Người chứng kiến trong tố tụng hình sự
Ngày đăng : 12:12, 01/02/2018
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 bổ sung người chứng kiến là người tham gia tố tụng. Khi thực hiện các hoạt động tố tụng, bắt buộc cơ quan có thẩm quyền phải mời một số người không liên quan đến vụ án tham dự, chứng kiến và xác nhận về nội dung, trình tự tiến hành, thành phần tham gia… nhằm đảm bảo cho hoạt động tố tụng hình sự được thực hiện khách quan.
Người chứng kiến không phải là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án nhưng lại là người tham dự, chứng kiến và xác nhận hoạt động của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Ảnh minh họa |
Điều 176 BLTTHS năm 2015 quy định:
“… Người chứng kiến có trách nhiệm xác nhận nội dung, kết quả công việc mà người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã tiến hành trong khi mình có mặt và có thể nêu ý kiến cá nhân. Ý kiến này được ghi vào biên bản”.
Theo khoản 3 Điều 67 BLTTHS năm 2015, người chứng kiến có các quyền sau: 1) Yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa; 2) Xem biên bản tố tụng, đưa ra nhận xét về hoạt động tố tụng mà mình chứng kiến; 3) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc mình tham gia chứng kiến; 4) Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, người chứng kiến có nghĩa vụ: 1) Có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; 2) Chứng kiến đầy đủ hoạt động tố tụng được yêu cầu; 3) Giữ bí mật về hoạt động điều tra mà mình chứng kiến; 4) Trình bày trung thực những tình tiết mà mình chứng kiến theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (khoản 4 Điều 67).
Để nhận thức và áp dụng đúng các quy định về người chứng kiến trong BLTTHS năm 2015, cần lưu ý một số vấn đề sau:
Những trường hợp không được làm người chứng kiến
Để bảo đảm tính khách quan, chính xác, BLTTHS đã quy định một số trường hợp không được làm người chứng kiến tại khoản 2 Điều 67 BLTTHS gồm: Người thân thích của người bị buộc tội, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức đúng sự việc; người dưới 18 tuổi; có lý do khác cho thấy người đó không khách quan.
Quy định này nhằm loại trừ những trường hợp do quan hệ tình cảm cá nhân, do hạn chế về năng lực nhận thức, năng lực hành vi, độ tuổi… mà không thể xác nhận, chứng kiến được hành vi, hoạt động tố tụng diễn ra. Do đó, BLTTHS hình sự quy định, những người thuộc diện trên không được làm người chứng kiến, không có ngoại lệ.
Những trường hợp cần chú ý khi xác định người chứng kiến
Người chứng kiến phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện cụ thể khác nhằm bảo đảm danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản của công dân hoặc bảo đảm tính khách quan của hoạt động tố tụng; cụ thể:
Điều kiện về giới
Khi khám xét người, xem xét dấu vết trên thân thể bắt buộc phải có người cùng giới chứng kiến nhằm bảo đảm danh dự, nhân phẩm cho người bị khám xét, bị xem xét dấu vết trên thân thể (khoản 2 Điều 194, khoản 2 Điều 203 BLTTHS năm 2015).
Điều kiện người chứng kiến là đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn, đại diện cơ quan, tổ chức
Đối với những trường hợp khám xét, bắt người tại nơi cư trú, niêm phong đồ vật… bắt buộc phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn chứng kiến.
Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc, học tập phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập chứng kiến (khoản 2 Điều 113);
Khi khám xét tại nơi làm việc của một người..., phải có đại diện của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến (khoản 2 Điều 195);
Khi thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, phải có đại diện của cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông chứng kiến (khoản 3 Điều 197);
Những quy định này nhằm bảo đảm tính khách quan, kịp thời vì chính quyền xã, phường, thị trấn, cơ quan, tổ chức là nơi diễn ra việc khám xét, bắt người, do đó, việc họ chứng kiến thể hiện tính khách quan cao.
Tuy nhiên, nội dung quy định trong BLTTHS năm 2015 chắc chắn sẽ có những cách hiểu khác nhau khi áp dụng vào thực tiễn, đó là “đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn” là ai? hiện có 02 ý kiến:
Ý kiến thứ nhất cho rằng, đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn chỉ có thể là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã, phường, thị trấn.
Ý kiến thứ hai cho rằng, là người được chính quyền xã, phường, thị trấn cử làm đại diện khi chứng kiến hoạt động tố tụng hình sự, không nhất thiết phải là Chủ tịch hay Phó Chủ tịch xã, phường, thị trấn, những người này có thể là Trưởng Công an xã, phường, thị trấn hoặc một thành viên của UBND xã, phường, thị trấn (*).
Chúng tôi cho rằng, tham gia, chứng kiến hoạt động tố tụng không phải là chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND. Đối với những xã, phường lớn, hàng năm có hàng ngàn vụ việc, nếu áp dụng máy móc đại diện chính quyền phải là Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND sẽ không thể thực hiện được và dẫn đến tình trạng ký khống để hợp lý hóa hồ sơ, vi phạm tố tụng; do đó, tùy từng trường hợp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể mời Trưởng hoặc Phó trưởng Công an xã, phường, thị trấn, là người có nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn sẽ bảo đảm tính nhanh chóng, kịp thời, bí mật của hoạt động tố tụng.
