Hà Nội: Đau đầu chuyện trông giữ xe trái phép
Ngày đăng : 09:31, 08/03/2018
"Té nước theo mưa", rủ nhau đội giá
Nhằm mục đích hạn chế ô tô vào nội đô, giảm ùn tắc giao thông và tăng thu cho ngân sách địa phương, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã chỉ đạo tăng phí cho thuê lòng đường, vỉa hè. Thực tế, rất nhiều bãi xe trái phép vẫn đang ngang nhiên hoạt động trên địa bàn Hà Nội và sau 1 tuần kể từ khi thành phố tăng phí cho thuê lòng đường vỉa hè, những bãi xe trái phép này cũng “té nước theo mưa”, tranh thủ tăng phí theo.
Anh N.K, cư dân sống tại một tòa nhà ở quận Hoàng Mai cho biết anh nhận thông báo, từ 01/01/2018, vé ô tô tại bãi gửi sẽ tăng theo văn bản chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội: “Trước đây phí gửi xe là 1,1triệu/tháng, nay là 1,3 triệu/tháng. Khi trả tiền vé tháng tôi cũng không được nhận bất cứ hóa đơn nào”. Bãi xe ở tòa nhà này đã hoạt động từ 8 tháng nay, thế nhưng, thực chất, đây là một bãi giữ xe không phép.
Theo thông tin từ VTV, khi lý giải về sự xuất hiện của những chiếc xe ô tô đỗ trái phép trên vỉa hè, đại diện UBND phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai cho rằng: “Đó chỉ là những xe cá nhân tự phát”. Nói là tự phát nhưng xe nào cũng dán biển vé tháng.
Nhiều bãi trông giữ phương tiện trái phép, thu phí sai quy định vẫn ngang nhiên tồn tại. Điển hình là bãi trông giữ phương tiện tại khu vực vườn hoa Diên Hồng (quận Hoàn Kiếm) không có biển hiệu quy định, không niêm yết giá vé nhưng thu phí trông giữ phương tiện là 10.000 đồng/xe máy. Và không phải xe nào cũng được phát vé. Có người chỉ cần đẩy xe vào bãi là xong.
Tương tự, bãi xe tự phát ở khu vực phố Đinh Lễ, Nguyễn Xí xung quanh Hồ Hoàn Kiếm tình trạng gửi xe không phép, chặt chém vẫn xảy ra như cơm bữa.
Điều đáng nói là tất cả vé gửi xe ở đây chỉ là vé có số nhận biết phương tiện, không phải do cơ quan Nhà nước phát hành.
Năm nay, thời tiết thuận lợi nên người dân đi du xuân, lễ chùa đông hơn mọi năm dẫn tới tình trạng gia tăng một lượng lớn nhu cầu trông giữ phương tiện. Việc loạn giá và trông xe lậu tại các khu di tích, địa điểm du xuân lớn thi nhau diễn ra.
Chẳng hạn, ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, khi lượng khách đổ về đây lên tới cả nghìn người, giá vé gửi xe đã được tăng lên gấp đôi so với ngày thường và không niêm yết giá trên vé. Xe đạp là 5000 đồng, xe máy 10000 đồng, ô tô 50.000 đồng.
Theo ghi nhận của VnExpress, tại phủ Tây Hồ, mặc dù đã có điểm giữ xe miễn phí của Đoàn thanh niên và công an quận, tuy nhiên hàng chục điểm trông xe tự phát ở các hộ gia đình vẫn thu từ 10.000 đến 30.000 đồng một xe máy và 50.000 - 100.000 đồng một ô tô.
Khu vực trông giữ xe vào phủ Tây Hồ, Hà Nội (Ảnh Pháp luật và xã hội) |
Các điểm trông xe tự phát quanh chùa Phúc Khánh cũng có mức phí cao từ 20.000 đến 30.000 đồng một xe máy trong những ngày đầu năm và đặc biệt trong các ngày 14-15 tháng giêng. Nhiều người tỏ ra khá ngạc nhiên với mức thu phí này, nhưng vì đã trót gửi xe rồi nên đành ngậm ngùi rút tiền ra trả.
Không chỉ xuất hiện tình trạng các bãi giữ xe tự phát với giá trông giữ “trên trời” mà ngay cả những điểm trông giữ xe được cấp phép cũng thu cao hơn mức thu quy định của thành phố, trông xe quá phạm vi cấp phép.
Như phản ánh của báo Pháp luật plus, trước cổng chính Công viên Thống Nhất, Hai Bà Trưng, Hà Nội (là khu vực đỗ xe của 5 tuyến xe buýt, của Phòng CSĐT về TTXH – CATP Hà Nội và hãng xe hàng không Vietjet) xuất hiện một số đối tượng nhận trông giữ xe trái phép cả ngày và đêm, thu lợi bất chính hàng triệu đồng mỗi ngày.
Xe ôtô ngoài luồng được các đối tượng nhận trông giữ bất chấp đây là bãi xe của các xe buýt, xe của lực lượng chức năng (Ảnh Pháp luật plus) |
Mặc dù bến bãi đã có biển, vạch sơn kẻ quy định rõ ràng và chỉ dành cho những xe được phép đỗ tại đó, nhưng họ vẫn ngang nhiên cho xe ôtô con chen vào giữa các xe được phép đỗ để trông giữ và thu lợi bất chính. Vé xe từ 40 nghìn đến 50 nghìn đồng/1 xe trong vòng 1, 2 tiếng đồng hồ.
