"Cháu muốn nhận cáo trạng"
Ngày đăng : 08:53, 29/01/2018
Tôi từ phòng lãnh đạo bước ra đụng ngay thằng bé. Nó hớt hải:
- Cháu chào cô ạ.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Cháu đến đây làm gì?
Nó rụt rè: - Cô ơi, cháu lên nhận cáo trạng ạ.
Tôi nhíu mày, chưa hiểu ý nó thì nó nhanh nhảu giải thích:
- Cháu thấy thằng Thăng, thằng Tiến lên nhận cáo trạng, thế là cháu cũng lên.
Lúc này tôi mới vỡ lẽ, phì cười:
- Thế cháu cũng muốn nhận cáo trạng à?
Đến lượt nó ngơ ngác. Tôi hỏi tiếp:
- Cháu cũng muốn bị truy tố à? Muốn đi tù đúng không?
Nghe tôi hỏi, thằng bé mặt nghệt ra trông đến tội, nó ấp úng:
- Cháu cứ tưởng phải lên nhận cáo trạng như thằng Thăng, thằng Tiến chứ.
Tôi gọi nó vào phòng và giải thích: Cháu cùng các bạn trộm cắp tài sản của nhà bác cháu. Trong vụ án này cháu là người khởi xướng, là người trực tiếp lấy tài sản và mang đi tiêu thụ. Số tiền có được cháu cũng là người tiêu nhiều nhất. Nhưng rất may cho cháu đây là vụ án ít nghiêm trọng mà cháu chưa tròn 16 tuổi nên mới không bị xử lý hình sự đấy. Hai đứa bạn cháu mặc dù vai trò thứ yếu nhưng đều đủ tuổi rồi nên bị khởi tố, điều tra và tới đây sẽ bị đưa ra xét xử…”
Tôi giải thích cho nó một hồi và khuyên nhủ nó phải tu chí học hành, thời gian rỗi rãi thay vì đi đánh điện tử thì phụ giúp bố mẹ việc nhà. “Cháu thấy không, chính vì cháu bỏ bê việc học hành, ham chơi điện tử, ai lại đánh điện tử thâu đêm suốt sáng như vậy chứ? Rồi toàn chơi những trò phải mất tiền thành ra túng thiếu mới phát sinh ra cơ sự này….”
Ảnh minh họa |
Tôi phân tích cho nó một hồi về tác hại của điện tử, về việc không tu chí học hành sau này sẽ khổ như thế nào…. Cuối cùng tôi chốt lại: Rất may là cháu chưa đến tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự. Nhưng nếu cháu vẫn không chịu tu chí, không từ bỏ con đường cũ thì cô nghĩ sớm muộn cánh cửa nhà tù cũng mở ra với cháu thôi. Cháu hiểu không?
Thằng bé cúi đầu vâng dạ. Rồi nó khẳng khái nói: Cháu không nghĩ là mình trộm cắp đâu cô ạ. Cháu nghĩ cũng giống như mọi lần, mỗi lần cháu lấy tài sản của nhà các bác cháu thì bố cháu lại đi chuộc về thế là xong. Không ngờ lần này bác cháu lại “chơi” cháu một vố đau như vậy.
Nghe nó nói tôi lại nhớ đến hôm xảy ra sự việc. Nhận được tin báo của cơ quan điều tra, sếp phân công cho tôi thụ lý kiểm sát. Tôi sang Công an nhìn thấy ba đứa nó. Đứa nào, đứa đấy mặt mũi hốc hác, xanh xao do bị mất ngủ nhiều ngày. Tôi vừa giận, vừa thương. Nó ít tuổi nhất trong hội nhưng lại là đứa khởi xướng và thực hành tích cực. Nam – Điều tra viên nói với tôi: Mấy cậu ấm đấy chị ạ. Đây không phải là vụ đầu tiên đâu. Lần này chắc là gia đình không chịu được nên mới báo. Em cho lấy lời khai hết rồi. Bố nó vừa ra ngoài, đi đâu đó, tí quay lại.
Thằng bé nhìn tôi lí nhí chào. Tôi hỏi: “Cháu bao nhiêu tuổi? Thực hiện hành vi như thế nào?”. Thế là cu cậu vanh vách kể: “Chúng cháu đi đánh điện tử suốt mấy hôm nay. Đến trưa nay thì hết tiền nhưng vì đang thua nên cay cú, chủ quán lại không cho chơi nợ. Cháu liền nghĩ cách xoay tiền. Thế là cháu rủ hai thằng này – Thằng bé chỉ vào hai đứa bạn bên cạnh - vào nhà bác cháu bê cái ti vi bác cháu vừa mua mang đi bán.
Được cái cu cậu thật thà, thuật lại mọi chuyện không giấu giếm. Lúc sau thì bố nó vào, có cả mẹ nó đi cùng. Vừa nhìn thấy nó, mẹ nó đã bù lu, bù loa: Ối con ơi, nhục mặt chưa? Cứ ham điện tử cho lắm vào. Mà ở nhà cũng có mạng sao con không chơi, ra quán làm gì? Chỉ vì cái ti vi mà bác mày cho mày đi tù rồi.
Nghe chị ta nói tôi biết ngay chị này là người nuông chiều và bênh con thái quá. Có lẽ chính vì sự nuông chiều này dẫn đến việc thằng bé hư hỏng. Rồi chị quay sang chào tôi: Chị chào em. Cháu nó còn nhỏ em biết đấy. Các em xem xét mà tha cho nó. Nó còn dại lắm em ạ.
Không để tôi nói, chị ta lại xít xoa thằng bé:
-Mẹ đi tìm con suốt mấy hôm nay. Thế con đánh điện tử ở đâu? Mấy hôm nay chắc không ăn uống gì hả? Tội nghiệp quá! Mặt mũi xanh xao, vàng vọt hết cả rồi.
Chị ta lại quay sang tôi tìm sự thông cảm: Con dại cái mang em ạ. Em chắc còn trẻ, con còn nhỏ nên em chưa biết đấy thôi. Nó đang ở độ tuổi ham chơi. Qua được cái tuổi này là đỡ ngay thôi mà. Các bác nó không thương nó thì thôi vậy mà còn hại nó….
- Cô im đi – Anh chồng lúc này lớn tiếng quát nạt – Cô nói mà không biết suy nghĩ. Nuông chiều con cho lắm vào. Không dạy nó đi vài tuổi nữa nó không chỉ trộm cắp mà còn giết người, cướp của chẳng chơi đâu.
- Anh im đi thì có – Chị ta lập tức quát lại – Anh là bố kiểu gì vậy? Không thương con thì thôi mà còn nhiếc móc nó.
Chị lại quay sang thằng bé: Đấy, chỉ có mẹ là thương con thôi. Lần này thì chừa hẳn con nhé. Đừng bao giờ ra quán đánh điện tử nữa nghe chưa? Không có tiền thì xin mẹ, mẹ cho. Trộm cắp người ta khinh cho, rồi tù tội thì khổ con ạ.
Thằng bé lí nhí nói: Nhưng con gọi cho mẹ, mẹ có nghe máy đâu?
- Ừ thì lúc đó mẹ bận. Sao con không gọi lại?
- Con gọi lại mà. Nhưng máy của mẹ không liên lạc được.
- Thấy chưa? Đú đớn cho lắm vào – Anh chồng lại to tiếng – Quan tâm gì đến con đâu mà còn bầy chuyện
- Anh biết gì mà nói – Chị vợ đanh đá – Lúc đó chắc tôi mải nói chuyện với đối tác. Thế anh ở đâu mà con đi vài ngày anh cũng không biết?
- Tôi….
Anh chồng đang định nói thì điều tra viên Nam cắt lời:
- Đề nghị anh chị không cãi vã ở đây. Có chuyện gì thì về nhà. Hôm nay, chúng tôi mời anh chị lên đây vì anh chị là bố mẹ của cháu Tuấn Anh. Trưa nay, khoảng 11 giờ cháu Tuấn Anh cùng cháu Thăng, cháu Tiến cạy cửa, đột nhập vào nhà chị Ngà trộm cắp 01 cái ti vi Sam sung 48 ins. Hiện nay, chúng tôi đã thu được tang vật….
…..
