến kiến thức về quyền trẻ em và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đến từng khu phố, từng gia đình.
Luật sư Hà Hải - Văn phòng Luật sư Hà Hải (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng: Theo Luật trẻ em 2016 (có hiệu lực từ ngày 1/6/2017), ngay khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bị bạo hành thể xác hoặc tinh thần, chính quyền địa phương nơi bé ở (không cần phải theo hộ khẩu) phải cách ly khỏi người giám hộ ngay lập tức. Trường hợp trẻ bị bạo hành không có người thân nào ngoài người giám hộ hiện tại, thì chính quyền tạm thời chăm sóc, giáo dục cho trẻ. Còn nếu bé có người thân khác như cha hoặc mẹ ruột, ông bà nội ngoại có thể chăm sóc thì nên giao trẻ về cho người thân. (theo thông tin từ báo Tuổi trẻ )
Nếu phát hiện trường hợp bất thường, người dân nên thông báo ngay các cấp chính quyền để xử lý kịp thời. Các tổ dân phố, thôn - xóm khi thấy hành vi bạo hành, xâm hại và ngược đãi trẻ em xảy ra phải tố giác, đấu tranh lên án.
Cả cộng đồng cần chung tay bảo vệ mầm xanh tương lai của đất nước để các em được sống trong tình yêu thương của người thân và xã hội.
Điều 4 Luật trẻ em 2016 quy định: "Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em". Tùy vào tính chất, mức độ hành vi mà người thực hiện hành vi bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt hành chính, theo điều 27 của nghị định 144, mức phạt tiền 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em; gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em.
Nếu tính chất, mức độ nghiêm trọng hơn như gây đau đớn về thể xác hoặc đè nén, áp bức về tinh thần người bị lệ thuộc bằng các hành vi: đánh đập, giam hãm, không cho ra khỏi nhà, bắt nhịn ăn, uống, không cho mặc đủ ấm... có thể bị truy tố hình sự về tội hành hạ người khác theo Luật hình sự.
Xem thêm bài viết >>>