Vướng mắc trong kiểm sát trả lại đơn khởi kiện
Ngày đăng : 10:35, 27/02/2018
Ảnh minh họa |
Trả lại đơn khởi kiện trong tố tụng dân sự là hành vi của Tòa án nhân dân đối với người khởi kiện khi có một trong các căn cứ được pháp luật tố tụng dân sự quy định; nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền của đương sự - cụ thể là người khởi kiện; đó là quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết bằng một vụ án dân sự, từ đó bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của họ, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước khi họ cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp đó bị xâm phạm. Vai trò của Viện kiểm sát và một số khó khăn, vướng mắc trong kiểm sát trả lại đơn khởi kiện vụ án dân sự sẽ được đề cập đến trong bài viết sau.
Trước khi ban hành Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2004 thì thủ tục giải quyết các vụ án dân sự (theo nghĩa rộng) được tiến hành dựa trên các quy định tại 03 Pháp lệnh gồm: Pháp lệnh thủ tục giải quyết vụ án (PLTTGQVA) dân sự năm 1989, PLTTGQVA kinh tế năm 1994 và PLTTGQ các tranh chấp lao động năm 1996. Tại 03 văn bản pháp luật này cũng như Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) năm 2002 thì quy định về việc kiểm sát trả lại đơn khởi kiện vẫn còn là một khoảng trống. Tuy không thể phủ nhận quy định của các Pháp lệnh trên đây đã mở rộng theo hướng tối đa quyền tham gia tố tụng dân sự của VKSND và đặc biệt quy định vấn đề “khởi tố” vụ án dân sự trong một số trường hợp “Đối với việc vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho tài sản xã hội chủ nghĩa hoặc quyền lợi của người lao động trong quan hệ lao động, kết hôn trái pháp luật, xác định cha, mẹ cho người con chưa thành niên ngoài giá thú, xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi của người chưa thành niên hoặc của người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần, nếu không có ai khởi kiện thì Viện kiểm sát có quyền khởi tố”. Mặc dù vậy, việc không quy định cho Viện kiểm sát (VKS) được quyền kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện đã dẫn đến tình trạng tùy nghi khi áp dụng, xâm phạm trực tiếp đến quyền của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đó là quyền khởi kiện vụ án dân sự.
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 ra đời cũng chỉ quy định VKSND tham gia phiên tòa đối với những vụ án mà Tòa án thu thập chứng cứ và đương sự có khiếu nại, các việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, các vụ, việc dân sự mà VKSND kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án (khoản 2 Điều 21 BLTTDS năm 2004). Các quy định này đã làm giảm đáng kể vai trò của VKSND trong quá trình kiểm sát việc giải quyết vụ, việc dân sự mà các Pháp lệnh trước đây đã quy định cho VKS như: Quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, quyền thu thập chứng cứ hay quyền được khởi tố vụ án. Bên cạnh đó, việc không quy định VKS được quyền “hiện diện” trong quá trình nhận đơn, xử lý đơn khởi kiện trước khi thụ lý vụ án cũng chưa khắc phục được những hạn chế mà 03 Pháp lệnh trước kia quy định.
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011 đã quy định cụ thể khi trả lại đơn khởi kiện Tòa án không chỉ gửi văn bản này cho người khởi kiện mà còn phải gửi cho VKSND cùng cấp: “Khi trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện, Tòa án phải có văn bản ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện, đồng thời gửi cho VKS cùng cấp” (khoản 2 Điều 168). Sự ghi nhận này là hợp lý, nhằm đảm bảo cho việc giải quyết vụ, việc dân sự của Tòa án được chặt chẽ ngay từ khâu đầu tiên, tránh những sai sót, vi phạm của Tòa án có thể xâm phạm đến lợi ích của các cá nhân, tổ chức.
Theo quy định tại Điều 170 BLTTDS sửa đổi năm 2011 thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo do Tòa án trả lại, người khởi kiện có quyền khiếu nại, VKS cùng cấp có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện.
