Có cần thiết tăng tuổi nghỉ hưu?
Ngày đăng : 08:48, 03/04/2018
Ảnh minh họa |
Điều kiện hưởng lương hưu qua các thời kỳ
- Giai đoạn từ năm 1945-1961 (trước Nghị định 218/CP): Điều kiện hưởng chế độ hưu trí được quy định từ những ngày đầu thành lập nước (năm 1945) tại các sắc lệnh là khi có đủ một trong hai điều kiện: Đủ 30 năm công tác hoặc đến 55 tuổi.
- Giai đoạn thực hiện Nghị định 218/CP về ban hành điều lệ tạm thời về các chế độ BHXH đối với công nhân viên chức nhà nước: Năm 1961, điều kiện hưởng chế độ hưu trí là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi, ngoài điều kiện về tuổi, có đủ điều kiện sau đây được hưởng chế độ trợ cấp hưu trí: Nam có thời gian công tác nói chung 25 năm, thời gian công tác liên tục 05 năm; Nữ có thời gian công tác nói chung 20 năm, thời gian công tác liên tục 05 năm;
- Giai đoạn thực hiện Nghị định số 236-HĐBT: Nghị định số 236-HĐBT ngày 18/9/1985 quy định điều kiện hưởng lương hưu: Nam 60 tuổi (quân nhân 55 tuổi) có đủ 30 năm công tác; nữ 55 tuổi (quân nhân 50 tuổi) có đủ 25 năm công tác thì được hưởng lương hưu.
- Bộ Luật Lao động năm 1994, đã được sửa đổi năm 2002, 2006, 2007, người lao động được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng khi có đủ điều kiện về tuổi đời và thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội như sau: Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Tuổi đời được hưởng chế độ hưu trí của những người làm các công việc nặng nhọc, độc hại hoặc làm việc ở vùng cao, biên giới, hải đảo và một số trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định.
- Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ quy định điều kiện hưởng chế độ hưu trí: Người lao động được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng khi nghỉ việc mà có một trong các điều kiện sau đây: Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên hoặc Nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong 20 năm đó có thời gian làm việc thuộc một trong các trường hợp sau: Đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại; Đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên; Đủ 10 năm công tác ở miền Nam, ở Lào trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 hoặc ở Campuchia trước ngày 31 tháng 8 năm 1989.
- Luật BHXH năm 2006: Điều kiện hưởng chế độ hưu trí là người lao động đóng BHXH đủ 20 năm trở lên và có một trong những điều kiện sau: Nam đủ 60, nữ đủ 55 tuổi; Nam đủ 55, nữ đủ 50 tuổi và có 15 năm làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc nơi có phụ cấp khu vực hệ số > 0,7; Nam đủ 50, nữ đủ 45 tuổi suy giảm khả năng lao động > 61% (hưởng lương hưu với mức thấp hơn); Không kể tuổi đời, suy giảm khả năng lao động > 61%, có đủ 15 năm làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (hưởng lương hưu với mức thấp hơn); Đủ 50 đến dưới 55 tuổi (nam/nữ), trong đó có ít nhất 15 năm làm công việc khai thác than hầm lò; Không kể tuổi đời đối với người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
- Bộ luật Lao động 2012 (Điều 187) quy định về tuổi nghỉ hưu như sau:
“1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.
2. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 năm so với quy định tại khoản 1 Điều này.”
Như vậy, độ tuổi nghỉ hưu về cơ bản vẫn ổn định như trước đây, lao động nam là 60 tuổi, lao động nữ là 55 tuổi trong điều kiện lao động bình thường. Tuy nhiên Bộ Luật Lao động năm 2012 đã bắt đầu mở rộng độ tuổi lao động đối với lao động là người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác, độ tuổi nghỉ hưu có thể kéo dài nhưng không quá 05 năm.
Theo đó, Nghị định số 53/2015/NĐ-CP ngày 29/5/2015 của Chính phủ quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức đã quy định kéo dài độ tuổi công tác đối với cán bộ nữ có chức danh tương đương từ thứ trưởng trở lên đến 60 tuổi nhằm tận dụng nguồn nhân lực đang độ tuổi chín, độ tuổi có nhiều tích lũy về chuyên môn cũng như năng lực quản lý để tiếp tục cống hiến cho đất nước và cũng là khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với giới nữ, đảm bảo sự bảo vệ pháp luật về bình đẳng giới.
Như vậy, có thể thấy tuổi nghỉ nghỉ đối với người lao động theo pháp luật nước ta qua từng thời kỳ phát triển cũng đã có sự dịch chuyển theo hướng tăng dần. Từ những quy định tại văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên đến trước thời điểm hiệu lực của Nghị định 218 (năm 1961) tuổi nghỉ hưu được xác định là 55 tuổi và điều kiện để hưởng chính sách hưu trí là đủ 30 năm công tác hoặc đến 55 tuổi. Sau đó tuổi nghỉ hưu được thiết lập một thời gian dài và ổn định là 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đổi với nữ, trừ đối tượng là quân nhân thuộc sự điều chỉnh của luật khác và nhóm đối tượng lao động năng nhọc độc hại có các điều kiện kèm theo.
Phải đến Bộ luật Lao động năm 2012 thì tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ giữ chức vụ cao mới được quy định kéo dài tuổi nghỉ hưu thêm không quá 05 năm so với lao động bình thường (không quá 60 tuổi bằng nam giới).
Ảnh minh họa (nguồn internet) |
Sự cần thiết tăng tuổi nghỉ hưu
Thứ nhất: Việc cân bằng giữa thời gian đóng BHXH và thời gian nghỉ hưởng chế độ hưu trí đang ngày có khoảng cách.
Có thể thấy, tuổi thọ của người Việt ngày càng tăng đồng nghĩa với sức khỏe lao động ngày càng kéo dài dẫn tới khoảng cách thời gian lao động và thời gian nghỉ ngơi hưởng chế độ ngày càng mất cân đối so với trước.
Về tuổi thọ: Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, tuổi thọ của người Việt Nam trong những thập kỷ qua liên tục tăng. Năm 1960 tuổi thọ trung bình đạt 40 tuổi và thế giới trung bình là 48 tuổi, đến năm 2015 tuổi thọ trung bình của người Việt đã đạt 73 tuổi trong khi tuổi thọ trung bình của thế giới là 69 tuổi. Dự báo, đến năm 2050 tuổi thọ trung bình của người Việt có thể đạt đến 80 tuổi.
Dân số theo xu hướng già hóa: Theo đánh giá của Tổng cục dân số, kế hoạch hóa gia đình thuộc Bộ Y tế, từ năm 2011 Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số, đến năm 2017 Việt Nam sẽ nhận thấy rõ mức độ dân số già, dân số Việt nam sẽ già đi rất nhanh với tốc độ nhanh hơn các nước hiện đang có dân số già. Theo dự báo, Việt Nam chỉ cần mất từ 15 đến 20 năm nữa để chuyển sang cơ cấu dân số già, trong khi nước Pháp cần đến 100 năm, Mỹ 75 năm cho việc chuyển đổi cơ cấu dân số.
Sức khỏe lao động ngày càng được cải thiện theo chiều hướng tốt hơn: Cùng với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, vấn đề chăm sóc sức khỏe ngày càng được quan tâm, tuổi thọ con người ngày càng được kéo dài, theo đó sức khỏe lao động cũng tốt hơn, sức khỏe ở đây bao gồm cả sức khỏe về thể chất lẫn trí tuệ, trí lực của con người.
Thực tế cho thấy, đa phần người lao động ở nước ta còn làm việc đến 65 tuổi, chẳng hạn như tầng lớp trí thức, đội ngũ giáo viên, bác sĩ chưa nghỉ hưu đã nhận việc tiếp tục làm thêm tại các cơ sở bên ngoài. Đặc biệt lao động thuộc lực lượng vũ trang (quân đội, công an) khi nghỉ hưu ở độ tuổi còn rất trẻ, khỏe, thậm chí nam giới mới 50 tuổi đã nghỉ hưu, hầu hết họ đều tìm kiếm việc làm thêm tùy thuộc vào trình độ năng lực của cá nhân mỗi người.
