57 năm qua, Tạp chí Kiểm sát luôn giữ vững tôn chỉ, mục đích hoạt động
Ngày đăng : 09:50, 26/02/2018
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Viện trưởng VKSND tối cao trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Tạp chí Kiểm sát tại Lễ kỷ niệm 50 năm ngày xuất bản ấn phẩm đầu tiên (Hà nội, ngày 24/2/2011).
Cách đây 57 năm, để đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phục vụ việc triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã quyết định xây dựng và xuất bản một tờ nội san, phát hành tới các đơn vị trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Thực hiện chủ trương của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Phó Viện trưởng Trần Hiệu, ngày 26 tháng 2 năm 1961, ấn phẩm "Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát" do Phòng tuyên truyền pháp luật, lúc bấy giờ trực thuộc Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện, đã xuất bản số đầu tiên với số lượng 500 cuốn. Đây chính là ấn phẩm báo chí đầu tiên của ngành Kiểm sát nhân dân, là tiền thân của Tạp chí Kiểm sát ngày nay. Sự kiện quan trọng đó, đã mở đầu cho các hoạt động báo chí của ngành Kiểm sát; trở thành mốc son đáng nhớ, là ngày truyền thống của các thế hệ cán bộ, biên tập viên, phóng viên, cộng tác viên và bạn đọc của Tạp chí Kiểm sát.
Quán triệt và thực hiện phương châm chỉ đạo của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với hoạt động của tờ báo, được nêu rõ trong lời nói đầu in trên số 1 của Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát, đó là: "Ấn phẩm này là phương tiện để hướng dẫn công tác và để trao đổi kinh nghiệm trong toàn ngành, giữa các địa phương, các cán bộ với nhau; Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát đã tập trung giới thiệu những vấn đề cơ bản nhất về nhà nước và pháp luật, về tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân, tuyên truyền và giới thiệu nhiệm vụ, quyền hạn, phương pháp công tác của Viện kiểm sát, phục vụ việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội và thực hành quyền công tố; góp phần đấu tranh, phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội".
Mặc dù, lúc mới ra đời, nội dung chưa thật phong phú; khuôn khổ nhỏ, hình thức trình bày đơn giản, số lượng bản in và phạm vi phát hành còn hạn chế song “Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát” ấn hành trong hai năm 1961, 1962, đã thực sự là một tài liệu học tập cần thiết và có giá trị, góp phần hết sức quan trọng vào việc nâng cao nhận thức về chính trị, pháp lý và nghiệp vụ công tác kiểm sát cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên của Ngành trong những năm đầu thành lập.
Đầu năm 1963, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo đổi tên tập “Kinh nghiệm công tác kiểm sát” thành “Nội san công tác kiểm sát”. Nếu như ấn phẩm đầu tiên - “Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát” với định hướng chính là trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động công tố ở giai đoạn trước (1945 - 1959) và trong những năm đầu mới thành lập Ngành (1960 - 1962), thì “Nội san công tác kiểm sát” (giai đoạn 1963 - 1980) đã có bước phát triển về nội dung, không chỉ trao đổi kinh nghiệm mà đã có nhiều bài viết mang tính chất nghiên cứu với hình thức thể hiện khá phong phú về thể loại; số lượng phát hành tăng lên (từ 500 cuốn, lên 2.500 cuốn), phạm vi phát hành từng bước được mở rộng.
Tháng 01 năm 1981, “Nội san công tác kiểm sát” được đổi tên thành “Tập san công tác kiểm sát” nhằm đáp ứng yêu cầu mở rộng phát hành để nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Từ đây, ấn phẩm này được phát hành rộng rãi, không chỉ trong nội bộ ngành Kiểm sát nhân dân. Đây cũng là giai đoạn Tòa soạn hoạt động trong cơ chế tập trung bao cấp với rất nhiều khó khăn, tác động không nhỏ đến mọi hoạt động của đơn vị, song cán bộ, biên tập viên, phóng viên “Tập san công tác kiểm sát” đã kiên trì bám sát thực tiễn, thường xuyên đi xuống cơ sở thu thập tin tức, viết bài, chuẩn bị nội dung; đồng thời, tìm các biện pháp khắc phục những khó khăn về giấy in, thiếu thốn về phương tiện làm việc và thiết bị nghiệp vụ báo chí, tìm cách mở rộng phát hành. Bên cạnh đó, về mặt tổ chức của Tòa soạn cũng sự thay đổi, phát triển như Chi bộ Đảng, Chi hội Nhà báo được thành lập, lực lượng biên tập viên được tăng cường, các bộ phận nghiệp vụ từng bước được chuyên môn hóa... Đó chính là những tiền đề rất quan trọng để “Tập san công tác kiểm sát” với những kinh nghiệm tích lũy được sau gần 30 năm hoạt động đã sẵn sàng cho việc chính thức thành lập một cơ quan báo chí chuyên trách của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; trở thành tờ tạp chí khoa học nghiệp vụ chuyên ngành của thời kỳ đổi mới.
