Vấn đề - sự kiện nổi bật tuần qua (26-30/3)
Ngày đăng : 09:25, 31/03/2018
1. Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Thủy Khiêm thăm và làm việc với VKSND Lào
Nhận lời mời của đồng chí Khamsane Suvong, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, đồng chí Nguyễn Thủy Khiêm, Phó Viện trưởng VKSND tối cao dẫn đầu đoàn đại biểu đến thăm đất nước Lào tươi đẹp và làm việc với VKSND tối cao Lào.
Đồng chí Nguyễn Thị Thuỷ Khiêm, Uỷ viên Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng uỷ, Phó Viện trưởng VKSND tối cao Việt Nam và Đồng chí Xaysanna Khotphuthon Phó Bí thư thường trực Ban cán sự Đảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao Lào đồng chủ trì hội thảo. |
Trong khuôn khổ chương trình của đoàn công tác, ngày 29/3/2018, VKSND tối cao nước CHDCND Lào đã tổ chức Hội thảo "Một số điểm mới về Bộ luật Dân sự và Luật Tố tụng Hành chính nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam".Ngày 28/3/2018, tại VKSND tối cao Lào, đồng chí Khamsane Suvong, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao nước CHDCND Lào đã thân mật tiếp đoàn. Đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao nước CHDCND Lào hoan nghênh và đánh giá cao chuyến thăm, làm việc của Phó Viện trưởng Nguyễn Thị Thủy Khiêm tại Lào vào thời điểm nước CHDCND Lào vừa kỷ niệm 63 năm ngày thành lập Đảng nhân dân Cách mạng Lào (22/3/1955-22/3/2018. Chuyến thăm góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào nói chung và hợp tác giữa ngành Kiểm sát hai nước Việt – Lào nói riêng.
2. Hội nghị triển khai công tác năm 2018 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội ngành Kiểm sát nhân dân
Ngày 27/3, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội (Ban Chỉ đạo 138) ngành Kiểm sát nhân dân triển khai công tác năm 2018. Đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Phó Viện trưởng thường trực VKSND tối cao, Trưởng Ban Chỉ đạo 138 ngành KSND dự, chủ trì Hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Phó Viện trưởng thường trực VKSND tối cao, Trưởng Ban Chỉ đạo 138 ngành KSND phát biểu tại Hội nghị |
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và trao đổi về các kết quả công tác đạt được và nội dung nhiệm vụ trọng tâm năm 2018, đồng thời, đóng góp ý kiến vào các dự thảo như Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tội phạm; Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người; Kế hoạch thực hiện chương trình công tác phòng, chống ma túy và Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống tệ nạn mại dâm năm 2018.
Đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực cơ bản nhất trí với các dự thảo kế hoạch công tác của Ban chỉ đạo 138 của ngành KSND nhất là kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm; đồng thời đồng chí Trưởng Ban chỉ đạo 138 của ngành nhấn mạnh cần tập trung tổ chức thực hiện thật tốt những nhiệm vụ như: Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và chống các tệ nạn xã hội; trong công tác chuyên môn, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả các khâu công tác kiểm sát, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và thực hiện các quy định mới trong các đạo luật về tư pháp hình sự... Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và vai trò, trách nhiệm, sự đóng góp tích cực, có hiệu quả của Viện kiểm sát nhân dân các cấp trong đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội.
Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Phó Viện trưởng thường trực VKSNDTC nhấn mạnh yêu cầu, mọi cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân phải gương mẫu trong chấp hành pháp luật, trong đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn xã hội, tích cực tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình chấp hành tốt, không vi phạm pháp luật, không sa vào các tệ nạn xã hội.
3. Tập huấn công tác thanh tra ngành KSND năm 2018
Trong hai ngày 29 - 30/3, Hội nghị tập huấn công tác thanh tra ngành KSND năm 2018 được được tổ chức tại Thừa Thiên - Huế. Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao dự, chỉ đạo Hội nghị.
Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Cùng dự có đồng chí Hồ Văn Hải, Uỷ viên Ban thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế, đồng chí Đinh Khắc Đính, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao và 165 công chức là Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, cán bộ làm công tác thanh tra của Thanh tra VKSND tối cao, các Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh cùng tham dự Hội nghị.
Tại Hội nghị, đồng chí Phó Viện trưởng Trần Công Phàn lưu ý một số nội dung trong công tác thanh tra như: Phải nắm vững nghiệp vụ kiểm sát, phải được tập huấn để nhận thức rõ vị trí công tác thanh tra trong ngành kiểm sát, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng công tác kiểm sát; phải có phương thức thanh tra phù hợp như cần tăng cường thanh tra đột xuất, tập trung vào những vấn đề tồn tại, yếu kém và những vấn đề dư luận xã hội quan tâm; mục đích thanh tra cần xác định là để tìm ra những nguyên nhân của sai phạm để góp phần đề ra biện pháp khắc phục; các biện pháp xử lý cần phù hợp, có tính nhân văn, hợp tình hợp lý; kiện toàn, rà soát và hoàn thiện thể chế, xác định kế hoạch, nhiệm vụ của thanh tra đối với từng cấp;... và quan trọng, để làm tốt công tác thanh tra thì người làm công tác thanh tra phải gương mẫu, có phẩm chất đạo đức, rèn luyện, nâng cao nghiệp vụ.
Các đồng chí lãnh đạo Thanh tra VKSND tối cao tập trung hướng dẫn, giới thiệu với 165 đại biểu làm công tác thanh tra về một số nội dung cơ bản như: Công tác thanh tra nghiệp vụ; công tác thanh tra hành chính; công tác thanh tra tài chính đầu tư; công tác thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cao; công tác xử lý sau thanh tra; xây dựng Chương trình, kế hoạch và chế độ thông tin, báo cáo công tác thanh tra.
4. Giải bóng đá Đoàn thanh niên VKSNDTC lần thứ 4 thành công tốt đẹp
Ngày 26/3, Ban chấp hành Đoàn thanh niên VKSND tối cao đã tổ chức giải bóng đá “Đoàn thanh niên VKSNDTC lần thứ 4” tại sân vận động Long Biên. Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC đến dự giải đấu.
Giải bóng đá Đoàn thanh niên VKSNDTC là giải bóng thường niên nhằm đẩy mạnh phong trào văn hóa, thể thao trong các đơn vị, khuyến khích cán bộ, nhân viên các đơn vị rèn luyện sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC tặng hoa và cờ lưu niệm cho các đội tham gia giải đấu |
Tham dự Giải lần này có 4 đội bóng với gần 80 cầu thủ ở các đơn vị, bao gồm: Đội bóng thanh niên VKSNDTC, đội bóng thanh niên VKSND cấp cao tại Hà Nội, đội bóng thanh niên Cơ quan điều tra VKSNDTC4, đội bóng thanh niên Báo Bảo vệ pháp luật và Tạp chí Kiểm sát.
Với tinh thần thi đấu hết sức sôi nổi, kết quả chung cuộc, đội Thanh niên VKSNDTC đã giành cúp vô địch, giải nhì thuộc về đội Thanh niện VKSND cấp cao tại Hà Nội, giải 3 thuộc về đội thanh niên Báo Bảo vệ pháp luật và Tạp chí Kiểm sát. Đội thanh niên Cơ quan VKSND tối cao giành giải khuyến khích.
5. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Cu-ba
Ngày 28/3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Paris, đi thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Cu-ba theo lời mời của Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cu-ba, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Ra-un Cát-xtơ-rô Rút.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Raul Castro duyệt Đội danh dự Lực lượng vũ trang Cách mạng Cuba. |
Chuyến thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Cu-ba của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ðoàn đại biểu cấp cao Đảng ta thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị trước sau như một của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam với Đảng, Nhà nước và nhân dân Cu-ba anh em trong bối cảnh Cu-ba chuyển giao thế hệ thế hệ lãnh đạo lịch sử và tiếp tục triển khai sâu rộng quá trình cập nhật hóa mô hình kinh tế, xã hội; củng cố sự tin cậy chính trị, thúc đẩy đưa hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư…giữa hai nước có bước phát triển thực chất tương xứng hơn với quan hệ chính trị; thể hiện sự coi trọng quan hệ đối với khu vực Mỹ La-tinh, góp phần triển khai thực hiện đường lối đối ngoại Đại hội XII của Đảng, củng cố nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam.
6. Tòa tuyên phạt ông Đinh La Thăng 18 năm tù và buộc bồi thường 600 tỉ cho PVN
Chiều 29-3, TAND TP Hà Nội đưa ra phán quyết với bị cáo Đinh La Thăng và 6 đồng phạm trong vụ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nan (PVN) mất 800 tỉ đồng góp vốn vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank).
Ông Đinh La Thăng tại toà (Ảnh: TTXVN) |
Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng - nguyên chủ tịch HĐQT PVN 18 năm tù về tội cố ý làm trái.
Về trách nhiệm dân sự, tòa tuyên buộc bị cáo Đinh La Thăng cùng 6 đồng phạm liên đới bồi thường 800 tỉ cho cho PVN, trong đó, bị cáo buộc là người phải chịu trách nhiệm chính, ông Đinh La Thăng chịu trách nhiệm bồi thường 600 tỉ đồng.
Mức án với 6 đồng phạm khác trong vụ án như sau:
- Ninh Văn Quỳnh - nguyên Kế toán trưởng kiêm trưởng ban tài chính kế toán và kiểm toán PVN: 7 năm tù về tội cố ý làm trái, 16 năm tù về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, tổng hợp hình phạt chung với bị cáo Quỳnh là 23 năm tù. Buộc bồi thường 100 tỉ đồng cho PVN.
- Vũ Khánh Trường - nguyên Thành viên Hội đồng thành viên PVN: 5 năm tù, buộc bồi thường 40 tỉ đồng.
- Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Phó Tổng giám đốc PVN: 30 tháng tù
- Nguyễn Xuân Thắng - nguyên thành viên Hội đồng thành viên PVN: 22 tháng tù
- Nguyễn Thanh Liêm - nguyên thành viên Hội đồng thành viên PVN: 20 tháng cải tạo không giam giữ
- Phan Đình Đức - nguyên thành viên Hội đồng thành viên PVN: 15 tháng cải tạo không giam giữ
Các bị cáo Sơn, Thắng, Liêm và Đức mỗi người phải bồi thường 15 tỉ đồng cho PVN.
7. Chuyến thăm bất ngờ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Trung Quốc
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từ ngày 25 đến 28-3 đã có chuyến thăm Trung Quốc theo lời mời của Chủ tịch Tập Cận Bình. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Kim Jong-un kể từ khi lên nắm quyền năm 2011, đồng thời Chủ tịch Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo quốc tế đầu tiên ông Kim Jong-un gặp mặt dưới cương vị người đứng đầu nhà nước Triều Tiên.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng phu nhn Bành Lệ Viện đón nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng phu nhân Ri Sol-ju tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: People's Daily. |
Trong chuyến thăm, Chủ tịch Tập Cận Bình đã hội đàm với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Hai nhà lãnh đạo khẳng định cam kết của hai đồng minh truyền thống về việc tăng cường quan hệ song phương.
Ông Kim Jong-un đã bày tỏ sẵn sàng tiến hành hội đàm với Mỹ và phi hạt nhân hóa Triều Tiên với điều kiện Hàn Quốc và Mỹ áp dụng các biện pháp đồng bộ và tiến bộ để đạt được hòa bình. Trong khi đó, lãnh đạo Trung Quốc cũng đánh giá cao chuyến thăm và khẳng định động thái này chứng tỏ Bình Nhưỡng coi trọng quan hệ với Bắc Kinh. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nhận lời mời của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đến thăm Bình Nhưỡng.
