Tranh luận GS, PGS nên là chức danh khoa học hay nhà giáo

Ngày đăng : 13:27, 03/03/2018

Trong khi những người công tác ở lĩnh vực giáo dục cho rằng, giáo sư, phó giáo sư nên là chức danh nhà giáo thì các nhà khoa học lại có ý kiến khác.

Từ năm nay, tiêu chí để xét tặng chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) sẽ có sự thay đổi theo hướng yêu cầu ứng cử viên phải đạt tiêu chuẩn cao hơn về số lượng công trình khoa học được công bố quốc tế, giờ giảng dạy...

tranh luan giao su pho giao su nen la chuc danh khoa hoc hay nha giao hinh 1
Một trong lễ công bố quyết định cấp giấy chứng nhận cho những người đạt chức danh GS. PGS

Tuy nhiên, điều mà các nhà giáo, nhà khoa học đang tranh luận về người đạt chức danh GS, PGS nên nghiêng về các nhà giáo hay nhà khoa học.

Trong khi những người đang giảng dạy, công tác trong ngành Giáo dục, các trường ĐH cho rằng, chức danh GS, PGS nên thuộc về các nhà giáo vì họ là những người truyền đạt tri thức cho thế hệ trẻ thì các nhà khoa học đang công tác tại các viện nghiên cứu thì lại cho rằng, học hàm nên ưu tiên thuộc về họ.

Bởi lẽ, các nhà khoa học là những người tìm tòi, khám phá ra những tri thức mới và cũng là người thầy truyền đạt tri thức mới đó cho thế hệ kế cận.

GS, PGS phải là những người sáng tạo, khám phá tri thức mới

GS.TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam đưa ra quan điểm: Hiện nay, có 3 loại GS, PGS. Thứ nhất, GS, PGS chuyên giảng dạy là những người có nhiều thay đổi trong phương pháp dạy học, có thể biên soạn sách giáo khoa. Thứ 2 là GS, PGS vừa giảng dạy vừa nghiên cứu. Thứ 3 là GS, PGS chuyên về nghiên cứu, là những người tìm tòi, sáng tạo ra những tri thức mới mang lại sự đột phá cho nền khoa học.

tranh luan giao su pho giao su nen la chuc danh khoa hoc hay nha giao hinh 2
GS.TS Lê Thị Hợp

Từ trước đến nay, có nhiều quan điểm từ phía các nhà giáo muốn đưa chức danh GS, PGS thuộc về những người chuyên về giảng dạy. Tuy nhiên, cũng có nhiều thành viên của Hội đồng Chức danh GS Nhà nước, các nhà khoa học đã đề nghị chức danh GS, PGS phải là chức danh khoa học.  

“GS, PGS không phải là “thợ giảng” hay những người chuyên đứng trên bục giảng mà việc giảng dạy ở đây phải được hiểu là giảng dạy những chuyên đề khoa học cho những người học sau ĐH.

Chúng ta không thể coi những GS, PGS chuyên về nghiên cứu kém hơn so với GS, PGS chuyên giảng dạy. Bởi hiện nay, hầu hết những GS, PGS trên thế giới (kể cả đang giảng dạy ở các trường ĐH) chỉ giảng dạy từ 30 đến 40 tiết/năm. Nếu GS, PGS chỉ chuyên đi giảng dạy thì sẽ không có thời gian tham gia nghiên cứu khoa học, phát hiện ra những tri thức mới.

Nếu Việt Nam không có trường đại học nào nằm trong tốp 1000 trường uy tín, chất lượng tốt nhất trên thế giới; trường ĐH không có viện nghiên cứu thì chúng ta không nên phong chức danh GS, PGS làm gì. GS, PGS phải là những người sáng tạo, khám phá tri thức mới và truyền đạt tri thức đó cho đối ngũ kế cận. Như vậy,  đất nước mới có các công trình khoa học để phục vụ cho sự phát triển”, bà Lê Thị Hợp nhấn mạnh.

GS, PGS là chức danh khoa học nên được đưa vào Luật Giáo dục

Đứng ở góc độ là nhà khoa học ngành Y, GS.TS Phạm Ngọc Đính cũng cho rằng, sở dĩ có sự mâu thuẫn về chức danh GS, PGS nên nghiêng về lĩnh vực giáo dục hay khoa học là do quan điểm chưa thông nhất giữa nhiều đơn vị.

 

tranh luan giao su pho giao su nen la chuc danh khoa hoc hay nha giao hinh 3
GS.TS Phạm Ngọc Đính

Từ năm 2008 trở về trước, chức danh GS, PGS là chức danh khoa học. Nhưng từ năm 2008 đến nay, chức danh GS đã bị đổi thành chức danh nhà giáo. Điều này đã dẫn đến có sự phân cách giữa các viện nghiên cứu và trường ĐH. Nhiều ý kiến cho rằng, chức danh GS, PGS nên thuộc về lĩnh vực giáo dục, ưu tiên cho các nhà giáo.

Tuy nhiên, chúng ta thấy rất rõ, khi xét các ứng viên đạt chức danh GS, PGS, các nhà khoa học ở các viện nghiên cứu lại có rất nhiều chỉ số, công trình đóng góp nền sự phát triển của nền khoa học nhiều hơn so với các nhà giáo chuyên giảng dạy ở các trường ĐH.

Để khắc phục mâu thuẫn này, chúng ta nên thống nhất chức danh GS, PGS là chức danh khoa học. Chức năng chính của các GS, PGS là nghiên cứu khoa học. Hoạt động giáo dục đào tạo chỉ là một nhiệm vụ của các nhà khoa học. Việc đưa ra tiêu chí ứng viên đạt chức danh GS, PGS phải dựa trên công bố về khoa học còn tiêu chí phải có bao nhiêu giờ giảng chỉ là tiêu chí phụ, bổ sung cho ứng viên.

Theo ông Phạm Ngọc Đính, chức danh GS, PGS là chức danh khoa học nên được đưa vào Luật Giáo dục (sửa đổi)./.

Bích Lan/VOV.VN