Đồng chí Hoàng Quốc Việt chụp ảnh lưu niệm với các phóng viên của Tạp chí Kiểm sát sau buổi trả lời phỏng vấn nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập VKSND (tháng 5/1990) |
Ngày 28/12/1989, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Luật Báo chí. Đây là đạo luật đầu tiên của Nhà nước quy định cụ thể về nghề báo ở nước ta. Luật Báo chí đã mở ra những hướng đi và yêu cầu đổi mới hoạt động báo chí trong cả nước, trong đó có báo chí của ngành Kiểm sát nhân dân.
Ngày 12/10/1990, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ký Quyết định số 79/QĐ thành lập đơn vị Tạp chí Kiểm sát, là đơn vị tương đương cấp Vụ, trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Ngày 14/12/1991, Bộ Văn hóa và Thông tin cấp Giấy phép hoạt động báo chí cho Tạp chí Kiểm sát. Theo đó, “Tập san công tác kiểm sát” chính thức được đổi tên thành “Tạp chí Kiểm sát”.
Việc chuyển từ “Tập san công tác kiểm sát” thành “Tạp chí Kiểm sát” xuất phát từ hai yếu tố: Một là, sự phát triển nội tại của ấn phẩm này sau 30 năm xây dựng đã đáp ứng yêu cầu của ngành Kiểm sát nhân dân cần có một cơ quan báo chí độc lập với tôn chỉ mục đích hoạt động là thông tin lý luận, nghiệp vụ chuyên ngành và tuyên truyền về các mặt hoạt động của Ngành; hai là, để thực hiện chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật về tăng cường sự lãnh đạo, quản lý đối với hoạt động báo chí trong thời kỳ đổi mới.
Công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo thực hiện hơn 30 năm qua đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trong đó có những thành tựu quan trọng trong cải cách tư pháp. Tổ chức và hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân cũng có nhiều thay đổi. Chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014; hệ thống Viện kiểm sát nhân dân được tổ chức theo hệ thống 4 cấp; thực hiện nhiệm vụ hiến định là bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Trong tiến trình cải cách tư pháp với những thay đổi lớn lao đó, công tác thông tin tuyên truyền của ngành Kiểm sát nói chung và hoạt động của Tạp chí Kiểm sát nói riêng đã có những đóng góp đáng ghi nhận. Tạp chí Kiểm sát đã không ngừng phấn đấu để luôn xứng đáng là cơ quan lý luận và nghiệp vụ của ngành Kiểm sát nhân dân; là diễn đàn thông tin khoa học về xây dựng và áp dụng pháp pháp luật, về hoạt động tư pháp, về lý luận và thực tiễn thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân. Trên các số tạp chí Kiểm sát trong giai đoạn này, bên cạnh những nội dung thông tin, truyền đạt sự chỉ đạo, các chủ trương công tác của Lãnh đạo VKSNDTC đối với toàn ngành thì đã có ngày càng nhiều hơn những bài viết giàu tính nghiên cứu lý luận và nghiệp vụ; nhiều bài viết thực sự là kết quả nghiên cứu công phu của các nhà khoa học, của những chuyên gia giàu kinh nghiệm trong hoạt động tư pháp đã đăng trên Tạp chí Kiểm sát.
Để nâng cao chất lượng, nâng cao tính khoa học chuyên ngành, bên cạnh việc thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố đội ngũ cộng tác viên và nâng cao chất lượng công tác biên tập, Tạp chí Kiểm sát đã quan tâm thực hiện các hoạt động thông tin khoa học, tổng kết thực tiễn phát hiện vấn đề, xác định chủ đề nội dung, nhất là nội dung của các số tạp chí chuyên đề. Cùng với việc làm và phát hành các số tạp chí, Tạp chí Kiểm sát cũng đã thực hiện có hiệu quả việc biên tập, biên soạn, xuất bản các ấn phẩm sách in văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật, sách tham khảo về pháp luật, nghiệp vụ và các ấn phẩm tuyên truyền.
