Cần sửa đổi quy định về những việc cần làm ngay sau khi bắt người

Ngày đăng : 17:16, 06/02/2018

(Kiemsat.vn) - Quy định về “Những việc cần làm ngay sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt” có một số bất cập cần đề xuất sửa đổi.

Ảnh minh họa: Nguồn internet

Theo quy định tại khoản 1 Điều 114 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) thì sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 12 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt. Quy định như trên là chưa đầy đủ, vì mới chỉ có quy định xử lý sau khi bắt hoặc nhận người bị bắt, chưa có quy định xử lý sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp.

Tại khoản 1 Điều này có sử dụng từ “bắt người”. vì có 05 trường hợp bắt người (bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ) nên khoản 1 Điều  này có thể được hiểu như sau: sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ hoặc nhận người bị giữ, bị bắt, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay ngay và trong thời hạn 12 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt.

Với cách hiểu trên đã làm cho quy định tại Điều luật này có một số điểm không ổn.

Thứ nhất, đối với các trường hợp bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ, thì việc quy định Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 12 giờ phải ra quyết định tạm giữ là không đúng, mâu thuẩn với các quy định khác. Đã bắt bị can, bị cáo để tạm giam thì sao còn phải ra quyết định tạm giữ.

Thứ hai, trong trường hợp bắt người đang bị truy nã, thì việc quy định Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 12 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt là không hợp lý, mâu thuẩn với quy định tại khoản 2 Điều này (*)

Để khắc phục các hạn chế trên, theo chúng tôi cần nghiên cứu sửa đổi khoản 1 Điều 114 BLTTHS năm 2015 theo hướng: Thay từ "bắt người" thành cụm từ "bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã”; bổ sung thêm cụm từ “người bị giữ” sau cụm từ “trả tự do cho” và trước cụm từ “người bị bắt”. Theo đó:

“Điều 114. Những việc cần làm ngay sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt

1. Sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã hoặc nhận người bị giữ, bị bắt, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 12 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị giữ, người bị bắt.

2...”

(1) Khoản 2 Điều 114 BLTTHS năm 2015 quy định Sau khi lấy lời khai người bị bắt theo quyết định truy nã thì Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay cho Cơ quan đã ra quyết định truy nã đến nhận người bị bắt...

Nguyễn Cao Cường - VKSND huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế