Tiêu thụ tài sản trộm cắp của người dưới 16 tuổi có phạm tội không?
Ngày đăng : 10:21, 26/03/2018
Ảnh minh họa (nguồn internet) |
Khoản 1 Điều 250 tội “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” BLHS quy định:“Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Trong thực tiễn áp dụng điều luật này, vẫn có nhận thức và quan điểm khác nhau. Vụ việc sau là một ví dụ:
Khoảng 23 giờ ngày 04/5/2017, Nguyễn Văn H, sinh ngày 12/7/2001 (15 tuổi 9 tháng 22 ngày) đột nhập vào nhà dân tại phường HT, thị xã C lấy trộm 01 chiếc điện thoại Iphone5 màu đen trị giá 1.600.000 đồng của anh Hoàng Vương T, sinh năm 1998, trú tại thị xã C. Đến khoảng 3 giờ 0phút ngày 28/5/2017, Nguyễn Văn H tiếp tục đột nhập vào nhà ông Trần Ngọc Th, sinh 1964, trú thị xã C lấy trộm 01 chiếc điện thoại Sam sung GalasyS7 trị giá 8.500.000 đồng. Sau khi lấy trộm 02 chiếc điện thoại trên Nguyễn Văn H đã đem bán cho Trần Tiến T, sinh 1994, cùng trú thị xã C. Khi mua 02 chiếc điện thoại của Nguyễn Văn H, thì Trần Tiến T biết rõ là tài sản do H trộm cắp mà có.
Liên quan đến xử lý hành vi của Trần Tiến T, có 2 ý kiến khác nhau:
Ý kiến thứ nhất cho rằng, cần phải xử lý Trần Tiến T về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo Điều 250 BLHS, vì hành vi của H đã đủ yếu tố cấu thành tội “Trộm cắp tài sản”, nhưng do H chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên chỉ xử lý hành chính đối với Nguyễn Văn H, còn nếu không xử lý hình sự đối với Trần Văn T là bỏ lọt tội phạm.
Một người phạm tội theo quy định tại Điều 250 BLHS khi người đó có hành vi tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có, nghĩa là nếu giá trị của vật phạm pháp đủ để cấu thành cơ bản trong các điều luật tương ứng thì người thực hiện hành vi tiêu thụ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Trong trường hợp này, tài sản mà Nguyễn Văn H chiếm đoạt đã đủ định lượng cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” nên Trần Tiến T phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” mà không phụ thuộc vào việc xử lý hình sự đối với hành vi của Nguyễn Văn H.
Ý kiến thứ hai cho rằng, không thể xử lý Trần Tiến T về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, vì hành vi của Nguyễn Văn H không đủ yếu tố cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” do chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.
Mặc dù Trần Tiến T biết rõ tài sản là do H trộm cắp mà có, nhưng do hành vi của H chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, mà Điều 250 BLHS quy định “Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có...” thì mới cấu thành tội phạm.
Tại khoản 1 Điều 323 BLHS năm 2015 về tội “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” cũng không quy định định lượng tài sản khi chứa chấp, tiêu thụ. Do vậy, khi áp dụng pháp luật về xử lý loại tội phạm này trên thực tiễn sẽ còn vướng mắc, không thống nhất cần được các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn.
Mong nhận được ý kiến trao đổi từ các đồng nghiệp./.