Hướng dẫn công tác hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp trong ngành KSND

Ngày đăng : 15:21, 01/02/2018

(Kiemsat.vn) - Nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm xuyên quốc gia; đàm phán và ký kết các hiệp định TTTP về hình sự, nâng cao vị thế của ngành Kiểm sát Việt Nam trong quan hệ quốc tế, VKSND tối cao (Vụ 13) đã có văn bản số 16/HD-VKSTC hướng dẫn công tác HTQT và TTTP hình sự năm 2018.

Công tác hợp tác quốc tế

- Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế về pháp luật, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 09/12/2009 của Ban Bí thư về hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp, Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 21/7/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài, Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại ban hành kèm theo Quyết định số 272-QĐ/TW ngày 21/01/2015 của Bộ Chính trị khóa XI; thực hiện nghiêm túc Quy chế quản lý hoạt động đối ngoại ban hành theo Quyết định số 37/QĐ-VKSTC ngày 25/01/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao và các quy chế, quy định liên quan đến hoạt động hợp tác quốc tế của ngành KSND. Việc thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm.

- Tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế theo quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2014; tập trung vào hợp tác trong việc phổ biến các đạo luật về tư pháp mới có hiệu lực; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn; nâng cao năng lực, hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm xuyên quốc gia.

- Triển khai thực hiện hiệu quả các Hiệp định TTTP về hình sự Thỏa thuận hợp tác đã ký; trọng tâm là Biên bản Hội nghị VKSND các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào lần thứ V ngày 18/7/2017, Bản ghi nhớ giữa VKSND tối cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc ngày 23/4/2017 và Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác trực tiếp giữa Viện kiểm sát các tỉnh có chung đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày 17/9/2017. Tăng cường ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, Thỏa thuận hợp tác mới với các nước.

- Phối hợp với Viện Nghiên cứu tội phạm và xử lý người phạm tội khu vực châu Á và Viễn Đông của Liên Hợp quốc (UNAFEI) tổ chức Hội thảo quản trị Nhà nước lần thứ 12 tại Đà Nẵng.

Công tác tương trợ tư pháp về hình sự

- Quán triệt, thực hiện các quy định mới về hợp tác quốc tế trong TTHS tại BLTTHS năm 2015. Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc cần tổng hợp, báo cáo VKSND tối cao để được hướng dẫn.

- Công tác THQCT và kiểm sát HĐTTTP về hình sự thực hiện theo quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2014 (các Điều 6, 32, 33), Luật TTTP năm 2007 (các Điều 64, 69), BLTTHS năm 2015 và các văn bản pháp luật có liên quan.

- Việc phối hợp giữa các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc VKSND tối cao và VKSND cấp tỉnh tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 2917/VKSTC-HTQT ngày 29/9/2010 của VKSND tối cao. Việc tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ, vật chứng của vụ án để yêu cầu nước ngoài tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 28 Luật TTTP năm 2007 thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT- VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BNG ngày 16/8/2013. Việc xử lý yêu cầu của nước ngoài về truy cứu trách nhiệm hình sự công dân Việt Nam tại Việt Nam và giải quyết yêu cầu cung cấp quyết định pháp lý cuối cùng trong vụ án do nước ngoài chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 29 Luật TTTP năm 2007 thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 1918/VKSTC-HTQT ngày 15/6/2012 của VKSND tối cao.Việc thông báo và tiếp xúc lãnh sự trong vụ án liên quan đến người nước ngoài tại Việt Nam thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 943/VKSTC-HTQT ngày 05/4/2012 của VKSND tối cao.

Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao nước CHXHCN Việt Nam và đồng chí Tào Kiến Minh, Viện trưởng VKSND tối cao nước CHND Trung Hoa ký kết Biên bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác trực tiếp giữa VKS các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc 

- Tương trợ tư pháp giữa các tỉnh có chung đường biên giới với Lào được thực hiện theo quy định tại Hướng dẫn số 19/HD-VKSTC-HTQT ngày 24/7/2012 của VKSND tối cao. Tương trợ tư pháp giữa các tỉnh có chung đường biên giới với Trung Quốc thực hiện theo Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác trực tiếp giữa Viện kiểm sát các tỉnh có chung đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày 17/9/2017.

- Yêu cầu tương trợ tư pháp đề nghị nước ngoài thực hiện được lập dưới hình thức hồ sơ ủy thác tư pháp. Việc lập hồ sơ ủy thác tư pháp cần lưu ý:

Nội dung hồ sơ ủy thác tư pháp thực hiện theo quy định tại các Điều 18, 19 Luật TTTP năm 2007, HĐTTTP giữa Việt Nam với các nước và Mẫu văn bản ủy thác theo hướng dẫn của VKSND tối cao (Vụ 13). Văn bản ủy thác cần nêu rõ mục đích, nội dung các hoạt động ủy thác cần thực hiện; sự cần thiết phải thực hiện ủy thác để phục vụ quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án tại Việt Nam, cần mô tả cụ thể nội dung vụ án, các tình tiết liên quan đến hành vi phạm tội, trích dẫn đầy đủ nội dung điều luật và hình phạt để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thực hiện tương trợ cho Việt Nam trong trường hợp có sự khác nhau về tội danh trong pháp luật giữa nước ta và các nước. Đối với yêu cầu thu hồi tài sản do phạm tội mà có thì cần mô tả chi tiết về tài sản, nơi có tài sản cần tìm, căn cứ để xác định tài sản do phạm tội mà có đang có mặt tại nước được yêu cầu và có thể thuộc quyền tài phán của Việt Nam; mối liên hệ giữa tài sản bị yêu cầu thu hồi và hành vi phạm tội; việc thực hiện bản án, quyết định của cơ quan tố tụng có thẩm quyền đối với ủy thác về truy tìm, kê biên, phong tòa, thu giữ, tịch thu, trả lại tài sản và nêu rõ biện pháp cần áp dụng để thu hồi tài sản đó.

Hồ sơ ủy thác tư pháp lập thành 03 bộ, kèm theo bản dịch đảm bảo chất lượng theo quy định tại Điều 5 Luật tương trợ tư pháp năm 2007, gửi VKSND tối cao (Vụ 13) để kiểm tra tính hợp lệ và làm thủ tục chuyển cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thực hiện.

Quá trình lập hồ sơ ủy thác tư pháp cần chủ động liên hệ với VKSND tối cao (Vụ 13) để được hướng dẫn cụ thể.

Công tác dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù

Các VKSND cấp tỉnh và VKSND cấp cao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong việc xem xét yêu cầu dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù theo quy định tại Luật tổ chức VKSND năm 2014, Luật TTTP năm 2007 và BLTTHS; quá trình thực hiện cần lưu ý:

- Việc VKSND cấp tỉnh tiếp nhận văn bản thông báo thụ lý, hồ sơ yêu cầu dẫn độ, hồ sơ yêu cầu chuyền giao người đang chấp hành hình phạt tù của TAND cùng cấp thực hiện theo quy định của Luật TTTP năm 2007 (các Điều 40, 55). Hồ sơ (bản sao) đã được đánh bút lục và kèm danh mục các tài liệu trong hồ sơ có xác nhận bằng con dấu của cơ quan có thẩm quyển của Bộ Công an là hợp lệ về hình thức; không cần yêu cầu thực hiện việc sao y bản chính và đóng dấu giáp lai vào hồ sơ bản sao.

- Việc Kiểm sát viên tham gia phiên họp xem xét yêu cầu dẫn độ, chuyên giao người đang chấp hành hình phạt tù của Tòa án cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm; việc kháng nghị quyết định dẫn độ hoặc từ chối dẫn độ, quyết định chuyển giao hoặc từ chối chuyển giao của VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp cao thực hiện theo quy định tại Luật tổ chức VKSND năm 2014 (Điều 33), Luật TTTP năm 2007 (các Điều 40, 55).

- Trình tự, thủ tục xem xét, xử lý yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ thực hiện theo quy định tại BLTTHS năm 2015 (các Điều 498, 499). Trình tự, thủ tục xem xét yêu cầu thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam bị từ chối dẫn dộ thực hiện theo quy định tại BLTTHS năm 2015 (các Điều 498, 500, 501).

- Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn để bảo đảm cho việc xem xét yêu cầu dẫn độ hoặc thi hành quyết định dẫn độ gồm bắt, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, đặt liền đề bảo đảm, tạm hoãn xuất cảnh thực hiện theo quy định tại BLTTHS năm 2015 (các Điều 502 - 506).

Chế độ thông tin, báo cáo

VKSND các cấp chấp hành đầy đủ, nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của Luật TTTP năm 2007 và Nghị định số 92/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ; Kế hoạch số 01/KH-BCS của Ban Cán sự Đảng VKSND tối cao (Kể hoạch 01) thực hiện Chỉ thị 39 CT/TW ngày 09/12/2009 của Ban Bí thư về hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật cải cách hành chính và cải cách tư pháp trong ngành KSND (Chỉ thị 39); thực hiện Quy chế quản lý hoạt động đối ngoại ban hành theo Quyết định số 37/QĐ-VKSTC ngày 25/01/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao và các quy chế, quy định khác có liên quan đến công tác hợp tác quốc tế của ngành KSND. Báo cáo công tác hợp tác quốc tế năm 2017 của các đơn vị theo quy định tại Chỉ thị 39 và Kế hoạch 01 gửi về VKSND tối cao (Vụ 13) trước ngày 10/02/2018 để tồng hợp, xây dựng báo cáo Ban cán sự đảng VKSND tối cao.

- Các đơn vị có phát sinh hoạt động hợp tác quốc tế cần báo cáo kịp thời về VKSND tối cao (thông qua Vụ 13) để tổng hợp, xây dựng kế hoạch chung và thực hiện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hợp tác quốc tế.

Ngân Hà (Giới thiệu)