Trong những năm gần đây, thực hiện nhiệm vụ được Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao giao cho, Tạp chí Kiểm sát đã đảm nhiệm và hoàn thành tốt vai trò là đơn vị thường trực của Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền, góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác tuyên truyền của Ngành.
Về tổ chức và hoạt động của Tạp chí Kiểm sát có những bước phát triển mới. Hiện nay, Tạp chí Kiểm sát có 5 phòng chuyên môn nghiệp vụ, 02 cơ quan đại diện; thực hiện 3 loại hình báo chí, đó là tạp chí in, báo mạng điện tử với Tạp chí điện tử Kiểm sát và báo hình với chương trình Truyền hình Kiểm sát nhân dân. Trong đó, đáng chú ý là từ năm 2013, Tạp chí Kiểm sát được Lãnh đạo VKSNDTC tin tưởng giao nhiệm vụ phối hợp với Truyền hình Công an nhân dân thực hiện, phát sóng Chương trình Truyền hình Kiểm sát nhân dân, mở ra một kênh thông tin hiệu quả để tuyên truyền về ngành Kiểm sát nhân dân. Sau gần 5 năm hoạt động, chương trình Truyền hình Kiểm sát nhân dân đã phát sóng ổn định, từ năm 2018, mỗi tuần 1 số và thường xuyên cập nhật các bản tin truyền hình trên kênh ANTV và trên Tạp chí điện tử Kiểm sát (www.kiemsat.vn). Năm 2017, Tạp chí Kiểm sát được lãnh đạo VKSND tối cao giao nhiệm vụ phối hợp với Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC) thực hiện bộ phim nhiều tập về ngành Kiểm sát nhân dân.
Nhìn lại 57 năm xây dựng và phát triển, có thể nói, Tạp chí Kiểm sát đã luôn giữ vững tôn chỉ, mục đích hoạt động; các thế hệ cán bộ Lãnh đạo, Biên tập viên, Phóng viên, Nhân viên và các Cộng tác viên của Tạp chí Kiểm sát đã liên tục phấn đấu, không ngừng đổi mới, đưa Tạp chí Kiểm sát phát triển về mọi mặt; bảo đảm sự vững vàng, đúng đắn về tư tưởng, chính trị, sự phong phú về nội dung và hấp dẫn về hình thức thể hiện; đã triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trong công tác tuyên truyền do Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao giao cho. Từng bước phấn đấu, đến nay Tạp chí Kiểm sát đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nghiên cứu, học tập và vận dụng vào thực tiễn công tác của cán bộ, Kiểm sát viên trong ngành và đông đảo bạn đọc.
Ban Biên tập Tạp chí Kiểm sát luôn nhận thức rằng, để có được những kết quả và thành tích đó, là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo VKSNDTC, của các cơ quan quản lý báo chí, sự phối hợp giúp đỡ của các đơn vị trong và ngoài ngành Kiểm sát nhân dân; sự ủng hộ của bạn đọc và đặc biệt là sự cộng tác nhiệt tình, có hiệu quả cao của đội ngũ Cộng tác viên.
Nhân dịp này, Ban Biên tập, cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên của Tạp chí Kiểm sát xin chân thành cảm ơn các đồng chí Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam; các đơn vị trong và ngoài ngành Kiểm sát nhân dân và toàn thể các đồng chí.
Chúng tôi tin tưởng, với sự quan tâm giúp đỡ, ủng hộ đó cùng với sự nỗ lực phấn đấu của mình, Tạp chí Kiểm sát sẽ tiếp tục phát triển và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao giao cho, xứng đáng với sự quan tâm, yêu mến của bạn đọc trong cả nước.
Với những kết quả và thành tích đạt được, Tạp chí Kiểm sát đã ba lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1984), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2004) và Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2010); hai lần được tặng Cờ thi đua của Chính phủ và nhiều năm liên tục được tặng Cờ đơn vị thi đua xuất sắc của ngành Kiểm sát nhân dân; nhiều tập thể và cán bộ của Toà soạn được tặng thưởng Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bằng khen của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Nguyễn Như Hùng
Phó Trưởng Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền ngành Kiểm sát nhân dân,
Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát.