Thang máy chung cư - Nỗi lo chưa có hồi kết
Ngày đăng : 09:22, 01/02/2018
Đã không còn là chuyện lạ
Chị Hoàng Bích Hạnh, cư dân ở tòa nhà HHB - Khu đô thị Tân Tây Đô (Tân Lập, Đan Phượng, Hà Nội) vẫn chưa hoàn hồn sau sự cố thang máy hồi đầu tháng 12/2017: “Tôi từ tầng 18 xuống tầng 1, khi thang đến tầng 11 thì rơi. Trên tay bế con nhỏ, tôi hoảng loạn vô cùng!”.
Theo thông tin của baonhandao.vn, sau khi vụ việc xảy ra, Ban quản trị tòa nhà HHB đã liên hệ với đơn vị vận hành thang máy. Song, cả trực kỹ thuật và giám đốc công ty đều "phủi bay" trách nhiệm với lý do: Đơn vị vận hành, bảo trì đều hết hợp đồng.
Mới đây nhất, như vtc.vn đưa tin, dư luận lại thêm một phen bất bình về việc người dân Chung cư G9, Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm phải leo lên mái nhà để đi thang máy ròng rã 3 tháng nay. Ông Phạm Đăng Ngọc, trưởng ban quản trị chung cư G9 cho biết: “Tòa nhà có 6 thang máy thì 5 cái hỏng. Chúng tôi đã báo cáo với thành phố và công ty quản lý nhà nhưng họ cho biết không có tiền sửa chữa, bà con phải chờ đợi”. Hiện vấn đề di chuyển của gần 400 con người chỉ trong 2 sự lựa chọn: 1 là đi cầu thang bộ, 2 là leo lên mái nhà để đi sang đơn nguyên bên cạnh sử dụng chiếc thang máy chưa hỏng. Anh Bùi Văn Nam, vừa dắt 2 con nhỏ qua mái nhà chia sẻ : “Thể trạng yếu, bị bệnh tim nên tôi không thể đi bộ, bắt buộc phải leo lên mái nhà đi thế này. Trời nắng thì còn đỡ chứ trời mưa thì rất nguy hiểm. Thương nhất là trẻ con và người già”.
Bà Nguyễn Thị Mận phải bò từng bậc thang lên đến phòng trên tầng 8: “Tôi sợ thang máy nhốt người quá, không mở được ra, không đóng được vào. Hôm nọ bị nhốt, tôi phải đập cửa mãi bảo vệ mới đem xà beng cậy cửa. Đi cầu thang bộ không nổi nữa nên phải bò thế này”.
Cư dân chung cư G9, Bắc Từ Liêm, Hà Nội phải đi trên mái nhà vì thang máy hỏng (Ảnh Zing.vn) |
Theo Quyết định 19/2013/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội, tại các tòa nhà thuộc khu tái định cư đều có 2% kinh phí trích từ tiền mua nhà của người dân để duy trì, bảo dưỡng tòa nhà, nhưng không hiểu tại sao, nhiều đơn vị quản lý không sử dụng để sửa chữa thang máy” – Luật sư Nguyễn Thanh Tùng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết.
Đó chỉ là hai trong số nhiều câu chuyện về tình trạng mất an toàn thang máy chung cư trên địa bàn Hà Nội. Vì lợi nhuận, sợ tốn kém cho chi phí bảo trì, bảo hành, nhiều ban quản lý tòa nhà “đắp chiếu” thang máy hỏng, để mặc bà con kêu cứu...
Bỏ quên công tác bảo trì, bảo dưỡng
Bảo trì, bảo dưỡng là việc quan trọng nhằm phát hiện và khắc phục kịp thời những lỗi kỹ thuật, phòng ngừa các sự cố.
Theo yêu cầu về quản lý và sử dụng thang máy quy định tại phụ lục A TCVN 6395:1998 và điều 3 TCVN 5744:1993, thời hạn bảo trì thang máy cho các tòa nhà cao tầng và chung cư là không quá 02 tháng/lần. Bảo trì phải do một đơn vị có chuyên môn thực hiện, có giấy phép Nhà nước và được nhà sản xuất ủy quyền.
Quy định là vậy, nhưng thực tế không phải đơn vị nào cũng tuân thủ. “Chế độ thay dầu hộp số, thay mỡ trục động cơ, vệ sinh thang máy gần như bị bỏ quên. Bụi và rác rơi vào đường cáp, lâu ngày sẽ làm mòn cáp thang, khiến thang vân hành không ổn định, dễ bị rung lắc. Nguy cơ số một là thang có thể tuôt cáp, dẫn đến rơi tự do” - Anh Nguyễn Văn Tuấn, một chuyên gia về thang máy cho biết.
