Luật Thủy sản (sửa đổi): Nhiều nội dung mới, bao quát và khả thi
Ngày đăng : 10:03, 01/04/2018
Luật Thủy sản (sửa đổi) đã được Quốc hội đã thông qua ngày 21/11/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019 thay thế Luật Thủy sản số 17/2003/QH11.
Luật Thủy sản (sửa đổi) gồm 9 chương với 105 điều quy định về hoạt động thủy sản; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động thủy sản hoặc có liên quan đến hoạt động thủy sản; quản lý nhà nước về thủy sản.
Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động thủy sản hoặc có liên quan đến hoạt động thủy sản trong nội địa, đảo, quần đảo và vùng biển Việt Nam; tổ chức, cá nhân Việt Nam khai thác thủy sản ở ngoài vùng biển Việt Nam.
Nguyên tắc hoạt động thủy sản
Kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Khai thác nguồn lợi thủy sản phải căn cứ vào trữ lượng nguồn lợi thủy sản, gắn với bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, không làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học; tiếp cận thận trọng, dựa vào hệ sinh thái và các chỉ số khoa học trong quản lý hoạt động thủy sản để bảo đảm phát triển bền vững. Thích ứng với biến đổi khí hậu; chủ động phòng, chống thiên tai; bảo đảm an toàn cho người và phương tiện hoạt động thủy sản; phòng, chống dịch bệnh thủy sản, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Bảo đảm chia sẻ lợi ích, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc hưởng lợi từ khai thác, sử dụng nguồn lợi thủy sản hoặc hoạt động trong ngành, nghề có ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lợi thủy sản. Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Những hành vi cấm trong hoạt động thủy sản
Hủy hoại nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, nơi cư trú của các loài thủy sản. Cản trở trái phép đường di cư tự nhiên của các loài thủy sản. Lấn, chiếm, gây hại khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu bảo tồn biển. Khai thác, nuôi trồng thủy sản, xây dựng công trình và các hoạt động khác ảnh hưởng đến môi trường sống, nguồn lợi thủy sản trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn biển. Tàu cá, tàu biển và phương tiện thủy khác hoạt động trái phép trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn biển, trừ trường hợp bất khả kháng. Khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. Sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản…
Về nuôi trồng thủy sản
Luật đã quy định chi tiết hơn và không bỏ sót các đối tượng nuôi, hình thức nuôi và mục đích của việc nuôi trồng thủy sản. Chẳng hạn như điều kiện đối với việc nuôi trồng thủy sản không vì mục đích làm thực phẩm, cấp phép cho hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển, giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản… Đối với nuôi biển, thời hạn giao khu vực biển được nâng lên là 30 năm và được gia hạn tối đa là 20 năm.
Về cấp phép khai thác thủy sản, Luật quy định về hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản, sản lượng khai cho phép khai thác. Đây là bước tiến mới so với Luật Thủy sản năm 2003 nhằm phù hợp với pháp luật quốc tế về bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản.
Căn cứ vào kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản, cụ thể là căn cứ vào trữ lượng, sản lượng cho phép khai thác bền vững để xác định hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản đồng thời phân cấp triệt để việc cấp phép khai thác thủy sản cho UBND cấp tỉnh.
Một điểm mới nữa là Luật quy định về xã hội hóa đăng kiểm tàu cá, nhằm huy động được các nguồn lực từ xã hội tham gia đầu tư vào hoạt động này nhằm giảm tải cho cơ quan quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho người dân.
Về quy định chuyển tiếp, Luật sửa đổi mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hải sản quy định tại điểm d Điều 24 của Luật xử lý vi phạm hành chính như sau: “Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý nhà nước về thủy sản đối với cá nhân là 1.000.000.000 đồng”.
Để nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, từng bước thực hiện chủ trương xã hội hóa trong quản lý hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Luật quy định về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Quy định này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho Nhà nước giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản - một phương thức quản lý mới được nhiều quốc gia tiếp cận để quản lý hoạt động thủy sản đặc biệt trong hoạt động quản lý nguồn lợi thủy sản.
Xem toàn văn Luât Thủy sản (sửa đổi) tại đây.