Thứ hai: Cân đối quỹ BHXH và những nỗ lực cho việc mở rộng phát triển đối tượng tham gia BHXH, điều chỉnh chính sách hưu:
Luật BHXH năm 2006 ra đời và có hiệu lực thi hành từ 01/01/2007 đối với BHXH bắt buộc; từ ngày 01/01/2008 đối với BHXH tự nguyện; từ 01/01/2009 đối với Bảo hiểm thất nghiệp. Các quy định của Luật BHXH về chế độ hưu trí được kế thừa từ các quy định trước đây; có phát triển, mở rộng về đối tượng, loại hình BHXH tự nguyện… Các chế độ BHXH được quy định cụ thể có lợi hơn cho người lao động như quy định chặt chẽ về quản lý, sử dụng, đầu tư tăng trưởng Quỹ BHXH, trách nhiệm của các bên tham gia BHXH, quản lý, giám sát việc quản lý và Quỹ BHXH công khai, minh bạch, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Luật BHXH năm 2014 thay thế Luật BHXH năm 2006. Cùng với việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc như quy định người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng; người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam thực hiện từ 01/01/2018 hay người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Đối với chế độ hưu trí, cách tính lương hưu có điều chỉnh nhiều theo hướng vừa đảm bảo quyền lợi người lao động, vừa đảm bảo cân đối quỹ BHXH trên cơ sở tuổi nghỉ hưu của người lao động không thay đổi. Theo đó, điều chỉnh chính sách hưu trí để đạt được 75% mức lương hưu thì lao động nam phải có thời gian tham gia BHXH 35 năm, nữ 30 năm, tức là tăng 05 năm so với Luật BHXH 2006 nhưng thời gian dành cơ hội cho người lao động làm việc để đạt mức tối đa vẫn giữ như Luật BHXH 2006 là 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ. Bên cạnh sự điều chỉnh đối với đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện cũng có nhiều chính sách mới thu hút sự tham gia của bộ phận lao động tự do. Tuy nhiên, những nỗ lực kể trên cũng chưa phải là giải pháp hoàn hảo cho vấn đề cân đối quỹ BHXH thời gian tới.
Thứ ba: Quan điểm trước tình trạng thất nghiệp, thiếu cơ hội việc làm lao động cho giới trẻ khi thực hiện kéo dài tuổi hưu cho lao động lớn tuổi, có kinh nghiệm sẽ không tạo thành nguyên nhân tác động chính tới việc trì hoãn trong xây dựng, điều chỉnh chế độ, chính sách nếu nội dung này được đánh giá, nghiên cứu theo chiều hướng pháp triển.
Ở các nước phát triển, chất lượng công việc, năng suất lao động luôn được đặt lên hàng đầu, một người lao động có thể nuôi được nhiều người. Họ chấp nhận thanh lọc để tồn tại và phát triển. Thực tế cho thấy rất nhiều thanh niên ở các nước phát triển phải chịu cảnh thất nghiệp, nhận trợ cấp xã hội và đi du lịch đến những nước thứ ba. Còn những lao động chính họ có thể nhận lương để nuôi cả một gia đình và đóng góp lợi nhuận cho xã hội.
Cũng phải kể đến các nguyên nhân nguồn lao động trẻ đang thiếu việc làm đó là việc mất cân đối trong đào tạo, các trường đại học mọc ra ngày vàng nhiều và chỉ tiêu đào tạo bậc đại học ồ ạt trong những năm vừa qua là nguyên nhân chính của câu chuyện “thầy” nhiều hơn “thợ”. Khi đã là thầy rồi thì nhất quyết không làm thợ đi kèm với tư duy phải là công chức đang dẫn đến tình trạng xếp hàng chờ chỗ.
Vì vậy, giải pháp cho thế hệ trước nghỉ hưu càng sớm càng tốt để lấy chỗ cho thế hệ sau không phải là giải pháp cho sự phát triển xã hội, sự thúc đẩy quan hệ lao động sản xuất nếu chỉ nhìn vào bấy nhiêu ghế ngồi của lực lượng công chức, viên chức dùng làm công thức luân chuyển, thay thế.
Thứ tư: Yêu cầu hội nhập
Tuổi nghỉ hưu của một số quốc gia trên thế giới và khu vực cho thấy Việt Nam không nằm ngoài xu thế này:
- Đài Loan thực hiện tuổi nghỉ hưu cho cả nam và nữ là 65 tuổi.