Không bảo trì định kỳ đã đành, khi bảo trì, duy tu nhiều ban quản lý lại thuê các đơn vị bảo trì không đủ năng lực chuyên môn, uy tín. Không hiếm tình trạng nhân viên bảo trì sử dụng các bo mạch, thiết bị, linh kiện, hàng nhái giá rẻ thay vì sử dụng phụ tùng chính hãng. Tệ hơn là đấu tắt mạch an toàn khiến thang máy trở thành “cái bẫy” cho người sử dụng.
Tắc trách trong việc kiểm định thang máy chung cư
Theo thông tư 32/2011/TT-BLĐTBXH ngày 14/11/2011 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thang máy được đưa vào danh mục các loại thiết bị, máy móc, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, bắt buộc phải kiểm định để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người sử dụng. Kiểm định thang máy được thực hiện bởi các đơn vị được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động.
Nghị định số 95/2013NĐ-CP ban hành ngày 22/08/2013 đã quy định mức xử phạt đối với các trường hợp chủ sở hữu thang máy không thực hiện kiểm định là: từ 1 triệu đến 3 triệu, từ 3 triệu đến 5 triệu, cao nhất từ 50 triệu đến 70 triệu nếu cố tình đưa thang máy không đủ điều kiện an toàn vào sử dụng.
Thang máy chung cư được kiểm định lần đầu khi vừa hoàn thành lắp đặt để đánh giá chính xác về chất lượng, đảm bảo đạt điều kiện an toàn nhất để đưa vào sử dụng. Sau khi được cấp phép sử dụng, thang máy phải được kiểm định định kỳ với thời hạn 03 năm/lần. Ngoài ra nếu quá trình sử dụng phát sinh vấn đề về kỹ thuật thì cũng cần được kiểm định. Đơn vị kiểm định sẽ tiến hành đánh giá tình trạng, đưa ra phương án khắc phục trong thời gian ngắn nhất.
Việc kiểm định thang máy đúng quy định sẽ bảo đảm an toàn thang máy cho cư dân (Ảnh mình họa)
Thực tế, công tác kiểm định, thẩm định sự an toàn của thang máy chung cư hiện nay rất lỏng lẻo. Nhiều thang máy gần chục năm đi vào sử dụng vẫn chưa một lần được cơ quan có thẩm quyền kiểm định “hỏi thăm”.
Tính trung thực, khách quan trong công tác kiểm tra, kiểm định an toàn thang máy cũng cần đặt nghi vấn. “Rất nhiều thang máy chung cư không đạt chất lượng nhưng công tác kiểm định không phát hiện ra. Chỉ làm cho có hay là móc nối ăn chia với nhà thầu để qua mặt người tiêu dùng? Hai bên đều có lợi, kết quả chỉ có người dùng thang đón nhận rủi ro” - Một cán bộ tại một trung tâm kiểm định kỹ thuật an toàn ở Hà Nội cho biết.
Sự cố thang máy - Ai chịu trách nhiệm?
Trên thực tế, mỗi năm xảy ra hàng chục vụ tai nạn từ thang máy nhưng nguyên nhân ra sao, ai chịu trách nhiệm hầu như không được nhắc tới vì những lý do nào đó. Tại một số tòa nhà chung cư khi bắt đầu hết thời kỳ bảo hành thì một loạt sự cố mới diễn ra. Công ty cung cấp lắp đăt, bảo trì đều phủi trách nhiệm, chủ đầu tư và ban quản lý tòa nhà “lắc đầu” vì không có kinh phí.
Nhưng điều rõ ràng nhất là thang máy là một bộ phận của công trình xây dựng mà chủ đầu tư là người chịu trách nhiệm về mọi hạng mục thi công. Do vậy, khi xảy ra sự cố thang máy, trước khi điều tra làm rõ nguyên nhân để quy trách nhiệm cụ thể thì doanh nghiệp trực tiếp quản lý, vận hành thang máy phải đứng ra chịu trách nhiệm đền bù cho người bị hại và sửa chữa thang máy. “Theo quy định tại khoản 3 điều 623 của Bộ luật Dân sự thì chủ tài sản hoặc người quản lý hợp pháp thang máy phải có trách nhiệm đặc biệt trong việc bảo vệ, ngăn chặn nguy cơ tai nạn do tài sản của mình gây ra; phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại”- Luật sư Nguyễn Thanh Tùng, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.