Tìm việc: Đừng để tiền mất tật mang

Ngày đăng : 14:06, 24/01/2018

(Kiemsat.vn) - Những năm gần đây, xuất phát từ thực tế, các cơ quan Nhà nước đã bão hòa về nhân sự, không có nhu cầu tuyển dụng mới, trong khi hàng năm có một lượng lớn sinh viên tốt nghiệp. Đánh vào tâm lý cần có việc làm, nhiều đối tượng đã mạo danh mình là con cháu của các vị lãnh đạo hoặc có mối quan hệ rộng với ông này, bà nọ để lừa đảo xin việc, chạy việc.

Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới…

Như báo zing..vn đăng tải, sáng ngày 20/9/2017, TAND tỉnh Gia Lai đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Vũ Thị Thanh (44 tuổi, trú tại Yên Thế, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Theo cáo trạng của VKS, từ tháng 2/2014 đến tháng 6/2015, Vũ Thị Thanh (44 tuổi, trú phường Yên Thế, thành phố Pleiku, Gia Lai) lợi dụng nhu cầu của các bị hại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức nhận tiền xin việc. Thanh "nổ" mình có anh rể làm Trưởng Phòng tổ chức cán bộ (Ban tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai) và có khả năng xin việc vào các cơ quan như bệnh viện, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nguyên (E20) - Bộ Công an, Cảng hàng không Pleiku... Tin tưởng vào những điều Thanh nói, nhiều người đã tìm đến gặp bị cáo đưa tiền để nhờ xin việc… Cùng với đó, Thanh còn lừa 2 người khác chuyển nhượng đất đai cho mình, sau đó bán đất mà không hoàn lại số tiền cho các bị hại.

Bị cáo Thanh tại phiên tòa (ảnh nguồn internet)

Bằng những chiêu thức trên, Thanh đã lừa đảo 20 bị hại với số tiền gần 4 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền Thanh sử dụng để tiêu xài cá nhân rồi bỏ trốn. Đến ngày 21/6/2015, Vũ Thị Thanh bị bắt khi đang lẩn trốn tại Hà Nội. HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Thanh 16 năm tù giam, đồng thời yêu cầu bị cáo hoàn trả số tiền đã lừa đảo cho 20 bị hại.

10 tỷ đồng… và lời hứa “gió bay”

Như ANTV đưa tin, ngày 30/8, CQĐT công an TP. Tuyên Quang đã khởi tố 2 đối tượng về hành vi "Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”. Dùng mác là giáo viên Hạnh cùng Loan đã hứa hẹn với các nạn nhân để nhận tiền cùng hồ sơ xin việc. Người bị hại không chỉ riêng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang mà còn ở các tỉnh lân cận. Đến nay đã có gần 60 người bị hại với số tiền chiếm đoạt trên 10 tỷ đồng.  Loan đã bị bắt tạm giam, còn đối tượng Hạnh được cho tại ngoại cấm đi khỏi nơi cư trú vì đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.

Tại CQĐT, đối tượng Hoàng Thu Hạnh khai nhận: "Nói chung người dân người ta tin bởi vì mình là giáo viên, vấn đề thứ 2 là tất cả những trường hợp đưa cho chị Loan hoàn toàn là đưa đi học việc hoặc là xin việc là do chị Loan còn mình chỉ nhận hồ sơ, nhận tiền chuyển cho chị Loan thôi, mình rất là ân hận vì sự sai trái của mình và cảm thấy hối hận, cũng xin lỗi đến những người bị hại đã tin tưởng tôi là giáo viên để đưa hồ sơ đến cho mình". Hiện vụ việc vẫn đang được CQĐT.TP Tuyên Quang tiếp tục điều tra mở rộng và cũng chưa thể thống kê hết trên thực tế còn bao nhiêu người dân là nạn nhân của chiêu trò lừa đảo này

Tìm việc, hãy tỉnh táo, đừng để “tiền mất tật mang”

Theo đánh giá của cơ quan điều tra, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo xin việc làm không có gì mới, song vì nhu cầu việc làm, các nạn nhân trong vụ án đã tin tưởng vào những lời hứa hẹn của các đối tượng đưa ra. Thậm chí, nhiều trường hợp mặc dù công việc chưa có kết quả nhưng bị hại vẫn nhiệt tình giới thiệu thêm nhiều trường hợp khác, khiến nhiều người cùng sập bẫy.

Hành vi phạm tội của các đối tượng này đều được thực hiện dưới hình thức nhận hồ sơ xin việc làm và xin học vào các trường của lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, ngay sau khi nhận tiền đặt cọc hoặc trọn gói của bị hại, các đối tượng đã không thực hiện như đã hứa mà chiếm đoạt tiền để sử dụng vào mục đích cá nhân. Một số đối tượng khác sau nhiều lần hứa hão, khất lần trả lại tiền đã bỏ trốn khỏi địa phương, gây khó khăn cho công tác điều tra.

Quá trình điều tra, xác minh thủ đoạn của các đối tượng này cũng rất khó khăn, bởi quá trình trao đổi, thỏa thuận chỉ là giao dịch dân sự, đối tượng rất cảnh giác khi giao nhận tiền, chỉ ghi là vay mượn để sử dụng mục đích cá nhân, hoặc chỉ viết giấy nhận nợ để “lách luật” khi bị cơ quan chức năng vào cuộc điều tra.

Về phía các bị hại, một phần do xấu hổ với đồng nghiệp, bạn bè, phần nữa tâm lý đòi lại được tiền cũng khó nên đã im lặng, không tố giác tội phạm và đây là kẽ hở để các đối tượng tiếp tục tìm những bị hại khác để lừa đảo... Để giảm thiểu thiệt hại do loại tội phạm này gây ra, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần tỉnh táo trước chiêu lừa “chạy việc” để chiếm đoạt tài sản của một số đối tượng đục nước, béo cò. 

Theo quy định hiện hành, khi có kế hoạch tuyển dụng, các cơ quan sẽ phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Do đó, mỗi người dân khi có nhu cầu về việc làm cho thân nhân của mình, cần liên hệ trực tiếp với các đơn vị tuyển dụng để có thông tin chính xác nhất, tránh tình trạng tiền mất mà việc vẫn không xin được.

 

Anh Minh (tổng hợp)