Giải pháp nâng cao chất lượng THQCT và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của VKSND thị xã Cai Lậy

Ngày đăng : 22:50, 15/02/2018

(Kiemsat.vn) - Trên cơ sở những hạn chế, tồn tại cần khắc phục, VKSND thị xã Cai Lậy đã chủ động nghiên cứu, tìm ra những giải pháp để nâng cao chất lượng công tác này.

Ảnh minh họa

Thứ nhất, giải pháp về con người: Thử nghiệm cách thức phân công nhiều KSV thụ lý, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, không để tập trung vào một KSV như trước. Kiểm sát viên tham gia khám nghiệm hiện trường, tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm nào thì đề xuất Lãnh đạo phân công KSV đó kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo đó. Có như vậy, KSV mới nắm được tình tiết vụ việc, dấu vết tội phạm ngay từ đầu, thực hành quyền công tố ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, phục vụ tốt cho quá trình giải quyết vụ việc sau này.

Thứ hai, kiểm sát chặt chẽ ngay từ khâu tiếp nhận thông tin từ CQĐT, nhất là sổ thụ lý; thường xuyên phối hợp cùng CQĐT phân loại thông tin, không để lọt tội phạm; đề ra yêu cầu xác minh đối với 100% tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; nâng cao chất lượng yêu cầu xác minh, khoảng 10 ngày sau khi đề ra yêu cầu xác minh, KSV phải kiểm tra xem ĐTV có thực hiện hay không để có biện pháp giải quyết. Trong thời gian 20 ngày phải giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm đơn giản đúng theo quy định của pháp luật.

Hàng ngày, công chức phụ trách lĩnh vực này phải chủ động liên hệ với Cán bộ điều tra phụ trách thống kê của CQĐT để theo dõi tình hình giải quyết. Hàng tuần, KSV được phân công kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm chủ động liên hệ CQĐT để theo dõi tình hình xác minh, giải quyết; đôn đốc, nhắc nhở Cán bộ điều tra, ĐTV đẩy nhanh tiến độ giải quyết. Hàng tháng, tiến hành rà soát số liệu tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đã tiếp nhận, đã phân loại xử lý để xác định những việc CQĐT đã làm và những việc chưa làm, từ đó có văn bản yêu cầu CQĐT thực hiện, hạn chế để xảy ra tình trạng vi phạm thời hạn giải quyết mà không có lý do chính đáng.

Thứ ba, giải pháp về quan hệ phối hợp liên ngành trong quá trình giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Kiểm sát viên phối hợp chặt chẽ với ĐTV từ khi tiếp nhận thông tin, đặc biệt cần theo dõi sát sao quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của CQĐT để kịp thời báo cáo tham mưu với lãnh đạo khi quá trình giải quyết giữa hai bên có khó khăn, vướng mắc.

Thứ tư, để khắc phục tình trạng Công an cấp xã sau khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm kéo dài thời gian xác minh, VKS cấp huyện chủ động ký Quy chế phối hợp liên ngành với các cơ quan, đoàn thể cùng cấp định kỳ có kế hoạch, phối hợp tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành cùng cấp (do VKS chủ trì) để kiểm tra tại các cơ quan Công an cấp xã trong việc chấp hành các quy định về tiếp nhận, chuyển giao các tố giác, tin báo về tội phạm. 

Định kỳ hàng năm tiến hành rà soát tố giác, tin báo về tội phạm trên địa bàn Công an cấp xã để qua đó kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục vi phạm trong việc tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm ở Công an cấp xã. Qua kết quả rà soát tiến hành kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố tại CQĐT cùng cấp để đối chiếu số tố giác, tin báo về tội phạm do Công an cấp xã chuyển đến CQĐT cùng cấp đã đầy đủ chưa, có đúng quy định của pháp luật không, từ đó kịp thời kiến nghị CQĐT khắc phục vi phạm trong lĩnh vực này (nếu có).

Từ kết quả rà soát ở các đơn vị Công an cấp xã và kiểm sát trực tiếp CQĐT, xây dựng kiến nghị tổng hợp  đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện để chỉ đạo Công an cấp xã và CQĐT cùng cấp khắc phục vi phạm trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn.

Thông qua việc rà soát tại Công an cấp xã, tiếp thu ý kiến phản ánh những khó khăn, vướng mắc mà Công an cấp xã gặp phải, vì đây chủ yếu là nơi đầu mối tiếp nhận, việc bảo vệ hiện trường, thu thập vật chứng nếu không được thực hiện tốt lúc này thì việc xử lý vụ án sau này có thể gặp nhiều khó khăn, hiện trường, vật chứng có thể mất, xáo trộn. Qua đó, đề xuất kiến nghị đến CQĐT cùng cấp cần quan tâm đến Công an cấp xã về khâu công tác này, tăng cường công tác tập huấn, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ. Phối hợp CQĐT Công an cùng cấp triển khai các chuyên đề nghiệp vụ trong khâu công tác này đến các đơn vị Công an cấp xã, nhằm tăng cường sự tinh thông về pháp luật cho đơn vị đầu mối.

Thứ năm, áp dụng linh hoạt các quy định của pháp luật. Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội về áp dụng quy định của luật mới năm 2015 về có lợi cho người phạm tội thì đối với những tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố CQĐT đã tiếp nhận xác minh, tuy nhiên hết thời hạn xác minh nhưng chưa có căn cứ để ra quyết định khởi tố vụ án hoặc không khởi tố vụ án với lý do chờ kết quả giám định, kết quả định giá, chờ cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đến việc giải quyết thì quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Đây là một quy định tạo căn cứ pháp lý cho cơ quan tiến hành tố tụng có hướng giải quyết những tố giác, tin báo về tội phạm mà trước đây vướng mắc, không thể giải quyết được khi đã hết hạn, phải gia hạn kéo dài./.

Duy Thanh

VKSND thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang