Những điểm mới của Tội nhận hối lộ trong BLHS năm 2015

Ngày đăng : 09:43, 30/03/2018

(Kiemsat.vn) - Một trong những điểm mới của BLHS năm 2015 là bổ sung tình tiết định tội trong cấu thành tội phạm cơ bản từ chỉ nhận hối lộ “cho chính bản thân mình” mới phạm tội nhận hối lộ; nay nhận hối lộ “cho chính bản thân mình hoặc cho người hoặc tổ chức khác” cũng phạm tội nhận hối lộ.


 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, được Quốc hội thông qua với nhiều điểm mới, khoa học, chặt chẽ, thống nhất và tiến bộ.

 Những quy định có lợi cho người phạm tội

- Tăng mức định lượng trong cấu thành tội phạm cơ bản từ 10.000.000 đồng lên 100.000.000 đồng

Quy định mới này có lợi cho người phạm tội. Bởi lẽ, theo quy định của BLHS năm 1999 thì người phạm tội nhận hối lộ “từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng” đã bị xét xử theo cấu thành tội phạm tăng nặng thứ hai và bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. Tuy nhiên, với quy định mới này, người phạm tội nhận hối lộ “từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng” mới bị xét xử theo cấu thành tội phạm tăng nặng thứ hai của Tội nhận hối lộ.

Tăng mức định lượng trong cấu thành tội phạm cơ bản của Tội nhận hối lộ từ mười triệu đồng lên 100.000.000 đồng vừa để phân hóa rõ hơn, hợp lý hơn hành vi vi phạm kỷ luật với hành vi phạm tội và vừa phù hợp hơn với tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ảnh minh họa

- Bỏ tình tiết “Gây hậu quả nghiêm trọng” trong cấu thành tội phạm cơ bản

Theo quy định của BLHS năm 1999 thì người phạm tội nhận hối lộ dưới hai triệu đồng nhưng “Gây hậu quả nghiêm trọng” thì vẫn phạm tội này và bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Tuy nhiên, với quy định mới này, người phạm tội nhận hối lộ dưới hai triệu đồng dù “Gây hậu quả nghiêm trọng” cũng không phạm tội này (nếu họ chưa bị xử lý kỷ luật về hành vi này, chưa bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này hoặc tuy đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này nhưng đã được xóa án tích).

Việc BLHS năm 2015 bỏ quy định này là phù hợp với bản chất của Tội nhận hối lộ, vì hậu quả nghiêm trọng của tội này chính là sự biến dạng xử xự của người phạm tội, làm mất uy tín của Đảng và Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, thông qua hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Nếu hành vi nhận hối lộ gây ra hậu quả khác thì người thực hiện hành vi phạm tội sẽ bị xử phạt theo cấu thành tăng nặng của tội phạm này.

- Thay đổi cách tính và mức phạt tiền với tính chất là hình phạt bổ sung “từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ” thành “từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng”

Theo quy định của BLHS năm 1999 thì mức tối đa của hình phạt tiền chỉ phụ thuộc vào “giá trị của hối lộ”, không giới hạn mức tối đa của hình phạt tiền; nhưng BLHS năm 2015 đã giới hạn mức tối đa của hình phạt tiền chỉ đến “100.000.000 đồng”. Bộ luật này còn quy định: “phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng” sẽ tạo thuận lợi hơn, bảo đảm thống nhất hơn cho Tòa án khi quyết định hình phạt và phù hợp hơn với trường hợp nhận hối lộ là “Lợi ích phi vật chất”. Bởi lẽ, nếu phạt tiền theo cách quy định của BLHS năm 1999 “từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ” thì Tòa án buộc phải chứng minh được giá trị của hối lộ, đây là việc làm không đơn giản và không thực hiện được nếu của hối lộ lại là “Lợi ích phi vật chất”. Mặt khác, giả sử Tòa án đã xác định được “giá trị của hối lộ” thì khi nào phạt “một lần”, khi nào phạt “năm lần” giá trị của hối lộ? đây cũng là vấn đề khó khăn với Tòa án và có thể dẫn đến tùy tiện, không thống nhất, không công bằng, tạo hoài nghi trong nhân dân.

Những quy định mới này có lợi cho người phạm tội, vì vậy, theo Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 Nghị quyết số 41/2017 của Quốc hội về việc thi hành BLHS số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14  thì được áp dụng đối với cả những hành vi nhận hối lộ xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích (1).

Những quy định không có lợi cho người phạm tội

- Bổ sung tình tiết định tội trong cấu thành tội phạm cơ bản từ chỉ nhận hối lộ “cho chính bản thân mình” mới phạm tội nhận hối lộ; nay nhận hối lộ “cho chính bản thân mình hoặc cho người hoặc tổ chức khác” cũng phạm tội nhận hối lộ

Sửa đổi, bổ sung này là cần thiết và phù hợp với Công ước về chống tham nhũng và thực tiễn đấu tranh phòng, chống Tội nhận hối lộ; tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm; khắc phục tình trạng lách luật để trốn tội.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Công ước về chống tham nhũng, yếu tố khách quan bắt buộc trong cấu thành Tội nhận hối lộ là hành vi đòi hỏi hoặc chấp nhận của hối lộ và sự liên hệ giữa những hành vi này với hành xử của công chức khi thi hành công vụ. Việc đòi hỏi hoặc chấp nhận có thể do công chức trực tiếp thực hiện hoặc qua trung gian. Lợi ích không chính đáng có thể dành cho chính bản thân công chức hoặc cho người khác, ví dụ, họ hàng người thân của công chức đó, hoặc có thể dành cho một thực thể khác. Về chủ quan, yếu tố bắt buộc là việc cố ý đòi hỏi hoặc chấp nhận lợi ích không chính đáng với mục đích thay đổi hành xử của một người trong quá trình người đó thực hiện trách nhiệm chính thức (2).

- Bổ sung tình tiết định tội trong cấu thành tội phạm cơ bản từ “đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác” mới phạm tội nhận hối lộ; nay “đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất” cũng phạm tội nhận hối lộ

Sửa đổi, bổ sung này phù hợp với Công ước về chống tham nhũng (3) và thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội này thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử đúng pháp luật, khắc phục tình trạng lách luật để trốn tội.

- Bổ sung khoản 6 “Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này” nhằm xử lý những người phạm tội nhận hối lộ ngoài khu vực Nhà nước (lĩnh vực tư)

Do tính chất nghiêm trọng và mức độ ảnh hưởng ngày càng lan rộng của tham nhũng trong khu vực tư, là hệ quả việc việc tư nhân hóa mạnh mẽ các hoạt động trước đây vốn thuộc chức năng công như: Giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội… Công ước chống tham nhũng yêu cầu các quốc gia thành viên cần thiết phải tăng cường các biện pháp đấu tranh chống tham nhũng không chỉ trong lĩnh vực công mà trong lĩnh vực tư. Theo quy định tại Điều 21 Công ước chống tham nhũng thì các quốc gia cần áp dụng các biện pháp lập pháp và các biện pháp cần thiết khác để hình sự hóa hối lộ trong khu vực tư, theo đó, hối lộ trong khu vực tư gồm hai dạng hành vi tương tự như hối lộ trong khu vực công là đưa hối lộ và nhận hối lộ. Bộ luật Hình sự năm 1999 mới chỉ dừng lại đối với các hành vi tham nhũng trong lĩnh vực công mà chưa ghi nhận về tội phạm tham nhũng trong khu vực tư, vì vậy, chưa có các quy định pháp luật tương ứng, kèm theo các biện pháp xử lý hình sự đối với loại tội phạm này, mặc dù, một số hành vi tương tự xảy ra trong khu vực tư, theo quy định của BLHS vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, ví dụ: Hành vi chiếm đoạt tài sản của người điều hành hay làm việc ở bất kỳ cương vị nào cho tổ chức thuộc khu vực tư mà biển thủ tài sản, quỹ tư được giao quản lý thì tuỳ từng trường hợp cụ thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 140 BLHS năm 1999 - Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc theo Điều 139 BLHS năm 1999 - Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Những quy định này chưa thực sự phù hợp và chưa phản ánh đúng bản chất của tội phạm tham nhũng theo yêu cầu của Công ước.

Hơn nữa, thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng cho thấy sự bất cập trong chính sách xử lý đối với các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi do có sự phân biệt giữa khu vực nhà nước và khu vực tư, thậm chí nhiều hành vi tương tự như tham nhũng nhưng diễn ra trong khu vực tư nhân thì không thể xử lý được.

Mặt khác, xuất phát từ thực tiễn về việc xử lý hành vi tham nhũng đối với tài sản của doanh nghiệp có phần vốn góp của Nhà nước, trong đó có sự đan xen về sở hữu mà trong nhiều trường hợp không thể tách biệt giữa tài sản, phần vốn góp của Nhà nước với tài sản, phần vốn góp của tư nhân, việc xác định xử lý trách nhiệm của cá nhân là người có chức vụ, quyền hạn trong loại hình doanh nghiệp này rất khó khăn.

Những quy định mới này không có lợi cho người phạm tội, vì vậy, theo Nghị quyết số 41 thì không áp dụng đối với những hành vi phạm tội nhận hối lộ xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích; trong trường hợp này, vẫn áp dụng quy định tương ứng của các văn bản quy phạm pháp luật về hình sự có hiệu lực trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 để giải quyết (4).

Cụ thể hóa những quy định mang tính định tính trong Bộ luật Hình sự năm 1999

Khắc phục quy định mang tính định tính “Phạm tội nhiều lần; gây hậu quả nghiêm trọng khác; gây hậu quả rất nghiêm trọng khác; gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác” của BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 đã cụ thể hóa những quy định này thành “Phạm tội 02 lần trở lên; gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng; gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng; gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên”.

Những quy định này không làm thay đổi trách nhiệm hình sự của người phạm tội nhận hối lộ, vì vậy, theo Nghị quyết số 41/2017 thì được áp dụng đối với cả những hành vi nhận hối lộ xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích.

(Trích bài viết: “Bình luận Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về Tội nhận hối lộ” của Tiến sĩ Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIV, TCKS số 23/2017)

 

1. Xem thêm: Quốc hội (2017), Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về việc thi hành BLHS số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của BLTTHS số 101/2015/QH13, Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13.

2. Xem thêm: Ban soạn thảo BLHS (sửa đổi) (2015), Bản thuyết minh chi tiết về dự thảo BLHS (sửa đổi), Hà Nội.

3. Xem thêm: Liên hợp quốc (2003), Công ước về chống tham nhũng. Công ước này quy định “của hối lộ” là bất kỳ lợi ích nào, có thể là lợi ích vật chất hoặc phi vật chất.

4. Xem thêm: Quốc hội (2017), Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13.

 

Bài tiếp theo: Bình luận về Tội nhận hối lộ

TCKS số 23/2017