- Nhật Bản quy định tất cả người lao động sống trên đất nước Nhật Bản đều phải tham gia bảo hiểm lương hưu quốc dân trong độ tuổi từ 20 đến 60 là bắt buộc. Ngoài 60 tuổi người lao động vẫn có thể tiếp tục lao động tại chỗ cũ hoặc di chuyển, không làm những công việc nặng nhọc mà chuyển những việc nhẹ nhàng hơn. Chính phủ Nhật Bản khuyến khích người lao động tiếp tục làm việc và đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục nhận những lao động này ở lại, nhưng họ không phải đóng BHXH nữ. Tuổi được nhận lương hưu là bắt đầu từ 65 tuổi cho đến khi qua đời và không phân biệt lao động nam hay nữ. Như vậy, ở Nhật Bản người lao động 60 tuổi có thể nghỉ hưu nhưng để cân đối quỹ hưu trí thì phải đến 65 tuổi người lao động mới được nhận lương hưu.
- Đức hiện tại đang áp dụng tuổi nghỉ hưu đối với cả nam và nữ là 65 tuổi. Tuy nhiên Chính phủ Đức cũng đang có dự thảo trình tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình và đến năm 2060 là 69 tuổi.
- Mỹ quy định số tuổi để hưởng trọn vẹn phúc lợi tài chánh khi về hưu ngày càng tăng lên. Trước đây là 65 tuổi cho những ai sinh năm 1938 trở về trước. Luật mới qui định người sinh từ năm 1943 đến 1954 thì tuổi hưu là 66, từ 1955 đến 1959 mỗi năm tăng lên hai tháng tuổi hưu. Sinh sau năm 1960 thì năm 67 tuổi mới được hưởng lương hưu chọn vẹn.
Nhìn chung, tuổi nghỉ hưu của các nước trên thế giới được thiết lập ở độ tuổi 65 là phổ biến và hầu hết các nước phát triển không phân biệt giới hạn riêng cho nam hay nữ.
Giải pháp cho việc tăng tuổi hưu
Từ những số liệu, đánh giá, phân tích nêu trên cho thấy việc tăng tuổi lao động đồng nghĩa với tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết. Tuy nhiên để đảm bảo chất lượng sức khỏe, lao động, tâm lý và sự cân bằng thích nghi của xã hội, việc tăng tuổi lao động cần phải được xây dựng theo lộ trình, phân loại đối tượng lao động và tăng dần theo từng năm.
Có thể tham khảo dự thảo Luật BHXH sửa đổi, bổ sung Luật BXHH năm 2006 ban đầu đã đưa ra kiến nghị, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động nam là 62 tuổi, nữ là 60 tuổi trong điều kiện lao động bình thường, lộ trình tăng mỗi năm kéo dài 06 tháng tính từ ngày luật được thông qua cho đến khi đạt độ tuổi chuẩn theo quy định. Còn đối với lao động đặc thù, lao động năng nhọc, độc hại tuổi nghỉ hưu sẽ thấp hơn lao động bình thường, thậm chí có những loại hình lao động không áp dụng tăng so với hiện hành.
Việc tăng tuổi nghỉ hưu cần thiết phải được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật cao nhất và không loại trừ bất cứ đối tượng lao động nào, tuân thủ nguyên tắc đóng - hưởng. Tuổi nghỉ hưu chỉ được điều chỉnh giữa các đối tượng lao động có điều kiện khác nhau.
Để đảm bảo việc tăng tuổi hưu không ảnh hưởng đến chất lượng lao động thì việc nâng cao chất lượng sức khỏe người lao động, tri thức lao động và điều kiện môi trường lao động là nội dung không thể thiếu.
Chính sách tinh giản biên chế vẫn cần thiết được áp dụng theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, việc tinh giản phải được thực thi đúng bản chất của nó. Người trong diện xét tinh giản phải đảm bảo là người không đủ điều kiện về sức khỏe hoặc năng lực trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu công việc hiện tại.
Ý thức, trách nhiệm đối với mỗi lao động luôn được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là tinh thần thượng tôn pháp luật để đảm bảo các chế độ, chính sách được đặt ra phù hợp, đi vào cuộc sống./.
Tài liệu thảm khảo:
- Công ước Lao đông Quốc tế ILO.
- Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1946, 1959, 1980, 1992, 2013.
- Sắc lệnh số 54, 105, 76, 77.
- Bộ Luật Lao động nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1994, năm 2012;
- Luật BHXH năm 2006, 2014
- Nghị định số 218, 236, 12 của Chính phủ.
- Tạp chí Cộng sản; Tạp chí BHXH.
Xem thêm>>>
Từ 01/01/2018: HĐLĐ từ đủ 1 tháng trở lên phải đóng BHXH bắt buộc
Những khoản thu nhập không phải đóng BHXH