Về thẩm quyền của VKS trong thống nhất kết quả giải quyết nguồn tin tội phạm

Ngày đăng : 07:00, 01/07/2018

(Kiemsat.vn) - Tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm là một giai đoạn trong tố tụng hình sự, việc xác định có hay không có hành vi phạm tội, bỏ lọt tội phạm và làm oan người vô tội hay không, nó quyết định đến tính chất vụ án. Thực tiễn áp dụng đang tồn tại những vướng mắc cần có hướng dẫn để áp dụng thống nhất.

Ảnh minh họa

Trước đây, các căn cứ để giải quyết nguồn tin về tội phạm quy định tại Điều 103 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 và Thông tư liên tịch 06/2013. Theo đó khoản 3 Điều 103 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định: “Kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và thông báo cho cơ quan, tổ chức đã báo tin hoặc người đã tố giác tội phạm biết.”, Khoản 1 Điều 13 TTLT 06 quy định: “Khi kết thúc việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, trong thời hạn 03 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố phải gửi kết quả giải quyết cùng hồ sơ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố cho Viện kiểm sát cùng cấp; trong thời hạn 06 ngày làm việc, Viện kiểm sát phải có văn bản thể hiện quan điểm đồng ý hoặc không đồng ý về kết quả giải quyết”.

Theo quy định trên thì khi có kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm thì trong thời hạn 03 ngày làm việc Cơ quan điều tra phải gửi kết quả giải quyết cùng hồ sơ đến Viện kiểm sát để thực hiện chức năng kiểm sát, trong thời hạn 06 ngày làm việc Viện kiểm sát phải có văn bản thể hiện quan điểm đồng ý hoặc không đồng ý về kết quả giải quyết của Cơ quan điều tra.

Kể từ ngày 01/01/2018 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 chính thức được áp dụng. Tiếp đến, ngày 01/3/2018 Thông tư liên tịch 01/2017 ngày 29/12/2017 hướng dẫn Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm đã cụ thể hóa chế định trên. Tuy nhiên hướng dẫn hiện hành còn có điểm vướng mắc bất cập gây lúng túng cho các Cơ quan tiến hành tố tụng khi thực hiện, cụ thể là:

Khoản 2 Điều 154 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định “Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải gửi quyết định đó kèm theo tài liệu liên quan đến Viện kiểm sát có thẩm quyền để kiểm sát việc khởi tố”; Khoản 1 Điều 158 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định: “Quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự và các tài liệu có liên quan phải gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định”.

Khoản 2 Điều 14 TTLT 01/2017 quy định “Khi kết thúc việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải gửi kết quả giải quyết cho Viện kiểm sát đã thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo quy định tại các điều 148, 154, 158 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015”.

Theo quy định trên thì khi có kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm trong thời hạn 24 giờ Cơ quan điều tra phải gửi quyết định cùng hồ sơ sang Viện kiểm sát để kiểm sát để thực hiện chức năng kiểm sát. Tuy nhiên Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và TTLT 01/2017 không quy định Viện kiểm sát phải có văn bản thể hiện quan điểm đồng ý hoặc không đồng ý về kết quả giải quyết. Như vậy, khi Viện kiểm sát thống nhất về kết quả khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra thì phải làm sao. Xin trao đổi cùng quý bạn đọc./.

Duy Thanh – VKSND thị xã Cai Lậy

ĐB