Cần hướng dẫn thế nào là thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền trực tiếp phát hiện
Ngày đăng : 14:02, 15/03/2018
Ảnh minh họa (nguồn internet) |
Điều 4 BLTTHS năm 2015 quy định về “Nguồn tin về tội phạm”, đồng thời quy định chức năng, nhiệm vụ của từng ngành có liên quan trong việc giải quyết, kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT ngày 29/12/2017 thay thế thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT ngày 02/8/2013 không nêu ra khái niệm “thế nào là thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện”. Vì vậy, khái niệm này hiện nay chưa được hiểu thống nhất.
Áp dụng BLTTHS năm 2015, hệ thống biểu mẫu của Cơ quan điều tra và của Viện kiểm sát hiện nay đã có các biểu mẫu phục vụ cho công tác tiếp nhận, giải quyết và kiểm sát việc tiếp nhận giải quyết nguồn tin về tôi phạm như Mẫu số: 01 “Quyết định phân công Phó thủ trưởng cơ quan điều tra giải quyết nguồn tin về tội phạm” ban hành theo thông tư số 61 ngày 14/12/2017 của Bộ Công an; mẫu số 04 “Yêu cầu kiểm sát, xác minh nguồn tin về tội phạm” ban hành kèm theo quyết định số 15 ngày 9/1/2018 của VKSND tối cao. Tuy nhiên theo như chúng tôi nhận thấy các biểu mẫu này mới chỉ sử dụng trong hoạt động tiếp nhận, giải quyết; kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Điều 160 BLTTHS năm 2015 quy định về nhiệm vụ quyền hạn của Viện kiểm sát trong việc tiếp nhận và kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, trong đó Viện kiểm sát có quyền: “kiểm sát việc lập hồ sơ giải quyết nguồn tin…”. Vậy, để kiểm sát việc lập hồ sơ giải quyết “thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền trực tiếp phát hiện” thì bao gồm những hồ sơ nào? Viện kiểm sát ban hành “Yêu cầu tiếp nhận, kiểm tra, xác minh, ra quyết định giải quyết nguồn tin về tội phạm” (Mẫu số 05/HS) hoặc “Yêu cầu kiểm sát, xác minh nguồn tin về tội phạm” (mẫu số 04) đối với “thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền trực tiếp phát hiện” trong trường hợp nào?
Hiện nay có hai quan điểm sau đây:
Quan điểm thứ nhất: “Thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền trực tiếp phát hiện” là những vụ việc do cơ quan có thẩm quyền đã phát hiện, áp dụng các biện pháp ngăn chặn như giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ… và vụ việc đã rõ “dấu hiệu của tội phạm” đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự.
Quan điểm thứ hai: “Thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền trực tiếp phát hiện” là những vụ việc Cơ quan có thẩm quyền đã bắt, áp dụng các biện pháp ngăn chặn và vụ việc đã rõ “dấu hiệu của tội phạm” đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự và cả những vụ việc sau khi Cơ quan có thẩm quyền phát hiện phải tiến hành xác minh một số tài liệu mới đủ căn cứ kết luận hành vi có cấu thành tội phạm hay không và có thể được khởi tố vụ án hình sự hoặc giải quyết bằng việc xử lý hành chính hoặc không có hành vi vi phạm, những vụ việc này phải được thụ lý giải quyết theo trình tự quy định tại BLTTHS và Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT ngày 29/12/2017.
Tôi đồng tình với quan điểm thứ hai vì các căn cứ và lý do sau đây:
- Về mặt từ ngữ thì tố giác về tội phạm, tin báo về tội phạm thì có thể có tội phạm hay không có tội phạm; thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền trực tiếp phát hiện cũng có thể là có tội phạm hay không có tội phạm.
- Đối với những vụ việc cơ quan có thẩm quyền trực tiếp phát hiện, dấu hiệu ban đầu có thể không cấu thành về lượng, ví dụ: trộm cắp dưới 2 triệu đồng, tàng trữ trái phép heroin có khối lượng dưới 0,1g, đánh bạc dưới 5 triệu đồng… Đối với những hành vi này cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành xác minh về nhân thân của đối tượng như: thu thập lý lịch, tra cứu tiền án tiền sự; kết quả xác minh mà có tiền án hoặc tiền sự cùng loại chưa được xóa thì hành vi cấu thành tội phạm và phải được khởi tố vụ án hình sự. Nếu không coi đây là “thông tin về tội phạm” thì hoạt động kiểm tra, giám sát việc xác minh để giải quyết những trường hợp nêu trên sẽ bị trống.
Vì vậy, liên ngành tư pháp trung ương sớm có hướng dẫn thế nào là “Thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện” để hiểu và áp dụng luật thống nhất.