Ngày Tết, động tí là “choảng nhau”: Vì sao nên nỗi?
Ngày đăng : 14:30, 26/02/2018
Theo thống kê mới nhất từ Bộ Y tế, tổng số ca đánh nhau trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2018 đến khám là 4.976 trường hợp, số ca phải nhập viện điều trị nội trú là 3.019 trường hợp, tăng 10,5 % so với 7 ngày Tết Đinh Dậu năm 2017. Đáng chú ý hơn, trong 7 ngày Tết có tới 18 trường hợp tử vong vì đánh nhau.
Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet) |
Một trong những nguyên nhân mà người ta thường thấy trong các vụ đánh nhau ngày Tết là do sự lạm dụng bia rượu, rượu vào lời ra, khích bác nhau rồi không kiềm chế được bản thân dẫn đến đánh nhau. Thường tết là dịp mọi người uống rượu nhiều bên bàn tiệc. Bên cạnh đó còn những chuyện không liên quan đến bia rượu nhưng cũng dẫn đến đánh nhau như va quẹt xe cộ, nói móc nhau, hơn thua nhau những chuyện vặt vãnh.
Chúng ta vẫn có thói quen ép nhau ăn uống, nhất là ngày Tết, Lễ hội, đình đám, dẫn đến tình trạng say xỉn quên đi những hệ luỵ nghiêm trọng do rượu bia mang lại. Đây thực sự là một tình trạng đáng lo ngại. Ở một góc độ nào đấy, nhiều người cho rằng văn hoá ứng xử của một bộ phận người dân đang có vấn đề. Họ rất dễ nổi cáu, hành hung hoặc lăng mạ, làm nhục người khác mà không cần cân nhắc hậu quả của những hành động đó sẽ ra sao.
Các chuyên gia tâm lý học phân tích nguyên nhân đánh nhau là do không biết ứng xử, bế tắc trong ứng xử nên hành xử hung hãn như côn đồ. Nó phản ánh một sự thật đằng sau những hành vi đấy là tính hung hăng ngày càng có chiều hướng phức tạp, đặc biệt trong những người trẻ. Có thể giảm bớt tình trạng đánh nhau? Rất khó, bởi người trẻ đa số thiếu kỹ năng ứng xử, kỹ năng chọn lựa hình thức giải trí hay tổ chức vui chơi cũng như kỹ năng sống để xử lý những mâu thuẫn và xung đột. Khi cơn giận dữ "lên tiếng", lý trí dễ dàng "đi vắng" và không ít người đã không biết ứng xử sao cho thấu tình đạt lý.
Theo các chuyên gia, để giảm bớt tình trạng đánh nhau, xã hội cần có những dự án dài hơi về giáo dục pháp luật, tính nhân văn, ứng xử văn hóa, nhân ái…
Hành vi phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, Điều 13 của BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định rõ: “Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Quy định này vẫn kế thừa quy định tại Điều 14 của BLHS 1999, nhưng có điểm mới cần chú ý: Đó là, thay cụm từ “phạm tội trong tình trạng say” rất chung chung trong BLHS 1999 bằng các dấu hiệu cụ thể hơn. Đó là “phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình”.
Anh Minh
(tổng hợp)