Trong tuyên bố của mình ngày 28-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đánh giá về triển vọng tích cực liên quan việc từ bỏ vũ khí hạt nhân của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Đồng thời khẳng định, các biện pháp trừng phạt và áp lực tối đa đối với Bình Nhưỡng sẽ vẫn được duy trì.
8. 16 nước EU đồng loạt trục xuất các nhà ngoại giao Nga
16 trong 28 nước thành viên Liên minh châu Âu trục xuất các nhà ngoại giao Nga vì vụ đầu độc cựu điệp viên ở Anh.
Hơn 100 nhà ngoại giao Nga được cho là gián điệp đang bị trục xuất khỏi 23 nước, điều Thủ tướng Anh Theresa May gọi là "vụ trục xuất đồng thời lượng nhân viên tình báo Nga lớn nhất lịch sử". Những người Nga bị trục xuất khỏi 16 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), các nước Ukraine, Na Uy, Macedonia, Albania, Mỹ và Canada.
Số lượng nhà ngoại giao Nga bị trục xuất tại các nước Bắc Mỹ và châu Âu. (Đồ hoạ: Guardian) |
Đức, Pháp, Ba Lan đề nghị 4 quan chức ngoại giao Nga ở mỗi nước rời đi. Hà Lan và Đan Mạch, mỗi nước trục xuất hai người. Italy trục xuất hai nhà ngoại giao Nga, trong khi Litva tuyên bố trục xuất ba người. Cộng hoà Czech cũng sẽ trục xuất số lượng tương tự. Trong khi đó, Latvia trục xuất một nhà ngoại giao Nga và một nhân viên tập đoàn Aeroflot. Estonia xác nhận trục xuất một tham tán quân sự tại đại sứ quán Nga.
Trong khi đó, Áo, một nước thành viên EU, cho biết sẽ không có bất cứ biện pháp nào ở cấp quốc gia, không trục xuất nhà ngoại giao Nga. Áo tuyên bố là nước trung lập, muốn duy trì các kênh đối thoại với Nga.
Mỹ trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga, bao gồm 48 người tại đại sứ quán và 12 người thuộc phái đoàn Nga tại Liên Hợp Quốc, đồng thời ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Nga tại thành phố Seattle. Đến tối qua, Australia là nước mới nhất ủng hộ Anh khi tuyên bố trục xuất hai nhà ngoại giao Nga.
Các nước phương Tây cho rằng Nga đứng sau vụ đầu độc cựu gián điệp hai mang Sergei Skripal và con gái Yulia tại Salisbury, Anh hôm 4/3. Nga đã bác bỏ bất cứ vai trò nào trong vụ đầu độc và đề nghị hợp tác toàn diện để điều tra.
Bộ Ngoại giao Nga ngày 26/3 "phản đối quyết liệt" các lệnh trục xuất của phương Tây, cho hay sẽ đáp trả "hành động thiếu thân thiện". Nga trước đó trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh để phản ứng động thái tương tự từ phía Anh.
9. Nga trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ
Nga thông báo trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ, đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở St. Petersburg, đáp trả Washington trong vụ cựu điệp viên Nga bị đầu độc tại Anh.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: RT. |
Theo ông Lavrov, Bộ Ngoại giao Nga đã triệu tập và thông báo cho đại sứ Mỹ tại Moscow Jon Huntsman. Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố 60 nhà ngoại giao Mỹ, gồm 58 người ở Moscow, hai người ở Yekaterinburg, "không được hoan nghênh" và phải rời Nga với hạn chót là ngày 5/4.
Mỹ ngày 26/3 trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga, trong đó có 12 người thuộc phái đoàn Nga tại Liên Hợp Quốc, với cáo buộc họ là gián điệp trong vỏ bọc ngoại giao. 60 người này có 7 ngày để rời Mỹ. Mỹ còn đóng cửa lãnh sự quán Nga tại thành phố Seattle.