Như vậy, kiểm sát trả lại đơn khởi kiện đã được Quốc hội chính thức ghi nhận và trao quyền cho VKS. Bên cạnh việc kiểm sát việc giải quyết khiếu nại của Chánh án Tòa án khi giải quyết khiếu nại của đương sự về việc trả lại đơn khởi kiện, VKS còn được quyền kiến nghị với Chánh án và không chỉ được quyền kiến nghị 1 lần mà còn được quyền kiến nghị lần 2 với Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết. Đây có thể nói là một bước phát triển, mở rộng sự hiện diện của VKS trong quá trình kiểm sát việc nhận đơn, xử lý đơn của Tòa án, đảm bảo một trong những quyền lợi chính đáng của công dân là quyền được “bảo vệ bằng các Tòa án quốc gia có thẩm quyền với phương diện pháp lý có hiệu lực chống lại những hành vi vi phạm các quyền căn bản đã được Hiến pháp và pháp luật công nhận” (Điều 8 Tuyên ngôn về nhân quyền năm 1948).
Với quan điểm phải “mở rộng tối đa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý, người dân chỉ nộp đơn đến Tòa án, Tòa án có trách nhiệm tiếp nhận và thụ lý đơn” (Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020); cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” (Điều 14); do đó, thủ tục xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Tòa án đối với khiếu nại của đương sự, kiến nghị của VKS đã được hoàn chỉnh và hoàn thiện.
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã bổ sung quy định mới về việc trả lời khiếu nại, kiến nghị tại Điều 194 như sau: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản trả lại đơn khởi kiện thì đương sự có quyền khiếu nại, VKS có quyền kiến nghị với Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện. Ngay sau khi nhận được khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phải phân công một Thẩm phán khác xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải mở phiên họp xem xét giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn. Phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại có sự tham gia của đại diện VKS và đương sự có khiếu nại, trường hợp đương sự vắng mặt thì Thẩm phán vẫn tiến hành phiên họp. Trường hợp đại diện VKS vắng mặt mà không có kiến nghị của VKS về việc trả lại đơn khởi kiện thì không hoãn phiên họp, nếu có kiến nghị của VKS về việc trả lại đơn khởi kiện thì phải hoãn phiên họp. Kết thúc phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại hoặc kiến nghị, nếu không đồng ý với kết quả giải quyết của Thẩm phán thì trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết, đương sự có quyền khiếu nại, VKS có quyền kiến nghị lên Chánh án Tòa án cấp trên một cấp trực tiếp xem xét, giải quyết.
Khoản 7 Điều 194 BLTTDS năm 2015 đã bổ sung quy định mới theo hướng nếu vẫn không đồng ý với kết quả giải quyết của Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp thì đương sự có quyền khiếu nại, VKS có quyền tiếp tục kiến nghị lên Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao đối với quyết định bị khiếu nại, kiến nghị của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nếu quyết định bị khiếu nại, kiến nghị là của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao. Quyết định của Chánh án ở giai đoạn này là kết quả giải quyết cuối cùng. Quy định này đã tạo ra một cơ chế thực sự dân chủ, đảm bảo một trong những quyền, lợi ích chính đáng của con người, của công dân là quyền khởi kiện.
Tuy nhiên, nghiên cứu về các quy định của VKS trong kiểm sát trả lại đơn khởi kiện của Tòa án (quy định tại Điều 192 và Điều 194 BLTTDS năm 2015) cho thấy còn một số quy định mà Luật chưa “cụ thể hóa” nên dẫn đến trong thực tiễn kiểm sát còn gặp khó khăn, vướng mắc, cụ thể như sau:
Thứ nhất, theo quy định tại khoản 2 Điều 192, khi trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo cho người khởi kiện, Tòa án phải có văn bản nêu rõ lý do trả lại đơn khởi kiện, văn bản trả lại đơn khởi kiện được gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp biết, ngoài ra, Viện kiểm sát không nhận được bất kỳ tài liệu nào khác. Mặt khác, Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 (Thông tư liên tịch số 02/2016) của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao quy định việc phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân trong việc thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thì trong những trường hợp cần xem xét kiến nghị hoặc khi nhận được thông báo mở phiên họp giải quyết khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện, VKS sẽ gửi văn bản yêu cầu Tòa án cho sao chụp một số hoặc toàn bộ bản sao đơn khởi kiện, đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ, chứ không phải trong tất cả các trường hợp trả lại đơn Tòa án cũng đều sao gửi cho VKS đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo. Theo chúng tôi, quy định như vậy là chưa đầy đủ và làm khó cho công tác kiểm sát, bởi lẽ, nếu chỉ kiểm sát thông qua thông báo trả lại đơn khởi kiện, VKS sẽ không được trực tiếp xem đơn khởi kiện cũng như tài liệu, chứng cứ kèm theo thì quá trình kiểm sát khó phát hiện được vi phạm, thiếu sót trong việc trả lại đơn khởi kiện của Tòa án.
