Hà Nội: Khi nào vỉa hè thuộc về người đi bộ?

Ngày đăng : 10:18, 13/03/2018

(Kiemsat.vn) - Sau gần 1 năm lực lượng chức năng rầm rộ ra quân lập lại trật tự, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè vẫn tái diễn. Mục tiêu về một Hà Nội đường thông, hè thoáng vẫn còn là hy vọng.

Vỉa hè tiếp tục bị chiếm dụng

Sau chiến dịch dọn dẹp đường phố khởi động từ đầu tháng 3/2017, vỉa hè khắp Hà Nội đã thông thoáng hơn, người đi bộ có thể thong dong sải bước. Trên rất nhiều tuyến phố mới, vỉa hè được kẻ vạch sơn cho việc sắp xếp xe máy gọn gàng. Cảnh lộn xộn, mất vệ sinh do hàng quán sử dụng hè phố làm nơi buôn bán, kinh doanh, ăn uống giảm đáng kể... Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, đến thời điểm hiện tại, vỉa hè nhiều tuyến phố từ trung tâm đến lân cận đang bị "chiếm" lại một cách không thương tiếc. 

Vỉa hè phố Hàng Ngang bị lấn chiếm (Ảnh minh họa, nguồn: internet)

Là người đã quen với nhịp sống chậm rãi của Huế nên chị Nguyễn Kim D đã vô cùng bối rối khi tham gia giao thông và đi bộ trên vỉa hè Hà Nội: “Tôi cho các con đi dạo Hồ Gươm, phố cổ mà cứ phải căng ra vì xe cộ, quán hàng; người ăn uống ngồi tràn cả hè phố, chắn hết lối đi”.

Bán hàng, trà đá, cà phê, cắt tóc, để xe… không khó để bắt gặp các hoạt động này trên vỉa hè dọc các tuyến phố cổ... Những tấm bạt, biển quảng cáo từng bị tháo dỡ lại hồn nhiên mọc lên. Quán cóc, hàng rong rộn ràng tái chiếm vỉa hè Hà Nội dù có sự có mặt của chính quyền hay không.

Không chừa một lối đi nào trên vỉa hè cho người đi bộ (Ảnh minh họa, nguồn: internet)

Cảnh tượng này không chỉ tái diễn tại khu vực phố cổ mà còn diễn ra ở nhiều tuyến phố trên địa bàn Thủ đô. Vỉa hè gần như bị các quầy quần áo, giày dép, hàng ăn, phương tiện chiếm dụng, vây kín. Người đi bộ không còn lựa chọn nào khác là đi dưới lòng đường.

Bà Đào Thị T (Vĩnh Hồ, Ngã Tư Sở) cho biết: "Thi thoảng, tôi vẫn thấy lực lượng chức năng đi kiểm tra nhưng không còn quyết liệt như trước. Giờ trên tuyến phố này chẳng còn vỉa hè cho chúng tôi nữa”. Đây là điều hoàn toàn đoán định được. Thực trạng lấn chiếm vỉa hè ngày càng phổ biến, trở thành nếp xấu của nhiều người, là dấu hiệu của việc "nhờn luật”.

Xử lý theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”

Việc vỉa hè, lòng đường Hà Nội bị tái lấn chiếm, thậm chí phát sinh vi phạm mới là hệ quả tất yếu của cách làm theo phong trào.

Vốn dĩ, việc dẹp lòng đường, vỉa hè không phải là chuyện phát động theo chiến dịch, từng đợt từng đợt một, mà phải làm thường xuyên hàng ngày. Nhưng thực tế, công tác quản lý trật tự đô thị hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập. Chính quyền địa phương chưa có chiến lược lâu dài, chưa kiên quyết, triệt để. Nhiều nơi còn né tránh, sợ đụng chạm, thậm chí không loại trừ hành vi tiếp tay cho vi phạm.

Lực lượng chức năng xử lý vi phạm ở Hàng Vải, Hoàn Kiếm (Ảnh: Pháp luật)

Bên cạnh trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong công tác tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, công cuộc giành lại vỉa hè còn phụ thuộc rất lớn vào ý thức người dân thành phố.

Lợi nhuận lớn từ việc kinh doanh vỉa hè khiến nhiều người không muốn “trả lại” nó cho người đi bộ. Tâm lý vỉa hè là của chung, ai “xí” được trước thì sử dụng dẫn đến không ít cảnh tượng người vi phạm giằng co, va chạm với lực lượng chức năng. Chuyện dẹp trật tự đô thị giống như “đá ném ao bèo”. Lực lượng chức năng khuất bóng, vi phạm lập tức mọc ra.

Có hộ kinh doanh còn dựng cả bồn chứa nước trước cửa hàng, lấn chiếm toàn bộ vỉa hè. (Ảnh: Tri thức trẻ)

 
Do đó, rất cần hình thành nếp sống văn minh cho các công dân đô thị, cần những tư duy mở, những suy nghĩ chung vì cộng đồng. Nếu mỗi người dân đều tự giác, chung tay đồng thuận, việc tạo dựng một Hà Nội đường thông hè thoáng sẽ không còn quá gian nan.

Giải pháp căn cơ

Theo các chuyên gia giao thông đô thị, nguyên nhân của việc lấn chiếm vỉa hè lòng đường tồn tại nhiều năm nay bắt nguồn từ những bất cập trong khâu quy hoạch. Nhiều tuyến phố khi xây dựng không tính đến chỗ để xe cho các cửa hàng kinh doanh. Đơn cử, vỉa hè trong khu phố cổ rộng chưa đến 1m, chính gia chủ cũng không có chỗ để xe. Trong khi đó, việc quy hoạch các bãi xe tĩnh tập trung hầu như rất ít. Nhiều tuyến đường mới mở thì chưa đủ rộng theo quy định, thêm vào đó là những tủ điện, bốt điện, hộp kỹ thuật các công trình ngầm… choán phần lớn diện tích vỉa hè.

Do đó, không nên phụ thuộc vào các lần ra quân rầm rộ, “câu chuyện vỉa hè” cần những giải pháp căn cơ để giải quyết tận gốc rễ. Đó là công tác quy hoạch giao thông đô thị, bố trí sử dụng vỉa hè khoa học và được thực hiện một cách đồng bộ, nhất quán.

Để có được quy hoạch bài bản cần thống kê dữ liệu chi tiết từ hiện trạng dân số, khách du lịch, số lượng người tham gia giao thông, số lượng phương tiện giao thông… của hiện tại và các dự đoán trong tương lai.

Cần quy hoạch giao thông đô thị, bố trí sử dụng vỉa hè khoa học để trả lại vỉa hè cho người đi bộ  (Ảnh minh họa: nguồn Dân trí)

Đồng thời, công tác bố trí việc kinh doanh, đi lại, đỗ xe cũng cần được đảm bảo. Hà Nội phải đưa ra giải pháp cho số lượng lớn người dân đang “bám” vào vỉa hè để mưu sinh. Việc quy hoạch những tuyến phố phù hợp cho việc kinh doanh trên vỉa hè, xây dựng những khu trung tâm ẩm thực vỉa hè… là cần thiết để vừa đảm bảo mỹ quan, vừa giữ được nét đặc trưng văn hóa của một cơ thể đô thị sống. 

Điều 12, Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định mức xử phạt với một số hành vi lấn chiếm vỉa hè như sau:

Phạt tiền từ 100 nghìn - 200 nghìn đồng đối với cá nhân, từ 200 nghìn - 400 nghìn đồng với tổ chức thực hiện một trong các hành vi: Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng.

Phạt tiền từ 2 triệu - 3 triệu đồng với cá nhân, từ 4 triệu - 6 triệu đồng với tổ chức thực hiện một trong các hành vi: Sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông...

Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải đỡ bỏ các công trình xây dựng trái phép, biển quảng cáo, di dời cây trồng trái phép, thu dọn rác, vật tư, vật liệu, chất phế thải, hàng hóa, máy móc, thiết bị, các loại vật dụng và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.

Cẩm Thi