PVN từ chối khoản 20 tỷ đồng vật chứng vì không liên quan
Ngày đăng : 08:40, 23/03/2018
Chiều 23/3, đại diện nguyên đơn PVN dẫn lại bản luận tội của Viện kiểm sát cho rằng, nguyên nhân khiến PVN mất 800 tỷ vốn góp vào Oceanbank là do hành vi Cố ý làm trái về quản lý kinh tế của các bị cáo. VKS đề nghị HĐXX xác định trách nhiệm dân sự của các bị cáo liên đới bồi thường cho PVN 800 tỷ đồng.
Đại diện PVN trình bày trước tòa. (Ảnh chụp màn hình) |
Về việc xử lý vật chứng với số tiền 20 tỷ đồng mà ông Ninh Văn Quỳnh - nguyên Kế toán trưởng PVN bị cáo buộc nhận từ Oceanbank thông qua Nguyễn Xuân Sơn (khi đó là TGĐ Oceanbank), trong phần luận tội, đại diện cơ quan công tố đã đề nghị HĐXX tuyên trả lại cho PVN.
Tuy nhiên, trả lời trước tòa chiều nay, đại diện PVN khẳng định đây là vấn đề phát sinh giữa ông Nguyễn Xuân Sơn và ông Ninh Văn Quỳnh. “PVN hoàn toàn không có chủ trương và không nhận chi lãi ngoài của Oceanbank hay bất kỳ ngân hàng nào khác. Qua tài liệu chứng cứ cũng như lời khai của ông Sơn và ông Quỳnh cho thấy nếu có việc chuyển tiền từ ông Sơn cho ông Quỳnh thì đó là giao dịch cá nhân, không liên quan tới PVN” – vị đại diện nói và đề nghị HĐXX căn cứ vào các tình tiết khách quan của vụ án, trên cơ sở hồ sơ đã được thẩm tra để đi đến quyết định xử lý vật chứng đảm bảo quyền và lợi ích cho các đương sự.
Liên quan đến vấn đề này, trình bày trước tòa, đại diện Oceanbank nêu lại cáo trạng quy buộc Ninh Văn Quỳnh đã nhận tiền từ Nguyễn Xuân Sơn theo chỉ đạo “chăm sóc khách hàng” gửi tiền tại Oceanbank của Hà Văn Thắm. Điều này được các bị cáo Quỳnh, Sơn và người làm chứng Hà Văn Thắm xác nhận số tiền này lấy từ Oceanbank.
Trong khi đó, PVN cũng không nhận số tiền này vì cho rằng đây là khoản tiền giao dịch cá nhân giữa ông Sơn và ông Quỳnh, không liên quan tới PVN. Vị đại diện đề nghị HĐXX xem xét, tuyên trả lại số tiền này cho Oceanbank.
PVN không nhận lãi ngoài
Liên quan tới quy trình xin ý kiến chấp thuận các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đại diện đương sự PVN cho rằng, PVN chủ động ký thỏa thuận với đối tác ban hành các nghị quyết sau đó xin ý kiến chấp thuận của cơ quan chức năng. Hiệu lực thực thi của các văn bản trên buộc phải được sự đồng ý của các cơ quan có thẩm quyền, đồng thời giúp người phê duyệt tiếp cận thông tin trước khi đưa ra quyết định. Quy trình này phù hợp với thực tế công việc tại PVN. “Mong HĐXX lưu tâm để sự phán quyết của HĐXX tới đây không ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh và tính tự chủ của doanh nghiệp, trong đó có PVN” – vị đại diện trình bày.
Tiếp tục trình bày, đại diện PVN cho biết, trong bối cảnh PVN góp vốn lần thứ 3 có thay đổi của Luật các tổ chức tín dụng năm 2011, giới hạn lại trần vốn góp của các tổ chức không quá 15% vốn điều lệ các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, việc thực thi này cần có những hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền, có kế hoạch, lộ trình phù hợp. Đây là vấn đề của không chỉ Luật các tổ chức tín dụng mà còn là liên quan đến việc thực thi các luật khác.
Tại tòa có một số lời khai của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn và ông Hà Văn Thắm nói rằng Oceanbank chi tiền chăm sóc khách hàng cho PVN. Mặc dù giai đoạn trước của vụ án đến nay không có chứng cứ chứng minh các lời khai trên là đúng sự thật. Trong khi, các luật sư cũng đặt nghi vấn việc PVN có chủ trương nhận tiền lãi ngoài hợp đồng từ Oceanbank; có hay không việc Ninh Văn Quỳnh sử dụng số tiền này để chi đối ngoại của PVN.
Trả lời cho những hoài nghi này, đại diện PVN khẳng định: “Hoàn toàn không có việc PVN nhận lãi ngoài cũng như sử dụng tiền lãi ngoài từ ông Quỳnh, ông Sơn hay Oceanbank”.
Về trách nhiệm pháp lý của các bị cáo, PVN đề nghị HĐXX xem xét cân nhắc đầy đủ yếu tố pháp lý, bối cảnh lịch sử, điều kiện nhân thân của các bị cáo để có phán quyết thấu tình đạt lý./.