Những vướng mắc trong áp dụng pháp luật về thi hành án dân sự

Ngày đăng : 15:46, 09/04/2018

(Kiemsat.vn) - Thực tiễn công tác kiểm sát thi hành án dân sự cho thấy một số quy định của pháp luật về Thi hành án dân sự chưa thống nhất với các luật chuyên ngành khác gây không ít khó khăn cho công tác tổ chức và thi hành án của Cơ quan Thi hành án dân sự cũng như các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan.

Ảnh minh họa

Xử lý, bán đấu giá tài sản kê biên là quyền sử dụng đất của người phải thi hành án chưa có sổ đỏ

Tại khoản 2, Điều 110 Luật Thi hành án dân sự quy định:

“Quyền sử dụng đất được kê biên, bán đấu giá để thi hành án

1.

2. Người phải thi hành án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc thuộc diện quy hoạch phải thu hồi đất, nhưng chưa có quyết định thu hồi đất thì vẫn được kê biên, xử lý quyền sử dụng đất đó”

Theo quy định nêu trên, Cơ quan Thi hành án dân sự được quyền kê biên quyền sử dụng đất đối với người phải thi hành án chưa được cấp Giấy CNQSDĐ nhưng thuộc trường hợp được cấp Giấy CNQSDĐ đất theo quy định của pháp luật về đất đai như hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có một trong những loại giấy tờ: Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15/10/1993 được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15/10/1993; Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất; các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15/10/1993 theo quy định của Chính phủ... (Điều 100, 101, 102 Luật Đất đai năm 2013). Tuy nhiên, sau khi kê biên thì lại không thể bán đấu giá để thi hành án được.

Theo quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 về bán đấu giá tài sản thì tại cuộc bán đấu giá tài sản là bất động sản phải có sự tham gia của Công chứng viên (Điều 35 Nghị định 17/2010), nếu Công chứng viên không tham gia thì cuộc bán đấu giá không đảm bảo trình tự theo pháp luật. Đối với trường hợp người phải thi hành án bị Cơ quan Thi hành án kê biên đất, tài sản gắn liền với đất chưa được cấp giấy  CNQSDĐ thuộc diện được cấp Giấy chứng nhận, khi thực hiện việc bán đấu giá, người mua trúng đấu giá phải làm thủ tục theo quy định của pháp luật về đất đai là phải công chứng khi thực hiện hợp đồng mua, bán (khoản 3, Điều 167 Luật đất đai 2013). Mà tại điểm d, khoản 1, Điều 40 Luật Công chứng năm 2014 quy định về hồ sơ yêu cầu Công chứng gồm: “Bản sao chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó”. Như vậy, khi chưa có giấy CNQSDĐ (giấy chứng nhận quyền sở hữu), Công chứng viên không thể tham gia cuộc bán đấu giá và công chứng hồ sơ mua bán tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất, nên việc bán đấu giá sẽ không thể thực hiện được.

Về yêu cầu một hoặc một số người có điều kiện thi hành án thực hiện toàn bộ nghĩa vụ liên đới trong bản án đã xác định rõ phần nghĩa vụ của họ

Tại Điều 288 Bộ luật dân sự 2015 quy định về thực hiện nghĩa vụ liên đới:

1. Nghĩa vụ liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.

2. Trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình…

Và tại Điều 11 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự quy định: Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên nghĩa vụ liên đới nhưng không xác định hoặc xác định rõ phần nghĩa vụ của từng người, thì trong quá trình tổ chức thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự có quyền yêu cầu một hoặc một số người bất kỳ có điều kiện thi hành án trong số những người phải thi hành án thực hiện toàn bộ nghĩa vụ liên đới. Người đã thực hiện thay phần nghĩa vụ thi hành án có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ liên đới khác thanh toán lại phần nghĩa vụ mà người đó đã thực hiện thay cho họ theo quy định của pháp luật dân sự…”

Theo quy định nêu trên, trường hợp bản án của Tòa án tuyên nghĩa vụ liên đới đã xác định rõ phần nghĩa vụ của từng người và 01 hoặc một số người trong số những người phải thi hành án đã thi hành xong phần nghĩa vụ của mình mà có điều kiện thi hành (có tài sản) thì Chấp hành viên vẫn có quyền yêu cầu họ phải thi hành phần nghĩa vụ thay cho người khác (người không có điều kiện để thi hành án), trường hợp họ không tự nguyện thi hành thì có thể bị cưỡng chế (kê biên tài sản) để thi hành án (theo Điều 46 Luật THADS).