Sau buổi làm việc hôm đó, tôi còn gặp Tuấn Anh vài lần ở những lần lấy lời khai. Tôi thấy cậu bé rõ hiền, mặt mũi sáng sủa. Vì Tuấn Anh ở độ tuổi vị thành niên nên lần nào lấy lời khai cũng có bố hoặc mẹ đi cùng. Tôi có dịp tiếp xúc với bố mẹ thằng bé. Mỗi khi kết thúc buổi làm việc, tôi đều hỏi han về tình hình của Tuấn Anh ở nhà dạo này có tiến bộ không? Thằng bé còn ra quán điện tử nữa không? Bố và mẹ nó mỗi người nói một phách. Bố thằng bé kể: “Khổ lắm cô ạ. Nhà có một mình nó nên ai cũng nuông chiều. Tôi cũng mải làm ăn buôn bán, thằng bé chủ yếu ở nhà với ông bà nội. Nó bắt nạt ông bà già nên sểnh ra là nó đi chơi. Còn mẹ nó thì… Anh ta ngập ngừng - Nói ra thì bảo nói xấu vợ. Cô ta đi suốt ngày. Làm ăn thì ít mà chủ yếu đi mua sắm, tụ vạ, làm đẹp. Có quan tâm gì đến thằng bé đâu. Đã vậy ai nói hoặc kêu ca gì về nó thì cô ta cứ bênh chầm chập…”
- Anh ạ - Tôi nhẹ nhàng nói – Tôi rất thông cảm với gia đình. Như anh thấy đấy: Gia đình nào bây giờ chẳng ít con nhưng xã hội ngày nay rất phức tạp, các cháu còn nhỏ dại nếu không được uốn nắn kịp thời dễ hư hỏng. Hôm nay thì trộm cắp của gia đình, người thân nhưng ngày mai ai dám chắc được các cháu không ra ngoài xã hội trộm cắp. Vậy nên, anh chị cần quan tâm, dạy dỗ cháu hơn nữa.
- Tôi biết mà – Bố thằng bé gãi đầu – Rất cảm ơn cô. Tôi sẽ chú ý đến cháu. Từ hôm xảy ra sự việc, không giấu gì cô, tôi cũng rất sợ không dạy dỗ cẩn thận cháu nó sẽ sa ngã nên tôi đang chuyển hướng làm ăn. Tôi định sẽ tìm một việc gì đó phù hợp để làm, vừa có thu nhập, vừa không phải xa nhà để quán lý cháu. Tôi thực sự cảm ơn các cô.
Gặp mẹ thằng bé, vẫn những câu chuyện hỏi han như thế nhưng dưới góc độ là phụ nữ nên chúng tôi nói chuyện cũng dễ hơn. Chị ta cũng kể lể về việc chị ta thương con như thế nào? Thằng bé vốn yếu ớt nên chị ta chăm sóc nó ra sao? Đau xót như nào khi nó bị mọi người la mắng.
…..
- Cô ơi – Thằng bé gọi làm tôi giật mình, quay trở lại câu chuyện với nó - Cháu hứa với cô đây là lần cuối cùng cháu gặp cô ở đây. Sẽ không có lần sau đâu cô ạ. Cháu sẽ ngoan và không đánh điện tử nữa, cũng không trộm cắp nữa.
Tôi nhìn nó nghiêm khắc: Thật không? Cháu có dám chắc điều đó không đấy?
Nó cười thẹn thùng nhưng giọng rất rắn rỏi: Cháu xin hứa thật mà. Những gì cô nói cháu đều đã hiểu. Hơn nữa, nghe thằng Thăng, thằng Tiến kể những ngày chúng nó bị tạm giữ trong Công an cháu thấy sợ lắm. Cháu chừa rồi. Cháu cảm ơn cô ạ. Cháu về đây ạ.
Tôi âu yếm nhìn nó: Ừ, cháu về đi. Nhớ giữ lời hứa nhé và phải chịu khó học tập nghe chưa?
- Dạ, vâng ạ.
Thằng bé gật đầu và đi ra khỏi phòng. Tôi nhìn theo nó. Thằng bé gầy, dong dỏng cao. Dáng nó xa dần và khuất hẳn. Ngoài trời, nắng vàng rực rỡ. Lạ thật, giữa mùa đông mà nắng đẹp đến thế!
Trần Thị Hương Thảo
VKSND thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa