Kẻ xúc phạm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và U23 Việt Nam sẽ bị xử lý như thế nào?

Ngày đăng : 08:42, 27/01/2018

Việc Daniel Hauer sử dụng những lời lẽ khiếm nhã để xúc phạm Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng như U23 Việt Nam không những vi phạm về đạo đức mà còn là hành vi phạm tội theo quy định của pháp luật. 

Việc Daniel Hauer sử dụng những lời lẽ khiếm nhã để xúc phạm Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng như U23 Việt Nam không những vi phạm về đạo đức mà còn là hành vi phạm tội theo quy định của pháp luật. 

Theo đó, Daniel Hauer - một người nước ngoài đang giảng dạy tiếng Anh ở các cơ sở giáo dục Việt Nam đã mỉa mai cách chia sẻ niềm vui chiến thắng của người nước ngoài khi người này nói rằng “nếu U23 Việt Nam vô địch U23 Châu Á, ông ta sẽ xăm hình lá cờ Việt Nam lên ngực nơi gần trái tim để ăn mừng”. Không những thế, Daniel còn có những lời lẽ cực kì khiếm nhã và thiếu tôn trọng Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng như đội tuyển U23 Việt Nam, khiến nhiều người Việt bức xúc, lên tiếng.

Trao đổi với Lao Động, LS Nguyễn Anh Thơm, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho rằng những lời bình luận khiếm nhã nói về U23 Việt Nam và đại tướng Võ Nguyên Giáp của Daniel Hauer đã xúc phạm đến những biểu tượng tiêu biểu trong đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc Việt Nam. Hành vi đó không những đi ngược lại những giá trị đạo đức mà còn vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam.

“Dù là công dân nước ngoài nhưng Daniel Hauer đang sinh sống, làm việc trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam thì phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, phong tục tập quán, lối sống của cộng đồng xã hội. Ở nước Việt Nam, Nhà nước tôn trọng quyền tự do ngôn luận, biểu đạt các quan điểm các quan điểm cá nhân về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Nhưng việc bày tỏ các quan điểm cá nhân phải trong khuôn khổ pháp luật, không được làm ảnh hưởng đến lợi ích của cá nhân, tổ chức và xã hội", LS Thơm cho biết.

Cũng theo luật sư, tùy theo tính chất mức độ, động cơ vi phạm, sự nhận thức về pháp luật Việt Nam, Daniel Hauer có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 288 Bộ luật hình sự 2015. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng - 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng - 3 năm.

Ngoài ra, hành vi này cũng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm c, khoản 5, Điều 65, Nghị định 174/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Cụ thể, Điều 65 quy định, phạt tiền từ 70.000.000 đồng - 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Được biết, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa có công văn mời giáo viên tiếng Anh Daniel Hauer  đến làm việc về nội dung liên quan tới hoạt động đăng tải thông tin vi phạm pháp luật trên mạng xã hội Facebook.

Dung Hà/VNexpress