"Hải quân Việt Nam đã làm chủ tàu ngầm Kilo"
Ngày đăng : 15:38, 06/02/2018
Ngày 6/2, Thiếu tướng Trần Hoài Trung - Chính ủy Quân chủng Hải quân đã trả lời báo chí về việc huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và nhiệm vụ trọng tâm của Hải quân trong năm 2018.
Thiếu tưởng Trần Hoài Chung, Chính ủy Quân chủng Hải quân (Ảnh: Hoàng Thùy) |
- Khả năng kiểm soát vùng biển và sẵn sàng chiến đấu của Quân chủng Hải quân hiện như thế nào, thưa Thiếu tướng?
- Chủ trương của ta là kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của tổ quốc. Hiện những vị trí mà chúng ta đang kiểm soát thì quân chủng Hải quân và lực lượng chức năng như biên phòng, cảnh sát biển,... đang ngày đêm thực hiện nhiệm vụ. Chúng tôi khẳng định là những vị trí này được kiểm soát tốt. Việc kiểm soát này không chỉ bằng tàu mà bằng toàn bộ hệ thống radar bờ. Vừa rồi tôi đi thăm các điểm đóng quân, không có tàu nào có thể lọt qua vị trí kiểm soát của chúng ta. Anh em các đơn vị radar không để điểm đen trên biển - tức là không để các điểm đó ở tình trạng không kiểm soát và có tàu thuyền xâm phạm.
Hải quân cũng như các đơn vị khác trong Quân đội nhân dân Việt Nam luôn sẵn sàng chiến đấu. Người sẵn sàng, vũ khí, trang bị, phương tiện sẵn sàng, phương án sẵn sàng, được luyện tập chu đáo nhuần nhuyễn, bổ sung kịp thời, có lệnh là chiến đấu.
Muốn như thế thì Hải quân phải luôn nắm chắc tình hình, âm mưu thủ đoạn của địch, nắm chắc nhiệm vụ, đối tượng tác chiến trong tình hình hiện nay.
- Trong năm qua, Hải quân báo cáo đã xử lý hiệu quả các tình huống trên biển, không để bị động bất ngờ. Đó là những tình huống như thế nào, thưa Thiếu tướng?
- Năm 2017 và những năm qua nhờ nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, nắm chắc tình hình biển đảo của Tổ quốc nên Quân chủng Hải quân đã kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng xử lý kịp thời, chính xác, đúng đối sách...
Khi nước ngoài đưa giàn khoan xuống, chúng ta xử lý nhuần nhuyễn, chính xác, nên họ rút về, không hề có hậu quả xấu nào. Biển đảo ta vẫn giữ được; hoà bình, ổn định và mối quan hệ ta vẫn giữ tốt.
Tàu ngầm Kilo trong Lễ Thượng cờ năm 2017 (Ảnh: Xuân Ngọc) |
- Với biên chế tàu ngầm Kilo, sức mạnh tác chiến của Hải quân được tăng cường ra sao?
- Bây giờ bảo vệ biển đảo không chỉ có tàu mặt nước mà phải bảo vệ từ trong bờ ra đến ngoài biển, từ trên không đến dưới ngầm. Trên không đã tốt, mặt biển lực lượng cũng sẵn sàng, còn dưới ngầm dù đất nước còn khó khăn nhưng Nhà nước đã dành ưu tiên cho Hải quân 6 tàu Kilo, hiện biên chế đã đủ. Có 6 tàu này thì chúng ta yên tâm lắm.
Việc huấn luyện cán bộ, chiến sĩ tàu ngầm đã được thực hiện trước khi đưa tàu về. Hàng chục kíp chỉ huy, thuỷ thủ được gửi sang Nga học tiếng, huấn luyện kỹ thuật, huấn luyện chiến đấu. Tàu đưa về thì các kíp này ráp vào được ngay. Năm qua 3 tàu ngầm Kilo đưa vào sửa chữa định kỳ không cần sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài, chúng ta tự làm được.
Vừa qua, có đợt tổng kiểm tra lớn nhất từ trước đến nay, trong đó có việc bắn tên lửa từ tàu ngầm. Không có sự hỗ trợ của chuyên gia Nga, bộ đội của ta đã bắn tên lửa từ dưới nước phóng lên, chính xác giữa mục tiêu.
Để làm chủ thực thụ, chúng tôi cần thêm thời gian, nhưng bước đầu đã có thể tin tưởng vào khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng tàu ngầm.
- Nhiệm vụ trọng tâm của Quân chủng Hải quân năm 2018 là gì, thưa Thiếu tướng?
- Năm 2017 Hải quân thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh thuận lợi nhưng không ít khó khăn. Chúng tôi có tàu ngầm, không quân, có tất cả quân binh chủng, chỉ cần sai sót kỹ thuật nhỏ có thể dẫn đến tai họa lớn. Vì vậy, trong năm 2018, Hải quân vừa huấn luyện tiến tới làm chủ vũ khí, trang bị, nhưng phải đảm bảo an toàn để có lệnh là chiến đấu thắng lợi. Đây là nhiệm vụ khó khăn, chúng tôi đã đưa người sang nhiều nước để đào tạo. Cái khó nhất của chúng ta là ngoại ngữ và công nghệ thông tin nhưng hiện anh em đã và đang cố gắng hoàn thiện.
Tháng 12/ 2009, Việt Nam lần đầu tiên ký hợp đồng mua của Nga 6 tàu ngầm lớp Kilo thuộc Dự án 636 Varshavyanka (NATO định danh: Kilo cải tiến) trị giá 2 tỷ USD. Ngoài đóng tàu, hợp đồng bao gồm huấn luyện thủy thủ Việt Nam, cung cấp thiết bị, kỹ thuật. Ngày 25/8/2010, chiếc đầu tiên trong hợp đồng được khởi đóng và hạ thủy sau đó hai năm. 5 tàu còn lại khởi đóng và hạ thủy trong vòng bốn năm sau đó. Ngày 28/5/2014, chiếc thứ sáu trong hợp đồng được cắt thép đóng, hạ thủy ngày 28/9/2015. Việt Nam đặt tên 6 con tàu gắn với các thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Đà Nẵng và Bà Rịa-Vũng Tàu. |