Đây là nội dung còn mâu thuẫn và rất khó thực thi trên thực tiễn bởi vì:

Bản án có hiệu lực pháp luật đã xác định rõ nghĩa vụ của từng người, 01 trong số những người phải thi hành án đã chấp hành xong phần nghĩa vụ của mình mà Chấp hành viên lại ra Quyết định cưỡng chế (kê biên) tài sản của họ để thi hành thay cho người khác, nếu họ chấp hành và thực hiện Quyết định của Chấp hành viên thì có nghĩa là Bản án xác định nghĩa vụ của từng người không có giá trị đối với họ và Quyết định của Chấp hành viên có giá trị cao pháp lý hơn Bản án. Nếu họ chỉ chấp hành Quyết định của bản án mà không chấp hành Quyết định của Chấp hành viên thì có bị coi là vi phạm pháp luật? Đây là điều mâu thuẫn giữa Bản án của Tòa án và Quyết định cưỡng chế (kê biên) của Cơ quan Thi hành án.

Qua thực tiễn công tác thi hành án dân sự nhận thấy, đối với bản án đã xác định rõ phần nghĩa vụ của từng người, việc yêu cầu một hoặc một số người bất kỳ có điều kiện thi hành án trong số những người phải thi hành án thực hiện toàn bộ nghĩa vụ liên đới chỉ có thể thực hiện được nếu họ tự nguyện thi hành thay cho người khác. Trường hợp họ không tự nguyện thi hành thay thì không thể thực hiện trên thực tế vì họ đã thực hiện xong phần nghĩa vụ của mình theo quyết định của bản án, nên họ có quyền khiếu nại quyết định cưỡng chế của Chấp hành viên.

Về xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với trường hợp không xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án

Theo quy định tại Điều 61 của Luật THADS thì người phải thi hành án được xét miễn giảm nghĩa vụ thi hành án khi có đủ hai điều kiện:

Một là, không có tài sản hoặc có tài sản nhưng tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án hoặc không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng;

Hai là, phải đảm bảo thời hạn cụ thể kể từ ngày ra quyết định thi hành án (theo quy định tại Điều 61 Luật thi hành án dân sự).

Tuy nhiên đối với trường hợp chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án thì việc xem xét miễn, giảm còn có ý kiến, cách hiểu khác nhau và khó thực thi trong thực tiễn, cụ thể:

Ý kiến thứ nhất cho rằng: Đối với trường hợp chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án thì việc xem xét miễn, giảm chỉ cần xác định người phải thi hành án không có tài sản hoặc có tài sản nhưng tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án hoặc không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng và đảm bảo thời hạn theo quy định tại Điều 61 Luật Thi hành án dân sự là đủ điều kiện xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án.

Ý kiến thứ hai cho rằng: Đối với trường hợp chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án thì thủ trưởng Cơ quan Thi hành án không xem xét việc miễn, giảm mà ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành (theo Điều 44a Luật thi hành án dân sự) vì việc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án thì không có cơ sở để xác định nhân thân, tài sản của người phải thì hành án để xây dựng hồ sơ miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án.

