Từ 1/4, công chức, viên chức TP.HCM được tăng lương tối đa 0.6 lần trong năm 2018
Ngày đăng : 16:29, 29/03/2018
Ảnh minh họa (Nguồn: SGGP) |
Cụ thể mức tăng thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập sẽ có lộ trình tăng như sau:
Năm 2018: tăng tối đa 0.6 lần với tiền lương theo ngạch, bậc, vụ.
Năm 2019: tăng tối đa 1.2 lần với tiền lương theo ngạch, bậc, vụ.
Năm 2020 tăng tối đa 1.8 lần với tiền lương theo ngạch, bậc, vụ.
Dựa trên mức tăng tối đa cho từng năm, các cơ quan, đơn vị điều chỉnh mức tăng cho từng cán bộ, công chức, viên chức phù hợp theo quy định.
Việc chi tăng thêm căn cứ vào kết quả đánh giá làm việc hiệu quả của từng năm và chi sau khi có kết quả đánh giá hiệu quả hàng quý, hàng năm của người đó.
Đối với người làm việc theo chế độ hợp đồng 68/2000/NĐ-CP thì UBND TP.HCM hướng dẫn đơn vị chi trong quy chế chi tiêu nội bộ theo hiệu quả công việc
Hiện thành phố có hơn 11.600 công chức; gần 122.160 viên chức và 6.440 cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn. Theo đó, chỉ riêng năm nay thành phố cần hơn 2.342 tỷ đồng để chi thu nhập tăng thêm cho họ.
Giai đoạn 2019-2020, kinh phí chi trả được xác định dựa trên ngạch bậc, chức vụ của cán bộ; theo lộ trình tăng lương của Chính phủ và hệ số điều chỉnh tăng thu nhập hàng năm dựa trên khả năng cân đối ngân sách.
Tiền chi trả được lấy từ nguồn cải cách tiền lương năm trước chuyển sang, nguồn cải cách tiền lương trích lập từ nguồn thu được để lại hàng năm, nguồn ngân sách cấp huyện, cấp thành phố...
Để tạo nguồn cải cách tiền lương, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập phải trích 40% (riêng lĩnh vực y tế là 35%) nguồn thu được để lại hàng năm.
Mong muốn tăng thu nhập cho cán bộ đã được TP HCM kiến nghị, chuẩn bị từ nhiều năm, bởi năng suất của một nhân sự (trong các cơ quan quản lý nhà nước tại thành phố) gấp 1,5 lần so với địa phương khác.
Về mặt xã hội, tăng thu nhập tạo tâm lý phấn khởi và động lực đối với công chức tiếp tục cống hiến, đóng góp; kéo giảm tình trạng “chảy máu chất xám”. Điều này còn có tác dụng tích cực, làm thay đổi thái độ làm việc phục vụ nhân dân của công chức trong thực thi công vụ, từ đó nâng cao niềm tin và sự hài lòng của người dân.