Ai chịu trách nhiệm các hồ sơ xét GS, PGS không đạt chuẩn?
Ngày đăng : 19:08, 02/03/2018
Để được bổ nhiệm chức danh giáo sư (GS) và phó giáo sư (PGS) tại Việt Nam, hồ sơ của các nhà giáo phải được thẩm định, xét công nhận qua nhiều hội đồng, từ cơ sở; ngành, liên ngành đến cấp nhà nước.
94 hồ sơ lọt qua các vòng kiểm duyệt
Sau khi Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công bố danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017, với số lượng người được công nhận tăng đột biến (1.226 ứng viên dạt chuẩn) đã có nhiều thông tin lo ngại về chất lượng GS, PGS trong chuyến tàu 'vét' mang số hiệu 174.
Sau khi rà soát lại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong buổi họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 1.3, đại diện Bộ GDĐT đã công bố con số 94 hồ sơ ứng viên “có phản ánh” chưa đủ tiêu chuẩn, dù trước đó đã được công nhận đạt chuẩn.
Câu hỏi đặt ra, làm thế nào 94 hồ sơ ứng viên GS, PGS này có thể lọt qua các vòng kiểm duyệt trước đó. Nếu không có đợt rà soát lại, rất có thể những ứng viên chưa đạt này sẽ nghiễm nhiên được công nhận chức danh và sẽ gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tiếp theo, khi phát hiện ra trong số 94 hồ sơ bị để lại có trường hợp không đạt chuẩn, vậy ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm về việc không thẩm định kỹ, chưa nghiêm túc trước đó?
3 vòng kiểm duyệt sao vẫn "bỏ lọt" hồ sơ
Lao Động xin được điểm lại quy trình công nhận, bổ nhiệm GS, PGS theo quy định hiện hành của Việt Nam, để độc giả có thể hình dung được đường đi của những hồ sơ bị để lại vì có phản ánh là chưa đạt chuẩn.
Theo đó, năm 2012, Thủ tướng ban hành quyết định số 20 về việc sửa, bổ sung một số điều của quyết định số 174 năm 2008 "Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư". Theo đó, quy trình công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS gồm các bước:
Đầu tiên, nhà giáo thuộc biên chế của các cơ sở giáo dục đại học, nơi có Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở sẽ đăng ký và nộp hồ sơ tại Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở đó. Nhà giáo thuộc các đơn vị, nơi không có Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở thì đăng ký tại Văn phòng Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước.
Sau khi nhận hồ sơ, Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở sẽ tiến hành thẩm định để xác nhận mỗi hồ sơ đăng ký đạt tiêu chuẩn chức danh hay không.
PGS phải được ít nhất 3 GS hoặc PGS cùng ngành, chuyên môn với người đăng ký thẩm định, đánh giá, nhận xét bằng văn bản. Đối với ứng viên chức danh GS thì phải được ít nhất 3 GS cùng ngành chuyên môn thẩm định, đánh giá, nhận xét bằng văn bản.
Qua bước này, các ứng viên sẽ trình bày bản báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ, báo cáo kết quả đào tạo, trình độ ngoại ngữ trước những thành viên trong Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở.
Sau khi thảo luận, Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở sẽ biểu quyết bằng phiếu kín. Sau đó, kết quả và toàn bộ hồ sơ của các ứng viên được gửi lên Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, đồng thời thông báo đến cơ quan chủ quản có thẩm quyền quản lý nhà giáo.
Sau khi nhận được toàn bộ hồ sơ, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước sẽ phân loại và chuyển cho các Hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành. Các hội đồng ngành, liên ngành cũng tiến hành các bước thẩm định hồ sơ giống như ở cấp cơ sở. Sau đó, hội đồng ngành, liên ngành sẽ báo cáo kết quả và chuyển lại toàn bộ hồ sơ cho Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước.
Tiếp đó, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước tổ chức thẩm định kết quả xem xét của các Hội đồng Chức danh giáo sư ngành, liên ngành, quyết nghị bằng phiếu kín công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư cho các nhà giáo.
Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước căn cứ nghị quyết của hội đồng để ra quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS cho các nhà giáo.
Như vậy, để được công nhận đạt chuẩn GS, PGS, các ứng viên phải trải qua nhiều thủ tục, với sự thẩm định kỹ lưỡng của 3 hội đồng. Vậy hội đồng nào đã thẩm định chưa nghiêm túc, dẫn đến khiếu hiện, phát hiện ứng viên chưa đạt tiêu chuẩn và phải chịu trách nhiệm ra sao? Giới làm khoa học trong nước và dư luận đang chờ câu trả lời của những người liên quan.