Anh T vẫn phải chịu án phí cấp dưỡng nuôi con

Ngày đăng : 15:07, 06/04/2018

(Kiemsat.vn) - Các tác giả cho rằng, Tòa án phải xác định trường hợp được nêu là vụ án ly hôn để áp dụng khoản 4 Điều 147 BLTTDS năm 2015 và điểm b khoản 6 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016 ngày 30/12/2016 để buộc anh T chịu án phí cấp dưỡng nuôi con là 50% mức án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch (tức là 150.000đồng).

Nội dung vụ việc:

Ngày 03/2/2018,  anh Trương Phước T và chị Mai Bảo N gửi yêu cầu đến TAND thị xã A để yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn. Sau khi thụ lý việc hôn nhân và gia đình giữa anh T và chị N, TAND thị xã A tiến hành hòa giải đoàn tụ nhưng không thành. Sau đó Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự. Nội dung công nhận theo yêu cầu gồm:

- Công nhận sự thuận tình ly hôn giữa anh T và chị N.

- Giao con chung là cháu Trương Phước N, sinh ngày 27/8/2012 cho chị N trực tiếp nuôi dưỡng, anh T cấp dưỡng mỗi tháng 2 triệu đồng.

Về lệ phí: anh T và chị N mỗi người phải chịu 150.000 đồng lệ phí việc hôn nhân và gia đình sơ thẩm.

Đối với quyết định giải quyết việc hôn nhân và gia đình của TAND thị xã A không buộc anh T phải chịu án phí cấp dưỡng nuôi con

* Ý kiến của Ths. Lê Văn Quang, Phó Viện trưởng, VKSND huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

Tại khoản 3 và  khoản 4 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định:

3. Trước khi mở phiên tòa, Tòa án tiến hành hòa giải; nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì họ chỉ phải chịu 50% mức án phí sơ thẩm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Trong vụ án ly hôn thì nguyên đơn phải chịu án phí sơ thẩm, không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa án phí sơ thẩm”.

Tại điểm b khoản 6 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội  quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án quy định: “Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng trước khi mở phiên tòa nhưng có yêu cầu Tòa án ghi nhận trong bản án, quyết định thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải chịu 50% mức án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch; trường hợp tại phiên tòa mới thỏa thuận được với nhau thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải chịu mức án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch

Bởi lẽ, qua hòa giải trước khi mở phiên tòa giữa anh T và chị N đã thỏa thuận giao cháu Trương Phước N, sinh ngày 27/8/2012 cho chị N nuôi và anh T có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu N mỗi tháng là 2 triệu đồng đây là trường hợp các bên thỏa thuận được với nhau về tranh chấp nuôi con và cấp dưỡng nhưng có yêu cầu Tòa án ghi nhận trong Quyết định và anh T, chị N vẫn yêu cầu Tòa án công nhận thuận tình ly hôn.

Như vậy, trong trường hợp này Tòa án phải xác định đây là vụ án ly hôn để áp dụng khoản 4 Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về nghĩa vụ mỗi bên chịu một nữa án phí và điểm b khoản 6 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội để buộc anh T chịu án phí cấp dưỡng nuôi con là 50% mức án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch (tức là 150.000đồng).

Ảnh minh họa

* Ý kiến của KSV Lê Thanh Bình, VKSND huyện Phù Mỹ, Bình Định 

Quyết định giải quyết việc hôn nhân và gia đình của Tòa án phải buộc anh T chịu án phí đối với khoản tiền cấp dưỡng nuôi con theo quy định của pháp luật (Có tính án phí cấp dưỡng nuôi con đối với việc hôn nhân gia đình). Bởi vì, trong trường hợp này,  nếu thụ lý, giải quyết theo việc dân sự hay vụ án dân sự thì anh T cũng phải chịu án phí đối với khoản tiền cấp dưỡng nuôi con.

Thứ nhất,  sau khi thụ lý yêu cầu của anh T và chị N, TAND thị xã A tiến hành hòa giải đoàn tụ nhưng không thành; do đó Tòa án ra quyết định công nhận sự thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự: giao con chung là cháu Trương Phước N, sinh ngày 27/8/2012 cho chị N trực tiếp nuôi dưỡng, anh T cấp dưỡng mỗi tháng 2 triệu đồng, nên lúc này việc dân sự (lệ phí) đã thành vụ án dân sự (án phí).

Thứ hai, nếu TAND thị xã A thụ lý, giải quyết đơn yêu cầu của anh T, chị N (việc dân sự) thì anh T và chị N phải chịu lệ phí theo Điều 36 NQ 326 nhưng đối với phần cấp dưỡng nuôi con (N) thì anh T vẫn phải chịu án phí cấp dưỡng nuôi con.

Xét cả hai trường hợp nêu trên thì dù Tòa án nhân dân thị xã A thụ lý giải quyết yêu cầu của anh T, chị N theo việc dân sự hay vụ án dân sự thì anh T vẫn phải chịu án phí cấp dưỡng bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm.

Theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 27 Nghị quyết 326 quy định: “Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng trước khi mở phiên tòa nhưng có yêu cầu Tòa án ghi nhận trong bản án, quyết định thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải chịu 50% mức án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch; trường hợp tại phiên tòa mới thỏa thuận được với nhau thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải chịu mức án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch”.

