Một số quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong giai đoạn khởi tố cần được hướng dẫn
Ngày đăng : 15:56, 01/03/2018
Ảnh minh họa |
1. Khoản 3 Điều 153 BLTTHS 2015 quy định Viện kiểm sát quyết định khởi tố vụ án hình sự trong 04 trường hợp, trong khi khoản 3 Điều 159 Bộ luật này lại chỉ quy định chung chung thẩm quyền của Viện kiểm sát là “quyết định khởi tố vụ án hình sự”. Quy định như trên là không thống nhất, có thể dẫn đến cách hiểu sai rằng: Viện kiểm sát có quyền quyết định khởi tố vụ án trong mọi trường hợp. Vì vậy, tại khoản 3 Điều 159 Bộ luật này cần bổ sung cụm từ “trong trường hợp do Bộ luật này quy định” vào sau cụm từ “quyết định khởi tố vụ án hình sự”.
2. Quy định tại Khoản 2 Điều 160 BLTTHS 2015 không phù hợp với khoản 1 Điều 4 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và điểm b khoản 2 Điều 145 Bộ luật này (*) vì: khoản 2 Điều 160 Bộ luật này chỉ quy định Viện kiểm sát có nhiệm vụ, quyền hạn kiểm sát việc tiếp nhận nguồn tin về tội phạm của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, mà không quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong việc kiểm sát việc tiếp nhận nguồn tin về tội phạm của cơ quan, tổ chức khác. Vì vậy, nội dung này cũng cần được các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn.
3. BLTTHS 2015 quy định Viện kiểm sát trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục (Điều 145). Thế nhưng, Bộ luật này lại không giải thích thế nào là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, nên thực tiễn áp dụng sẽ không thống nhất, cần phải được cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn kịp thời.
Ngoài ra, trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố là nhiệm vụ, quyền hạn mới được Bộ luật này giao cho Viện kiểm sát. Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ này, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần xây dựng nội dung, lên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng trực tiếp giải quyết nguồn tin về tội phạm cho đội ngũ Kiểm sát viên; vì hiện nay, Kiểm sát viên chủ yếu kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố của cơ quan điều tra một cách gián tiếp thông qua nghiên cứu hồ sơ; còn các kỹ năng trực tiếp tiến hành hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, thì còn hạn chế. Đồng thời, cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng quy định, quy trình cụ thể hướng dẫn việc giải quyết nguồn tin về tội phạm trong ngành Kiểm sát nhân dân nhằm bảo đảm cho Viện kiểm sát thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này.
4. Theo quy định tại Điều 4 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và khoản 2 Điều 145 BLTTHS 2015, thì trách nhiệm của Viện kiểm sát là rất lớn, vì Viện kiểm sát phải kiểm sát việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm của tất cả các cơ quan, tổ chức. Vì vậy, để Viện kiểm sát có thể đảm đương được tốt nhiệm vụ này, khi ban hành các văn bản hướng dẫn, các cơ quan có thẩm quyền cần phải quy định rõ ràng, hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức tiếp nhận trong việc thông báo việc tiếp nhận cho Viện kiểm sát; về biện pháp kiểm sát (trực tiếp hay gián tiếp), phương thức kiểm sát...
(*) Trong giai đoạn khởi tố vụ án hình sự, Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát việc tiếp nhận nguồn tin về tội phạm của cơ quan, tổ chức khác (Công an phường, thị trấn, Đồn Công an, Công an xã...)