Vấn đề - sự kiện nổi bật tuần qua (02/4 -06/4)
Ngày đăng : 22:14, 07/04/2018
1. VKSND tối cao giao ban công tác Quí I/2018
Ngày 05/4/2018, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị tổ chức giao ban công tác Quí I/2018. Đồng chí Lê Minh Hội nghị Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Viện trưởng VKSNDTC chỉ đạo Hội nghị.
Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Viện trưởng VKSNDTC phát biểu tại Hội nghị |
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe Báo cáo tóm tắt kết quả công tác Qúy I năm 2018 của VKSND tối cao, VKSND cấp cao.
Đồng chí Lê Minh Trí khẳng định, trong Quý I các đơn vị thuộc VKSNDTC, các VKSND cấp cao về cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ đề ra và đạt được những kết quả tích cực. Điểm lại những kết quả đã đạt được và đề cập đến những hạn chế, thiếu sót trong Quý I năm 2018, đồng chí Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Vì vậy, thời gian tới, cần tập trung xây dựng Nghị quyết về đánh giá chất lượng cán bộ, qua đó củng cố cũng như sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn nhân lực hiện đang có của ngành KSND; mặt khác, tăng cường triển khai kế hoạch tập huấn các đạo luật mới trên tinh thần nắm chắc và nắm đầy đủ các đạo luật nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra; lấy hiệu quả, chất lượng công việc làm thước đo để đánh giá cán bộ.
Đối với việc thi tuyển Kiểm sát viên, đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao cũng nhấn mạnh cần xây dựng các bộ đề thi theo một quy trình chặt chẽ nhằm đảm bảo chất lượng thi tuyển KSV được đảm bảo và công khai.
Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cũng đặc biệt lưu ý đối với các đơn vị trực tham gia việc hỏi cung, khám nghiệm hiện trường... cần trang bị đầy đủ các phương tiện ghi âm, ghi hình để nâng cao hiệu quả chất lượng công việc; tăng cường hướng dẫn, trả lời thỉnh thị; rà soát và điều chỉnh kinh phí cho phù hợp với các hoạt động của cơ quan, đơn vị.
2. Ký kết Thông tư liên tịch báo cáo, thông báo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp
Ngày 05/4/2018, tại trụ sở VKSND tối cao đã diễn ra Lễ ký Thông tư liên tịch "Quy định phối hợp trong việc báo cáo, thông báo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp". Đồng chí Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Phó Viện trưởng VKSND tối cao chủ trì buổi Lễ.
Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Thị Thủy Khiêm phát biểu tại buổi Lễ |
Dự lễ ký có đồng chí Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TAND tối cao; đồng chí Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính; đồng chí Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc VKSND tối cao và các thành viên Ban soạn thảo, Tổ giúp việc Thông tư liên.
Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đã nhất trí ký ban hành Thông tư liên tịch “Quy định phối hợp trong việc báo cáo, thông báo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp”.
Thông tư gồm 03 chương, 09 điều, quy định về những nội dung chính gồm: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; nội dung báo cáo, thông báo; thời hạn gửi báo cáo, thông báo; thẩm quyền ký văn bản báo cáo…
3. Bộ Chính trị thông qua đề án tinh giản bộ máy công an
Chiều 2/4, Bộ Công an cho biết Bộ Chính trị vừa đồng ý thông qua Đề án và ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Ảnh minh họa (Nguồn:Vnexpress) |
Đề án xây dựng trên cơ sở không tổ chức cấp trung gian, thu gọn các đơn vị sự nghiệp công lập, giáo dục, báo chí, y tế trong Công an nhân dân. Các lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được tổ chức lại, gắn với công an tỉnh, thành phố để phát huy tối đa nguồn lực trong thực thi nhiệm vụ.
Đề án sẽ bỏ cấp tổng cục. Cấp cục, đơn vị ngang cục sẽ giảm từ con số 126 xuống còn 52. Bộ cũng chỉ còn 4 học viện và hai đại học. Bộ máy công an tại các địa phương giữ nguyên.
Chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng không thay đổi; được tổ chức theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”. Việc sắp xếp nhân sự cấp Tổng cục khi đơn vị giải thể, Bộ Công an sẽ tiếp tục nghiên cứu để đưa ra giải pháp.
4. Ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện việc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa ban hành văn bản số 04-HD/UBKTTW hướng dẫn thực hiện một số Điều trong Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.
Ủy ban Kiểm tra TƯ đã xem xét, kết luận nhiều vấn đề liên quan đến kỷ luật đảng viên vi phạm (Ảnh: Pháp luật) |
- Xử lý đảng viên vi phạm sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu
Khoản 2, Điều 1 trong hướng dẫn quy định: “Đảng viên sau khi chuyến công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm vẫn phải xem xét, kết luận; nếu vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì phải thi hành kỷ luật theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước và những nội dung nêu trong Quy định này”.
Về nguyên tắc xử lý kỷ luật, khoản 3, Điều 2 quy định: “Khi xem xét, xử lỷ kỷ luật đảng viên vi phạm, phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, thái độ tiếp thu phê bình và sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, vỉ phạm, hậu quả đã gây ra, mục tiêu, yêu cầu của việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng”
- Chứng cứ đến đâu kết luận đến đấy, không suy diễn
Khi xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, phải làm rõ nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, động cơ, nguyên nhân của vi phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và căn cứ vào thái độ tự giác, tinh thần quyết tâm sửa chữa khuyết điểm, vi phạm và khắc phục hậu quả đã gây ra, chứng cứ đến đâu kết luận đến đấy, không suy diễn. Đồng thời, phải xét hoàn cảnh lịch sử cụ thể, khách quan, toàn diện nhằm đạt mục tiêu, yêu cầu của nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng.
Đảng viên vi phạm bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo, nếu xét thấy không còn đủ uy tín thì tổ chức đảng có thẩm quyền quyết định cho miễn nhiệm hoặc đề nghị cho thôi giữ chức vụ đó.
- Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không "xử lý nội bộ"
Khoản 5, Điều 2 quy định: “Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không "xử lý nội bộ”. Nếu bị toà án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì phải khai trừ; nếu bị xử phạt bằng hình phạt thấp hơn cải tạo không giam giữ hoặc được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, bị xử phạt hành chính thì tuỳ nội dung, mức độ, tính chất, tác hại, nguyên nhân vi phạm và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ mà xem xét, thi hành kỷ luật đảng một cách thích hợp.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày bản án của toà án tuyên phạt đối với đảng viên từ cải tạo không giam giữ trở lên có hiệu lực pháp luật thì toà án phải sao gửi bản án đến cấp uỷ, ban thường vụ cấp ủy hoặc ủy ban kiếm tra của cấp ủy quản lý đảng viên. Căn cứ vào nội dung bản án, uỷ ban kiểm tra quyết định hoặc đề nghị cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy quyết định xử lý kỷ luật khai trừ đảng viên theo quy định.
- Đảng viên vi phạm đặc biệt nghiêm trọng qua đời thì vẫn kiểm tra, kết luận và xử lý kỷ luật
Khoản 2, Điều 5 quy định: “Đảng viên vi phạm đã qua đời, tổ chức đảng xem xét, kết luận, không xử lý kỷ luật, trừ trường hợp đảng viên đó vi phạm kỷ luật đặc biệt nghiêm trọng”.
Ngoài ra, hướng dẫn thực hiện một số Điều trong Quy định số 102 cũng đưa ra các quy định khi đảng viên vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm các quy định về bầu cử, vi phạm trong công tác tổ chức, cán bộ, vi phạm trong công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm về khiếu nại, tô cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo, vi phạm quy định về kết hôn với người nước ngoài, vi phạm quy định về chính sách dân số, kế hoạch hoá gia đình…
Hướng dẫn này có hiệu lực kể từ ngày ký, tức ngày 22/3/2018.
5. Sẽ tăng lương hưu cho 08 đối tượng từ ngày 01/7/2018
Theo dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từ ngày 1/7/2018, 08 đối tượng sẽ được tăng thêm 6,92% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 6/2018.
Ảnh minh họa (Nguồn: internet) |
- Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động (kể cả người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người nghỉ hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định 41/2009/QĐ-TTg ngày 16/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ); quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng.Theo đó, 8 đối tượng sau sẽ được điều chỉnh tăng lương hưu:
- Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009, Nghị định 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/1/1998 của Chính phủ đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng.
- Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 04/8/2000, Quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 06/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng.
- Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 130/CP ngày 20/6/1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111-HĐBT ngày 13/10/1981 của Hội đồng Bộ trưởng.
- Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008, Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 06/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
- Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
- Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
- Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.
6. Đề nghị truy tố nguyên tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á Trần Phương Bình
Ngày 04/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND tối cao đề nghị truy tố ông Trần Phương Bình nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á cùng 21 đồng phạm gây thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank).
Ông Trần Phương Bình, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á |
Cơ quan điều tra xác định ông Trần Phương Bình là chủ mưu, người tổ chức, chỉ đạo các hoạt động ngân quỹ và đầu tư; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á (DAB) tổng số tiền hơn 3.400 tỷ đồng.
Hành vi vi phạm của ông Trần Phương Bình và các đồng phạm là nguyên nhân dẫn đến việc DAB lỗ lũy kế hơn 31.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 25.000 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2015.
Theo đó, ông Bình và bà Nguyễn Thị Kim Xuyến (nguyên Phó tổng giám đốc DongABank) bị đề nghị truy tố hai tội danh là Tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Liên quan vụ án còn có 21 người khác song cơ quan điều tra cho rằng "bị can Bình phải chịu trách nhiệm chính về toàn bộ thiệt hại gần 3.500 tỷ đồng trong vụ án này".
7. Phê chuẩn bắt giam nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh
Ngày 6.4, VKSND tỉnh Phú Thọ đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với ông Phan Văn Vĩnh (nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục cảnh sát, Bộ Công an) theo điều 356, Bộ luật Hình sự với tội danh "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh, nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát |
Liên quan đến đường dây đánh bạc xuyên quốc gia với số tiền lên tới hàng ngàn tỉ đồng gây rúng động dư luận thời gian qua, số tiền có giá trị vật chất để quy trách nhiệm hình sự của các đối tượng tham gia đánh bạc là khoản hơn 2.700 tỉ đồng. Đây là đường dây đánh bạc xuyên quốc gia vì đã có hàng triệu USD được chuyển ra nước ngoài. Đến nay cơ quan chức năng thu được khoảng 1.300 tỉ đồng và số ngoại tệ đánh bạc chuyển ra nước ngoài theo thống kê ban đầu ước chừng 3,6 triệu USD.