Mùa xuân, vua đi cày ruộng tịch điền
Ngày đăng : 10:57, 25/02/2018
Thời phong kiến, nhà nước coi nông nghiệp là nghề gốc rễ, nên mùa xuân, nhà vua thường đi cày ruộng tịch điền để khuyến khích nhân dân trồng trọt. Sử sách vẫn còn ghi nhiều câu chuyện thú vị.
Tịch điền là nghi lễ bắt nguồn từ các nhà nước phong kiến Trung Quốc, sau lan ra các nước ảnh hưởng văn hóa. Chữ “tịch” có nghĩa là “giẫm, đạp”, “tịch điền” nghĩa là mảnh ruộng do đích thân vua giẫm đạp lên để cày. Lễ tịch điền thường được tổ chức vào tháng đầu của mùa Xuân, sau Tết Nguyên đán.
Các bộ chính sử nước ta có ghi lại những lần nhà vua cày ruộng tịch điền. Lễ cày ruộng tịch điền đầu tiên diễn ra cách đây đã 1.031 năm, dưới thời vua Lê Đại Hành. Khi đó, kinh đô nước ta còn đang đóng ở Hoa Lư, Ninh Bình.
1. Bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” viết: “Mùa xuân (năm Đinh Hợi 987), vua lần đầu cày ruộng tịch điền ở Đọi Sơn (Duy Tiên, Hà Nam) được một hũ nhỏ vàng. Lại cày ở núi Bàn Hải, được một hũ nhỏ bạc, nhân đó đặt tên là ruộng Kim Ngân (Kim Ngân điền)”. Có thể, việc “nhặt được vàng, bạc” cũng chỉ là biện pháp “quảng bá” của triều đình ngày xưa để khuyến khích nhân dân chăm cày cấy và tập trung sản xuất nông nghiệp.
Sang đến thời Lý, khi kinh đô đã chuyển về thành Thăng Long, lễ tịch điền lại được vua Lý Thái Tông tiếp nối. “Đại Việt sử ký toàn thư” chép về sự kiện vua đi cày ruộng tịch điền năm Nhâm Thân (1032), không phải mùa Xuân mà vào đầu mùa hạ: “Mùa hạ, tháng tư, ngày mồng Một, vua ngự đến Tín Hương ở Đỗ Động giang cày ruộng tịch điền, có nhà nông dâng một cây lúa chiêm có 9 bông thóc. Xuống chiếu đổi gọi ruộng ấy là ruộng Ứng Thiên (tức là ứng với ý trời)...”
Theo chú thích của một số sách xưa, Đỗ Động giang là vùng đất của họ Đỗ, xưa là căn cứ của sứ quân Đỗ Cảnh Thạc thời 12 sứ quân, gần khu vực xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai, Hà Nội hiện nay.
Sáu năm sau (năm Mậu Dần 1038), sự kiện vua Lý Thái Tông đi cày ruộng được mô tả kỹ lưỡng hơn: “Mùa xuân, tháng hai, vua ngự ra cửa Bố Hải cày ruộng tịch điền. Sai Hữu ty dọn cỏ đắp đàn. Vua thân tế Thần Nông, tế xong tự cầm cày để làm lễ tự cày. Các quan tả hữu có người can rằng: “Đó là công việc của nông phu, bệ hạ cần gì làm thế?” Vua nói: “Trẫm không tự cày thì lấy gì làm xôi cúng, lại lấy gì cho thiên hạ noi theo?” Nói xong đẩy cày ba lần rồi thôi. Tháng ba, vua về Kinh sư.
Như vậy, chuyến đi này của vua Lý Thái Tông có thể còn kết hợp với công việc khác, như đi tuần tra vùng ven biển, vì địa bàn chọn để cày ruộng tịch điền khá xa kinh thành, vì vùng đất Bố Hải nằm ở khu vực thành phố Thái Bình hiện nay.
Bình luận về sự kiện này, người biên soạn bộ “Đại Việt sử ký toàn thư”, sử thần Ngô Sĩ Liên viết: Thái Tông khôi phục lễ cổ, tự mình cày ruộng tịch điền để nêu gương cho thiên hạ, trên để cúng tông miếu, dưới để nuôi muôn dân, công hiệu trị nước dẫn đến dân đông, của giàu, nên thay!
2. Đến mùa Xuân năm Nhâm Ngọ (1042), sử lại viết việc vua Thái Tông tiếp tục thực hiện nghi thức này: “Mùa xuân, tháng 3 vua ngự ra cửa biển Kha Lãm cày ruộng tịch điền rồi về Kinh sư....”. Về địa điểm Kha Lãm, bộ sử “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, hoàn thành thời nhà Nguyễn chú thích là: “Tên đất này hiện không khảo cứu được”. Hiện nay có thể tìm thấy có đền Khả Lãm ở quận Kiến An, Hải Phòng, cũng là vùng đất ven biển.
Sử sách không chép việc các vua thời Trần cày ruộng tịch điền thế nào. Đời Hậu Lê, năm Hồng Đức thứ 15 (1484), sử chép việc vua Thánh Tông dựng đàn Tiên Nông ở khu vực làng Hồng Mai, ngoài thành Thăng Long. Hàng năm, vào tháng giữa mùa Xuân, vua và các quan cúng tế Thần Nông và làm lễ tịch điền. Nhà vua đích thân cầm cày để cày ruộng.
Sang đến thời Nguyễn, trong bộ sử “Đại Nam thực lục”, có ghi lời vua Minh Mạng: “Ðời xưa vua cày ruộng tịch điền, để lấy gạo làm xôi tế Giao miếu, nhân thể để xét thời tiết làm ruộng khuyên giúp nông dân, thực là việc lớn trong vương chính. Cái điển ba đường cày, sách vở còn chứng. Nước ta đời Trần đời Lê gián hoặc có làm nghi điển ấy, nhưng phần nhiều giản lược”.
Sau đó, vua Minh Mạng chọn đất ở Kinh thành làm chỗ tịch điền, sai đặt ở hai phường Hậu Sinh và An Trạch, bên tả dựng đài Quan canh, đằng trước làm ruộng đế tịch, đằng sau làm điện thay áo, bên hữu đặt đàn Tiên Nông và đình Thần Thương thu thóc. Vua lại cho đặt sở Diễn canh (tập cày) ở phía Bắc cung Khánh Ninh, gọi là vườn Vĩnh Trạch, sai bộ Lễ bàn định điển lệ, hằng năm cứ tháng giữa mùa Hạ (tháng 5) chọn ngày tốt làm lễ.
Khi cày ruộng tịch điền, vua đến chỗ cày, đứng quay về hướng nam. Quan bộ Lễ dâng chiếc cày sơn vàng, quan Phủ doãn Thừa Thiên dâng roi. Vua tay phải cầm cày, tay trái cầm roi, phụ tá có bốn vị bô lão chức sắc, hai người dắt con bò phủ lụa vàng, hai người đi hai bên đỡ cày. Vua cày xong ba luống thì trao cày và roi cho hai quan theo hầu là Phủ doãn Thừa Thiên và Thượng thư bộ Hộ. Sau đó, nhà vua ngự đến nhà Quan Canh để chứng kiến các quan, hoàng thân cày tiếp.
3. Sử nhà Nguyễn cũng ghi vua Thiệu Trị có thực hiện nghi lễ tịch điền. Năm 1845, ông có cho dựng tại bờ Bắc sông Hương điện Long An để làm nơi nghỉ ngơi sau khi tiến hành lễ cày ruộng tịch điền. Sau một lễ tịch điền, vua Thiệu Trị đã cảm hứng sáng tác bài thơ “Thường Mậu quan canh”, trong đó có hai câu nhấn mạnh ý nghĩa của lễ tịch điền như sau:
“Ba đường dẫn lối khuyên cày cấy
Năm tháng thương người trọng việc nông”.
Không chỉ đích thân vua cày tịch điền mà việc làm lễ tịch điền tại các địa phương cũng được quy định và chuẩn bị rất kỹ càng. Vua Minh Mạng quy định mỗi tỉnh, trấn đều đặt ba mẫu ruộng ở bên ngoài thành để làm ruộng tịch điền, có đắp đàn Tiên Nông, xây kho Thần thương để lưu trữ thóc lúa trồng ở ruộng này để dùng vào lễ cúng tế. Mỗi năm khi trên bộ báo cho biết ngày cày tịch điền, các viên Tổng đốc, Tuần phủ hay trấn quan đem các văn võ thuộc hạt, mặc triều phục, tới đàn Tiên nông làm lễ, sau đó viên quan đầu tỉnh đích thân cày 9 luống. Từ việc chọn ruộng đất đến việc chọn người dắt trâu, người vãi hạt... đều được quy định và ghi trong chính sử.
Sau cách mạng tháng Tám, để trực tiếp động viên nhân dân hăng hái sản xuất, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần tham gia cấy lúa, tát nước cùng bà con nông dân. Những năm gần đây, để khuyến khích nhân dân phát triển nông nghiệp, vào ngày Xuân, Chủ tịch Nước cũng thường tham gia lễ hội cày ruộng tịch điền tổ chức tại Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam, nơi vua Lê Hoàn cày những luống đầu tiên cách đây trên 1.000 năm.