Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nói về việc bỏ cấp tổng cục trong Bộ Công an

Ngày đăng : 20:02, 02/04/2018

Việc Bộ Chính trị mới đây ban hành nghị quyết có liên quan đến một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, theo đó, bộ máy này sẽ giảm triệt để tầng nấc trung gian trong lực lượng mà cao nhất là sẽ không còn cấp tổng cục nữa đã gây sự chú ý của dư luận.

Việc Bộ Chính trị mới đây ban hành nghị quyết có liên quan đến một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, theo đó, bộ máy này sẽ giảm triệt để tầng nấc trung gian trong lực lượng mà cao nhất là sẽ không còn cấp tổng cục nữa đã gây sự chú ý của dư luận.

Chiều 2.4, trả lời phóng viên về phương án sắp xếp lại nhân sự của các đơn vị Bộ Công an như thế nào, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết: Chính phủ sẽ cho ý kiến và trình Quốc hội về Luật Công an nhân dân (sửa đổi, bổ sung). Sau này, những quy định, nghị định dưới Luật Công an nhân dân (sửa đổi) thì Chính phủ sẽ ban hành. Nội dung cuộc họp Chính phủ hôm nay không đưa nội dung tổ chức bộ máy của Công an nhân dân theo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) vào cuộc họp.

Tuy nhiên, vừa qua Đảng uỷ Công an Trung ương cũng rất trách nhiệm và đổi mới, có phương án cũng đề cập cải cách tổ chức bộ máy, đặt vấn đề xem xét có thể giảm các tổng cục, chuyển Sở Công an Phòng cháy chữa cháy về Công an tỉnh, thành phố… Sau này, Chính phủ có ý kiến cụ thể về Luật Công an nhân dân (sửa đổi) thì chúng tôi sẽ có câu trả lời.

Được biết, Bộ Chính trị vừa ban hành nghị quyết có liên quan đến một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, bộ máy này sẽ giảm triệt để tầng nấc trung gian trong lực lượng mà cao nhất là sẽ không còn cấp tổng cục nữa.

Đây là kết quả đạt được trên cơ sở đề án cùng tên (Đề án 106) do Đảng ủy Công an Trung ương tập trung nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện từ sau Đại hội XII tới nay. Các nội dung cơ bản của đề án này đã được lãnh đạo Bộ phổ biến tới cán bộ chủ chốt cấp cục và tiếp đó phổ biến xuống dưới.

Việc bỏ hẳn cấp tổng cục là một đột phá bởi trước đó, quá trình dự thảo có cả phương án giữ lại hai đầu mối nòng cốt là Tổng cục Cảnh sát, Tổng cục An ninh.

Cấp tổng cục ở Bộ Công an hình thành từ năm 1980. Sau khi lên đến tám tổng cục năm 2009, Bộ Công an thu gọn còn sáu tổng cục vào năm 2014. Ngoài ra còn có hai bộ tư lệnh riêng cho cảnh sát cơ động và cảnh vệ - cũng tương đương tổng cục. Trong mỗi đơn vị cấp tổng cục lại có nhiều cục. Dưới các cục là rất nhiều phòng.

Việc bỏ cấp tổng cục và tương đương dẫn tới yêu cầu phải giải thể hàng chục đơn vị cấp dưới có tính chất tham mưu, phục vụ chung như các cục tham mưu, hậu cần, chính trị… Ngoài ra, nhiều cục nghiệp vụ trước đây được tách ra theo chuyên môn, địa bàn hẹp thì giờ cũng phải nhập lại theo các nhóm chuyên môn, địa bàn rộng hơn. Khối các trường của công an cũng phải sắp xếp, gọn lại.

Theo các nguồn tin, từ 126 đơn vị cấp cục và tương đương sẽ giải thể, sáp nhập còn khoảng 60. Cứ thế, lan tỏa xuống dưới, rất nhiều đơn vị cấp phòng cũng sẽ phải sắp xếp, tổ chức lại.

Cùng với việc phình to trên Bộ, giai đoạn 2010-2014, công an một số tỉnh, thành xin và được chấp thuận tách các phòng lớn thành nhiều phòng nhỏ, theo ngành dọc chuyên môn nghiệp vụ của cấp bộ. Vì vậy, tinh gọn, triệt để về tổ chức ở Bộ Công an cũng dẫn tới yêu cầu phải sắp xếp lại nhiều đơn vị thuộc công an cấp tỉnh, thậm chí cấp huyện… Đáng chú ý, mô hình sở cảnh sát PCCC từng được kỳ vọng giờ sẽ trở lại cấp phòng thuộc công an cấp tỉnh như xưa.

XQ/Baolaodong