Theo đó, Danh mục án phí, lệ phí (Ban hành kèm theo Nghị quyết 326) quy định tại mục 1.3: Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình có giá ngạch từ 6.000.000 đồng trở xuống thì mức thu án phí 300.000 đồng. Nhưng, trong trường hợp này anh T và chị N thỏa thuận mức cấp dưỡng nuôi con (N) trước khi mở phiên tòa nên anh T phải chịu án phí cấp dưỡng 50% của mức án phí 300.000 đồng là 150.000 đồng.

* Ý kiến của tác giả Dương Tấn Thanh -  TAND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

Theo tình huống mà Tác giả nêu thì Tòa án thị xã A thụ lý “đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn giữa anh Trương Phước T và chị Mai Bảo N” nên đây là yêu cầu hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.Theo quy định tại Điều 149 BLTTDS năm 2015 thì đương sự trong việc dân sự phải có nghĩa vụ chịu lệ phí (nếu không thuộc trường hợp được miễn hoặc không phải chịu lệ phí). Mức lệ phí được quy định tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án (Nghị quyết số 326 về án phí, lệ phí Tòa án). Cho nên quan điểm cho rằng trong việc hôn nhân và gia đình giữa anh T và chị N, do anh T đồng ý cấp dưỡng cháu N nên anh T có nghĩa vụ chịu án phí cấp dưỡng nuôi con là không phù hợp quy định pháp luật. Vấn đề án phí chỉ đặt ra trong các vụ án mà Tòa án giải quyết. Còn việc dân sự nói chung thì chỉ có lệ phí.

Đối với ý kiến cho rằng sau khi thụ lý việc hôn nhân và gia đình giữa anh T và chị N, trong quá trình giải quyết và qua hòa giải của Tòa án, anh T và chị N thuận tình ly hôn và thỏa thuận được việc nuôi con, cấp dưỡng nuôi con nên Tòa án chuyển “việc hôn nhân và gia đình” thành “vụ án hôn nhân và gia đình”. Tôi không đồng tình với ý kiến này. BLTTDS năm 2015 hoàn toàn không có quy định nào quy định sau khi thụ lý yêu cầu thuận tình ly hôn mà qua hòa giải đương sự không đoàn tụ và thỏa thuận được các vấn đề khác như nuôi con, cấp dưỡng… thì Tòa án phải chuyển thành vụ án hôn nhân và gia đình để giải quyết. Trình tự thủ tục giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình với việc hôn nhân và gia đình là hoàn toàn khác nhau. Thậm chí án phí và lệ phí mà đương sự phải chịu là khác nhau. Nếu trong vụ án hôn nhân và gia đình thì án phí (thuận tình ly hôn) anh T và chị N phải chịu là 150.000 đồng nhưng nếu trong việc hôn nhân và gia đình thì lệ phí mà anh T và chị N phải chịu đối với yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn là 300.000 đồng, anh T và chị N có quyền thỏa thuận việc chịu lệ phí, nếu không thỏa thuận được thì anh T và chị N mỗi người phải chịu là 150.000 đồng (khoản 2 Điều 149 BLTTDS năm 2015).

Như vậy, vấn đề là anh T trong tình huống tác giả Nguyễn Thanh Bình nêu có phải chịu lệ phí cấp dưỡng nuôi con không? Nếu có thì mức lệ phí là bao nhiêu. Nghiên cứu quy định của pháp luật thì trong số những yêu cầu hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án quy định từ khoản 1 đến khoản 10 Điều 29 BLTTDS năm 2015 không có yêu cầu “công nhận thỏa thuận cấp dưỡng”. Tuy nhiên tại khoản 11 Điều 29 BLTTDS năm 2015 thì có quy định các yêu cầu khác về hôn nhân và gia đình cũng thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Đối chiếu quy định Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 tại các Điều 116 (Mức cấp dưỡng) vá Điều 117 (Phương thức cấp dưỡng) thì có quy định như sau: mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người được cấp dưỡng thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Trở lại vụ việc giữa anh T và chị N thì trong quá trình Tòa án giải quyết anh T và chị N có yêu cầu Tòa án công nhận thỏa thuận cấp dưỡng nuôi cháu Trương Phước N, cụ thể mỗi tháng anh T cấp dưỡng nuôi cháu N là 2.000.000 đồng. Theo tôi đây là một “yêu cầu hôn nhân và gia đình khác” trong việc hôn nhân và gia đình giữa anh T và chị N mà Tòa án thị xã A thụ lý giải quyết. Tại khoản 1 Điều 4 Nghị quyết 326 về án phí, lệ phí Tòa án có quy định như sau: “Lệ phí giải quyết yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 27; các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 29; khoản 1 và khoản 6 Điều 31; khoản 1 và khoản 5 Điều 33 của Bộ luật tố tụng dân sự”. Anh T là người có nghĩa vụ cấp dưỡng (giả sử anh T không thuộc trường hợp được miễn lệ phí Tòa án và không phải chịu lệ phí Tòa án) nên anh T phải chịu lệ phí (cấp dưỡng nuôi con) là 300.000 đồng mà không phải được giảm 50%  (tức 150.000 đồng) như trong vụ án hôn nhân và gia đình.

Có tính án phí cấp dưỡng nuôi con đối với việc hôn nhân gia đình không?

Những trường hợp được miễn nộp tạm ứng án phí, án phí

Lê Văn Quang - Lê Thanh Bình