Ý kiến thứ ba cho rằng: Đối với trường hợp chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án mà Thủ trưởng Cơ quan Thi hành án xây dựng hồ sơ đề nghị xem xét việc miễn, giảm nghĩa vụ thu nộp ngân sách nhà nước hoặc ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án theo Điều 44a Luật thi hành án dân sự đều không có cơ sở. Vì đã không xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án thì không có cơ sở để xác định nhân thân hay tài sản của người phải thì hành án hoặc xác định người đó có hay không có tài sản để thi hành do đó không có căn cứ để xây dựng biên bản xác minh điều kiện thi hành án.

Về xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với bản án, quyết định của Tòa án có tuyên về lãi suất chậm thi hành án của khoản thu nộp ngân sách nhà nước

Tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/9/2015 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, TAND tối cao và VKSND tối cao hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước quy định: “Các khoản thu nộp cho ngân sách nhà nước thuộc diện được xét miễn, giảm thi hành án gồm tiền phạt, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính …; lãi chậm thi hành án đối với khoản được miễn giảm (nếu có)”

Ý kiến thứ nhất cho rằng: Tiền lãi chậm thi hành án là một khoản tiền còn phải thi hành của đương sự, vì vậy cần cộng với các khoản còn phải thu nộp ngân sách nhà nước thành tổng giá trị khoản phải thu nộp ngân sách nhà nước. Khi xem xét miễn, giảm phải căn cứ vào tổng giá trị khoản còn phải thu nộp ngân sách nhà nước bao gồm cả phần lãi chậm thi hành án (phần gốc + phần lãi) để xác định điều kiện, thời hạn được xét miễn, giảm.

Có ý kiến cho rằng: Lãi suất chậm thi hành án là một khoản được xem xét miễn, giảm độc lập với khoản phải thu, nộp ngân sách. Khi đề nghị xem xét miễn, giảm chỉ cần căn cứ vào tổng giá trị khoản còn phải thu nộp ngân sách nhà nước (phần gốc) để xác định điều kiện, thời hạn được xét miễn, giảm không bao gồm phần lãi chậm thi hành án.

Đề xuất một số giải pháp 

Một là: Quy định rõ việc Cơ quan thi hành án kê biên tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của người phải thi hành án trong trường hợp chưa được cấp giấy CNQSDĐ, quá trình xử lý, bán đấu giá tài sản kê biên, khi Cơ quan thi hành án yêu cầu Công chứng, chứng thực thì cơ quan có thẩm quyền phải có trách nhiệm Công chứng, chứng thực các tài liệu chứng minh quyền sử dụng đất.

Hai là: Quy định cụ thể việc Cơ quan thi hành án yêu cầu một hoặc một số người có điều kiện thi hành trong số những người phải thi hành án thực hiện toàn bộ nghĩa vụ liên đới trong bản án đã xác định rõ phần nghĩa vụ của họ chỉ được thực hiện trong trường hợp họ tự nguyện thi hành thay cho người khác.

Ba là: Cần sửa đổi và quy định cụ thể việc xem xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với trường hợp bản án, quyết định của Tòa án có tuyên về lãi suất chậm thi hành án của khoản thu nộp ngân sách nhà nước, khi xem xét miễn giảm chỉ căn cứ vào tổng giá trị khoản còn phải thu nộp ngân sách nhà nước (phần gốc) để xác định điều kiện, thời hạn được xét miễn, giảm không bao gồm phần lãi chậm thi hành án.

Bốn là: Quy định rõ trường hợp chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án thì thủ trưởng Cơ quan Thi hành án không xem xét việc miễn, giảm mà ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành (theo Điều 44a Luật thi hành án dân sự).

Năm là: Hoàn thiện hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự theo hướng đồng bộ, thống nhất với các luật chuyên ngành và có tính thực thi trên thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác Thi hành án dân sự cũng như công tác Kiểm sát thi hành án dân sự đạt hiệu quả cao./.           

 

Xem thêm>>>

VKSND tối cao hướng dẫn công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính

Kinh nghiệm kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án dân sự

Thi hành án dân sự tại trại giam: Lúng túng xử lý tiền thu hồi

Đào Thị Hảo - VKSND tỉnh Tuyên Quang