Một số trường hợp đặc biệt phải có hai người chứng kiến
Theo quy định tại khoản 1, 2, 4 Điều 195 BLTTHS năm 2015, có những trường hợp nhất định bắt buộc phải có hai người chứng kiến, đó là:
- Khi khám xét chỗ ở mà người có chỗ ở bị khám xét, người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và hai người chứng kiến. BLTTHS năm 2003 quy định những trường hợp này phải có “02 người láng giếng chứng kiến”. Quy định “người láng giềng chứng kiến” như BLTTHS năm 2003 không hợp lý vì thực tế những người láng giềng rất ngại hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng khi được yêu cầu do quan hệ gần gũi, do ngại va chạm… Bên cạnh đó, đối với những địa phương vùng sâu, vùng xa, việc tìm đủ người láng giềng có đủ năng lực chứng kiến lại càng khó khăn hơn. Chính vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tố tụng hình sự nhưng vẫn bảo đảm tính khách quan, BLTTHS năm 2015 sửa quy định này, chỉ yêu cầu 02 người chứng kiến và đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn là đủ.
- Khi khám xét nơi làm việc mà không có đại diện cơ quan, tổ chức thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và 02 người chứng kiến.
- Khi khám xét phương tiện mà chủ sở hữu hoặc người quản lý phương tiện vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có hai người chứng kiến. Đây là quy định mới nhằm bảo đảm sự chặt chẽ, khách quan, tránh sự lạm quyền, tùy tiện trong hoạt động tố tụng hình sự. Đối với những trường hợp trên, nếu chỉ có 01 người chứng kiến là vi phạm thủ tục tố tụng.
Về thủ tục triệu tập, lấy lời khai người chứng kiến
Về thủ tục triệu tập và lấy lời khai
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định thủ tục triệu tập, lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, đương sự (các Điều 185, 186, 188), tuy nhiên, chưa có quy định về thủ tục lấy lời khai người chứng kiến. Vậy, việc triệu tập, lấy lời khai người chứng kiến được tiến hành dựa trên căn cứ pháp lý nào? thời gian, địa điểm, biên bản lấy lời khai người chứng kiến cần tuân thủ yêu cầu gì? có thể ghi âm, ghi hình việc lấy lời khai người chứng kiến không? Kiểm sát viên có thể triệu tập lấy lời khai người chứng kiến không và trong trường hợp nào?
Chúng tôi cho rằng, để lấy lời khai người chứng kiến, bắt buộc phải tiến hành triệu tập theo đúng trình tự tố tụng. Mặc dù BLTTHS năm 2015 không quy định nhưng thực tiễn áp dụng có thể vận dụng quy định tại Điều 185 BLTTHS năm 2015 về triệu tập người làm chứng, trong đó phải tuân thủ yêu cầu của giấy triệu tập, thủ tục giao nhận giấy triệu tập...
Tương tự như vậy, biên bản lấy lời khai người chứng kiến không thể lập tùy tiện mà phải tuân thủ chung về biên bản điều tra quy định tại Điều 178 của BLTTHS, thực hiện theo mẫu quy định việc lấy lời khai của người chứng kiến có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Kiểm sát viên có thể lấy lời khai người chứng kiến trong trường hợp xét thấy việc lấy lời khai của Điều tra viên không khách quan; có vi phạm pháp luật; hoặc xét cần làm rõ chứng cứ, tài liệu để quyết định việc phê chuẩn, không phê chuẩn quyết định tố tụng hoặc để quyết định việc truy tố…
Về những trường hợp phải lấy lời khai của người chứng kiến
Điều 97 BLTTHS năm 2015 quy định về lời khai của người chứng kiến, tuy nhiên, trường hợp nào phải lấy lời khai của người chứng kiến và nếu không lấy lời khai của người chứng kiến thì có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hay không lại chưa quy định cụ thể.
Theo chúng tôi, không nhất thiết mọi trường hợp đều phải lấy lời khai của người chứng kiến, bởi lẽ người chứng kiến đã là người thành niên, có năng lực nhận thức, hành vi đầy đủ, khi họ ký vào văn bản tố tụng tức là họ đã xác nhận hoạt động tố tụng diễn ra bình thường, hợp pháp. Do vậy, chỉ bắt buộc lấy lời khai của người chứng kiến trong những trường hợp sau:
Thứ nhất, khi bị can, bị cáo, bị hại, những người tham gia tố tụng khác khiếu nại, có ý kiến về tính khách quan của văn bản, hoạt động tố tụng và có người chứng kiến. Trong trường hợp này bắt buộc phải lấy lời khai người đã chứng kiến, xác nhận hoạt động tố tụng để củng cố chứng cứ, khẳng định hoặc bác bỏ ý kiến khiếu nại của những người tham gia tố tụng.
Thứ hai, khi chính người chứng kiến có đơn, ý kiến đề nghị xem xét lại tính hợp pháp, khách quan của hoạt động tố tụng, văn bản tố tụng hoặc cho rằng mình không tham gia chứng kiến hoạt động tố tụng đó và chữ ký là giả mạo. Trường hợp này phải lấy lời khai cụ thể việc họ có mặt khi tiến hành hoạt động tố tụng trong thực tế không? tại sao lại ký xác nhận vào biên bản? trường hợp cần thiết có thể giám định chữ ký, tuổi mực để có căn cứ bác bỏ hoặc khẳng định ý kiến của người chứng kiến.
Thứ ba, khi có mâu thuẫn về thời gian, thành phần người tham gia tố tụng, người tiến hành tố tụng như: Hoạt động tố tụng tiến hành tại các địa điểm khác nhau, trong cùng thời gian nhưng lại có cùng thành phần người tiến hành tố tụng; thời gian tiến hành khám nghiệm hiện trường tiến hành trước khi sự việc xảy ra; sơ đồ khám nghiệm hiện trường thể hiện khám nghiệm vào buổi sáng nhưng biên bản khám nghiệm thể hiện tiến hành vào buổi chiều… Những trường hợp này nhất thiết phải lấy lời khai của những người chứng kiến để làm rõ đúng bản chất của hoạt động tố tụng.
Một số kiến nghị, đề xuất
Thực tiễn cho thấy, vẫn còn có trường hợp người tiến hành tố tụng chưa nhận thức đầy đủ về người chứng kiến dẫn đến việc đưa người chứng kiến tham gia tố tụng không đúng quy định pháp luật; do đó, một mặt đòi hỏi phải nâng cao nhận thức của cơ quan, người có có thẩm quyền tiến hành tố tụng để hiểu và áp dụng đúng quy định về người chứng kiến, nắm chắc những hoạt động điều tra nào cần có người chứng kiến tham dự, khi tiến hành các hoạt động điều tra đó phải mời thành phần, số lượng, đối tượng người chứng kiến đúng theo quy định của BLTTHS. Mặt khác, liên ngành Trung ương cần có văn bản hướng dẫn chi tiết những nội dung liên quan đến chế định người chứng kiến trong BLTTHS năm 2015, góp phần bảo đảm cho hoạt động tố tụng hình sự được khách quan, đúng pháp luật; cụ thể cần quy định rõ một số nội dung sau:
- Thủ tục triệu tập, lấy lời khai người chứng kiến tiến hành tương tự như lấy lời khai người làm chứng.
- Biên bản ghi lời khai của người chứng kiến được lập theo quy định tại Điều 178 của BLTTHS năm 2015, việc lấy lời khai của người chứng kiến có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.
- Trường hợp xét thấy có một trong các căn cứ như: Việc lấy lời khai của Điều tra viên không khách quan; có vi phạm pháp luật; hoặc xét thấy cần làm rõ chứng cứ, tài liệu để quyết định việc phê chuẩn, không phê chuẩn quyết định tố tụng hoặc để quyết định việc truy tố, Kiểm sát viên có thể lấy lời khai người chứng kiến. Việc lấy lời khai người chứng kiến của Kiểm sát viên phải được tiến hành theo quy định trên.
- Không phải mọi trường hợp đều lấy lời khai người chứng kiến, chỉ bắt buộc lấy lời khai người chứng kiến khi có một trong những căn cứ sau:
+ Bị can, bị cáo, bị hại, những người tham gia tố tụng khác khiếu nại, có ý kiến về tính khách quan của văn bản, hoạt động tố tụng và có người chứng kiến.
+ Khi chính người chứng kiến có đơn, ý kiến đề nghị xem xét lại tính hợp pháp, khách quan của hoạt động tố tụng, văn bản tố tụng hoặc cho rằng mình không tham gia chứng kiến hoạt động tố tụng đó và chữ ký là giả mạo.
+ Khi có mâu thuẫn về thời gian, thành phần người tham gia tố tụng, người tiến hành tố tụng... và hoạt động tố tụng đó có người chứng kiến.
- Biên bản trong hoạt động tố tụng có người chứng kiến phải thể hiện rõ nhân thân, địa chỉ, số chứng minh nhân dân của người chứng kiến. Tránh tình trạng sau khi xác minh người chứng kiến không đúng với lý lịch, không có trong thực tế.
- Đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn theo quy định tại các điều 113, 195, 198 BLTTHS năm 2015 có thể là Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng hoặc Phó Trưởng Công an xã, phường, thị trấn.
(*) Bàn về Đại diện chính quyền địa phương xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là chính quyền xã) trong Điều 113 của BLTTHS năm 2015 và Điều 80 BLTTHS năm 2003 - Tiến Đỗ
(Trích bài: “Bàn về chế định người chứng kiến trong BLTTHS năm 2015” của Th.s Đinh Công Thành, Phó Viện trưởng VKSND huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, TCKS số 17/2017).