Thứ hai, về thời hạn gửi văn bản Thông báo trả lại đơn khởi kiện của Tòa án. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 chỉ quy định khi trả lại đơn khởi kiện, Thẩm phán phải gửi cho VKS cùng cấp mà không quy định cụ thể thời hạn là bao lâu. Việc không quy định thời hạn gửi Thông báo (mà trong quá trình giải quyết khiếu nại, kiến nghị trả lại đơn, Tòa án sẽ phải có rất nhiều thông báo như: Thông báo trả lại đơn khởi kiện, Quyết định trả lời khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện (lần 1) của Tòa án cùng cấp; Quyết định trả lời khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện (lần 2) của Chánh án Tòa án trên một cấp; Quyết định trả lời khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện (lần 3) của Chánh án TAND cấp cao hoặc Chánh án TANDTC), nhưng lại quy định về thời hạn kiến nghị của VKS chỉ được thực hiện trong thời hạn 05 ngày hoặc 10 ngày sẽ rất khó xác định; bởi lẽ, trên thực tế phương thức chuyển giao tài liệu, văn bản giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trên cùng địa bàn còn có nhiều bất cập, nay lại là các văn bản của cấp trên thì việc xác định chính xác ngày VKS nhận được để thực hiện quyền kiểm sát là chưa hợp lý.
Thứ ba, về việc tham gia phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị: Theo quy định tại khoản 3 Điều 194 BLTTDS năm 2015 thì phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị phải có sự tham gia của đại diện VKS cùng cấp. Còn theo quy định tại Điều 26 Thông tư liên tịch số 02/2016 nêu trên thì “Trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt thì Thẩm phán vẫn tiến hành phiên họp, trừ trường hợp Viện kiểm sát kiến nghị”. Quy định này cũng tương tự như đối với các phiên họp, phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm mà không có kháng nghị của VKS thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử. Theo chúng tôi, điều này thực sự là chưa hợp lý và hiệu quả, đặc biệt trong xu thế thời đại ngày nay, quyền con người đang là mối quan tâm của toàn cầu, việc tham gia của VKS sẽ góp phần làm hạn chế những vi phạm, sai sót của Tòa án trong việc xử lý đơn khởi kiện nói riêng và trong cả quá trình giải quyết vụ án nói chung.
Thứ tư, việc tham gia phiên họp xét khiếu nại, kiến nghị trả lại đơn khởi kiện, theo chúng tôi, BLTTDS và Thông tư liên tịch hướng dẫn mới chỉ dừng lại ở các quy định rất chung về trình tự, thủ tục tiến hành phiên họp. Trong khi một số nội dung khác như: Thành phần phiên họp có phải bao gồm cả Thư ký Tòa án? Bài phát biểu của VKS có phải gửi cho Tòa án như trong quá trình giải quyết vụ, việc dân sự đã thụ lý hay không? Trách nhiệm của Tòa án trong việc sao gửi tài liệu, chứng cứ để VKS nghiên cứu trước khi tham gia phiên họp giải quyết, khiếu nại, kiến nghị? Việc không quy định cụ thể sẽ gây khó khăn cho VKS trong công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án.
Thứ năm, khoản 5 Điều 194 BLTTDS năm 2015 quy định: “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định trả lời khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện của Thẩm phán, người khởi kiện có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp xem xét, giải quyết”, tuy nhiên, lại không nói rõ VKS cấp nào được quyền kiến nghị. Tương tự như vậy, đối với lần giải quyết khiếu nại lần sau của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao hoặc của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì cấp nào kiểm sát? Do không quy định nên trong thực tiễn hiện nay vẫn còn nhiều lúng túng.
Với những khó khăn, vướng mắc nêu trên, chúng tôi đề xuất liên ngành tư pháp Trung ương cần nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể hơn nữa, để đảm bảo cho các điều khoản được bảo đảm thi hành trong thực tiễn cũng như đáp ứng kỳ vọng trong xây dựng một nền pháp luật thực sự dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý.