Hà Nội: Nhiều doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường
Ngày đăng : 15:29, 26/03/2018
Chịu ô nhiễm, dân kêu trời
Theo phản ánh của Báo PLVN, từ đầu năm 2015 đến nay, người dân xung quanh cụm công nghiệp xã Di Trạch, huyện Hoài Đức bị “tra tấn” bởi nước thải và mùi khó chịu phát ra từ các doanh nghiệp sản xuất cơ khí, bánh ngọt, sản xuất sơn... Đã đi vào hoạt động được 3 năm với 20 doanh nghiệp nhưng đến thời điểm này, một hệ thống xử lý nước thải chung vẫn chưa được xây dựng. Các doanh nghiệp cứ mạnh ai nấy xả nước thải chưa qua xử lý vào môi trường.
Hình minh họa (Ảnh: internet) |
Con mương tưới tiêu xã Dị Trạch vốn dĩ rất trong, sạch nhưng từ khi có cụm công nghiệp này đã bị nhuộm đen bởi nước thải chứa chất kim loại nặng. Bất kỳ ai đi qua khu vực này cũng phải bịt mũi vì mùi hôi thối. Chịu ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe và sản xuất khiến cuộc sống bị đảo lộn nhưng người dân nơi đây không biết “kêu ai” để xử lý dứt điểm vấn đề này.
Không giấu bức xúc, ông Nguyễn Văn S sống ở địa phương cho biết: “Mạch nước giếng bắt đầu hỏng dần. Gia đình tôi đã khoan lại nhiều giếng nước nhưng vẫn không thể sử dụng được vì ô nhiễm nặng. Nguồn nước bơm lên có mùi hôi khó chịu. Hiện, tôi đang có ý định bán lại mảnh vườn cây ăn quả để chuyển đi nơi khác sinh sống”.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại xóm Me Táo, xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức. Theo thông tin của báo Pháp luật môi trường, người dân nơi đây đã nhiều lần kêu cứu vì xưởng sản xuất nước ngọt Tân Tiến Phát ngang nhiên đổ nước thải ra môi trường. Mùi khét và hôi thối bắt nguồn từ rãnh nước màu đen đặc cạnh xưởng. Con mương nhỏ phủ đầy chất thải, sủi bọt hôi hám.
Ông Lê Xuân V, một người dân trồng cây ăn quả cạnh xưởng chia sẻ: “Mấy năm nay rồi, đâu phải là một vài tháng. Họ sản xuất nước ngọt mà cứ xả nước thải tràn ra ngay mương nước tưới phía sau. Nước nhầy nhụa, hôi thối. Cây ăn quả, rau xanh của chúng tôi trồng làm sao mà đảm bảo… Chúng tôi đã phản ánh, nhưng không hiểu sao chính quyền các cấp vẫn không xử lý”.
Hình minh họa (Ảnh: internet) |
Trên đây chỉ là một số ít trong số nhiều doanh nghiệp vi phạm vấn đề xử lý nước thải. Còn rất nhiều làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội, hàng ngày, hàng giờ vẫn diễn ra tình trạng nước thải xả thẳng ra các ao, hồ, kênh mương khiến nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề.
Buông lỏng công tác quản lý xử lý nước thải
Hiện thành phố có 43 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động ổn định; trong đó, có 21 cụm công nghiệp có nhà máy xử lý nước thải tập trung (như thông tin từ Hà Nội mới). Từ năm 2016, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giao nhiệm vụ quản lý nhà nước thải tập trung về một đầu mối là Sở Xây dựng với quyết tâm đạt được mục tiêu đến năm 2020 có 100% cụm công nghiệp có khu xử lý nước thải tập trung như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần XVI đề ra.
Hình minh họa (Ảnh: internet) |
Điều đó cho thấy, việc bao phủ nhà máy xử lý nước thải tại các khu cụm công nghiệp trên địa bàn có ý nghĩa rất lớn trong bảo vệ môi trường ở Thủ đô.
Một nguyên nhân dẫn đến tình trạng xả thải bừa bãi là từ những bất cập trong công tác quản lý. Đơn cử như trường hợp cụm tiểu thủ công nghiệp Triều Khúc, Tân Triều.
Cụm sản xuất làng nghề Tân Triều với ngành nghề chủ yếu là dệt, nhuộm, sơ chế lông vũ. Vào năm 2007, một nhà máy xử lý nước thải công nghiệp đã được xây dựng. Nhưng do công tác quản lý thiếu chặt chẽ nên từ khi xây dựng đến nay, hệ thống xử lý nước thải tại cụm sản xuất làng nghề Triều Khúc vẫn phải “đắp chiếu”. Các hộ sản xuất ở đây tùy tiện, thoải mái xả nước thải khiến môi trường trên địa bàn ngày càng ô nhiễm.
Trước thực trạng phổ biến như trên ở nhiều làng nghề khác, dư luận có quyền đặt câu hỏi: trách nhiệm của các địa phương và các sở, ngành liên quan đến đâu?
Yêu cầu đặt ra là cần mạnh tay hơn trong quản lý và xử lý vi phạm. Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ trên địa bàn; kiên quyết xử phạt, ngăn chặn hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật.
Về trách nhiệm của chính quyền địa phương, UBND các phường, xã cũng cần giám sát chặt chẽ hơn việc chấp hành các quy định bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp, doanh nghiệp, khi phát hiện vi phạm phải khẩn trương báo cáo để các đơn vị chức năng xử lý kịp thời.
Ý thức doanh nghiệp luôn là yếu tố quyết định
Ngày 03/04/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33/2017/NĐ-CP thay thế Nghị định số 142/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.
Theo Điều 22, Nghị định 33/2017/NĐ-CP: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp chống thấm, chống tràn ao, hồ, khu chứa nước thải trong trường hợp nước thải không chứa chất thải nguy hại.
Mức phạt cao nhất từ 220-250 triệu đồng áp dụng đối với hành vi xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên; hành vi xả nước thải nuôi trồng thủy sản vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 300.000 m3/ngày đêm.
Hành vi xả nước thải vào lòng đất thông qua các giếng khoan, giếng đào và các hình thức khác; hành vi xả khí độc hại trực tiếp vào nguồn nước cũng bị phạt mức cao nhất là 220-250 triệu đồng đối với cá nhân, 440-500 triệu đồng đối với tổ chức. Không khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước phạt đến 500 triệu
Phạt tiền 30-40 triệu đồng đối với hành vi kê khai không trung thực thông tin trong hồ sơ năng lực lập đề án, báo cáo trong thực hiện đề án, dự án điều tra cơ bản, tư vấn lập quy hoạch tài nguyên nước.
Phạt tiền 50-60 triệu đồng với hành vi tiếp tục khoan giếng khi gây sụt, lún đất hoặc gây sự cố bất thường khác ảnh hưởng đến công trình xây dựng và đời sống nhân dân trong khu vực thi công công trình; không xử lý, khắc phục sự cố sụt, lún đất hoặc sự cố bất thường khác ảnh hưởng đến công trình xây dựng và đời sống nhân dân trong khu vực thi công công trình.
Luật định là vậy, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn nhờn luật. Hầu hết các vụ việc khi được phát hiện, chủ cơ sở chỉ bị xử phạt hành chính với số tiền ít hơn nhiều so với việc họ phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Vì vậy, họ sẵn sàng nộp phạt để sau đó tiếp tục tái phạm xả thải ra môi trường.
Ông Dương Thanh An, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Môi trường, cho rằng: "Tình trạng xả thải gây ô nhiêm môi trường liên tục tái diễn có nhiều lý do, trong đó phải kể đến các nguyên nhân mức độ xử phạt chưa đủ sức răn đe và nhận thức của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn hạn chế. Không ít doanh nghiệp chỉ vì lợi nhuận mà phớt lờ tất cả", theo báo Nhân dân đưa tin, hiện nay, các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường cũng diễn biến rất phức tạp. Có doanh nghiệp lợi dụng đêm tối, lúc mưa to, gió lớn để xả nước thải trực tiếp ra môi trường. Có đơn vị đầu tư xây dựng hồ sinh thái, nhưng thực chất là chứa nước thải; khi nước thải xử lý không đạt tiêu chuẩn, họ tận dụng nước thủy triều đưa vào hồ pha loãng; lúc thủy triều xuống, họ lại xả ra môi trường. Có doanh nghiệp bố trí ống dẫn nước thải, cửa xả nước thải ở những vị trí khó quan sát, khó đi lại để che giấu, né tránh sự kiểm soát, phát hiện của cơ quan chức năng và của người dân… Các doanh nghiệp này hằng ngày vẫn đều đặn xả hàng triệu m3 nước thải và tạp chất ra môi trường.
Như vậy quan trọng nhất là ý thức chấp hành của các doanh nghiệp. Để hạn chế tình trạng nêu trên, các địa phương cần chủ động tuyên tuyền, phổ biến pháp luật cho tổ chức, doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường sinh thái; xây dựng cơ chế khen thưởng đối với các thông tin tố giác hành vi vi phạm Luật Bảo vệ môi trường. Mọi nỗ lực ấy hướng đến một mục tiêu chung: xây dựng thủ đô văn minh, sạch đẹp, trong lành.