Nhờn luật, các bãi giữ xe "ung dung" vi phạm
Nhằm mục tiêu siết chặt quản lý đối với việc trông giữ, thu phí phương tiện phục vụ Tết nguyên đán Mậu Tuất và lễ hội Xuân năm 2018, Hà Nội đã ra “tối hậu thư” chỉ đạo các lực lượng chức năng xử lý nghiêm vi phạm. Theo đó, phải đảm bảo đồng bộ từ khâu quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các điểm đỗ xe, bãi trông giữ xe, các trường hợp phương tiện dừng, đỗ không đúng nơi quy định trên hè, lòng đường các tuyến phố; kiên quyết xử lý, giải tỏa các điểm, bãi trông giữ xe trái phép; dỡ bỏ biển “P” tại các điểm dừng đỗ sai quy định không phép, sai phép...; đặc biệt, tập trung xử lý vi phạm đối với các điểm trông giữ xe thu phí quá mức quy định; đồng thời thu hồi ngay giấy phép đối với các điểm trông giữ xe tái vi phạm nhiều lần hoặc gây bức xúc trong dư luận.
Thế nhưng mọi thứ mới dừng lại ở quyết tâm mà thiếu những hành động cụ thể, sâu xát. Sự vào cuộc của các cấp chính quyền cơ sở, địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát còn lỏng lẻo, việc xử lý không kiên quyết đã dẫn tới tình trạng các điểm trông giữ xe trái phép tồn tại ngang nhiên, “ngó lơ” chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội.
Một điểm trông xe trái phép thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội (Ảnh: Báo Thời đại) |
Trong lúc cơ quan chức năng vẫn còn lúng túng trong việc tìm các khu đất để giải quyết nhu cầu gửi xe của người dân thì rõ ràng người đang được hưởng lợi trong việc chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để làm các bãi gửi xe trái phép là các chủ bãi xe. Và có thể là cả những người đã làm ngơ cho hoạt động chiếm dụng này.
Tình trạng thu phí quá cao so với quy định vẫn diễn ra khá phổ biến. Ngoài yếu tố lỏng lẻo trong quản lý, một nguyên nhân quan trọng khác là do mức phạt quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Theo quy định tại Nghị định 109 NĐ/CP của Chính phủ về mức xử phạt đối với vi phạm về mức thu phí, lệ phí, nếu điểm trông giữ xe có số tiền vi phạm dưới 10 triệu đồng thì phạt 500.000 đồng đến 1 triệu đồng (áp dụng với cá nhân); với các tổ chức, mức xử phạt là 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng. Mức phạt trên 1 triệu đồng sẽ áp dụng cho vi phạm từ 10 triệu đồng đến 300 triệu đồng...
Như vậy, dù các điểm trông xe có mức sai phạm rất cao thì mức phạt hành chính này cũng “không thấm vào đâu” so với lợi nhuận mà việc trông giữ xe đem lại. Đó là lý do nhiều cơ sở trông giữ xe sẵn sàng vi phạm, thậm chí “ung dung” tái phạm nhiều năm.
Cần mạnh tay xử lý dứt điểm
Tình trạng các bãi đỗ xe tự phát, thu phí giá cao vừa gây thất thu ngân sách, vừa làm mất đi hình ảnh đô thị. Thành phố cần rà soát, xác định lại, đưa ra biện pháp xóa bỏ triệt để những bãi đỗ xe này, tránh làm theo kiểu “đánh trống bỏ dùi” như hiện nay.
Lời giải cho bài toán này không hề đơn giản. Hà Nội cần một giải pháp toàn diện, kết hợp giữa một chiến dịch tuyên truyền giáo dục cho người dân với tiến hành cưỡng chế tất cả bãi giữ xe trái phép. Đồng thời, phải tăng gấp đôi mức phạt với những bãi xe vi phạm và rút giấy phép kinh doanh với đơn vị tái phạm, như vậy mới có thể giải quyết được tình trạng chặt chém.
Cần xử lý dứt điểm tình trạng trông giữ xe trái phép như thế này. (Ảnh VTV) |
Về vấn đề trên, TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch, phát triển đô thị Hà Nội cho rằng: “Tất cả phải được công khai, minh bạch, có sự giám sát của người dân và thông tin trên các cơ quan báo chí, như vậy mới xử lý dứt điểm được”, báo Lao động đưa tin.
“Hà Nội cũng tạo cơ chế chính sách thu hút các nhà đầu tư các bãi đỗ xe tập trung, hiện đại; hoàn thiện quy hoạch bến bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố đến năm 2030 tầm nhìn 2050 để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, lập bản đồ các điểm đỗ thông báo trên hệ thống thông tin đại chúng để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng”, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện phát biểu trên TTXVN.
Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ 1/8/2016 đã nêu rõ:
Điều 14. Xử phạt các hành vi vi phạm về xây dựng bến xe, bãi để xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ
1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Xây dựng hoặc thành lập bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ không theo quy hoạch hoặc không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Xây dựng bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, không theo đúng thiết kế đã được duyệt.
2. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
a) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này còn buộc phải tháo dỡ công trình trái phép, khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;
b) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này còn buộc phải xây dựng lại bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ theo đúng thiết kế đã được phê duyệt, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật.