Ngành Nội chính Đảng: Tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ điều tra, xử lý vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế

Ngày đăng : 16:38, 19/01/2018

Sáng 18-01-2018, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng năm 2017, phương hướng, nhiệm vụ năm 2018. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thành viên Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Sáng 18-01-2018, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng năm 2017, phương hướng, nhiệm vụ năm 2018. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thành viên Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: Đặng Phước)

Cùng dự có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Sơn Minh Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; các đồng chí Bí thư, các đồng chí Thường trực tỉnh ủy, thành ủy; ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy; đại biểu đại diện các cơ quan đầu mối tham mưu, giúp việc trong công tác phòng, chống tham nhũng tại Ban cán sự đảng ở các cơ quan Trung ương cùng lãnh đạo, chuyên viên các Vụ, đơn vị thuộc Ban Nội chính Trung ương, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.

Các đồng chí: Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương; Phạm Gia Túc, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương đồng chủ trì Hội nghị.

Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2017, Ban Nội chính Trung ương và các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình công tác, đạt được những kết quả nổi bật như sau:

Thực hiện khá tốt việc tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo và các tỉnh ủy, thành ủy ban hành nhiều chủ trương, giải pháp về nội chính, phòng, chống tham nhũng (PCTN) và tổ chức triển khai thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về nội chính và PCTN. Ban Nội chính Trung ương đã nghiên cứu, xây dựng trình Ban Chỉ đạo ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo và Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo; xây dựng, trình Ban Chỉ đạo Đề án kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị đầu mối tham mưu, giúp việc về công tác PCTN cho cấp ủy, tổ chức Đảng ở Trung ương; đang tích cực triển khai xây dựng 06 Đề án lớn trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tổ chức nghiên cứu 04 đề tài, đề án khoa học; tổ chức nhiều Hội nghị, Hội thảo về công tác nội chính và PCTN để nâng cao chất lượng công tác tham mưu, đề xuất.

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thành viên Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát biểu chỉ đạo (Ảnh: Đặng Phước)

Trong năm, Ban Nội chính Trung ương đã xây dựng 80 báo cáo gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo để tham mưu, đề xuất các vấn đề về nội chính và PCTN; các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy tham mưu cho cấp ủy xây dựng, ban hành 1.513 nghị quyết, chỉ thị, kết luận, kế hoạch, chương trình hành động; tổ chức sơ kết, tổng kết một số quy định của Đảng, Nhà nước về nội chính và PCTN. Ban nội chính các tỉnh: Đồng Nai, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Trà Vinh, TP Hồ Chí Minh, Lào Cai… là những đơn vị tham mưu cấp ủy ban hành nhiều văn bản chỉ đạo.

Chủ động theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát và tham mưu cấp ủy tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về nội chính và PCTN. Ban Nội chính Trung ương đã chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tốt Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương đã trực tiếp làm việc với một số tỉnh ủy, thành ủy để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp đẩy nhanh tiến độ xử lý nhiều vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý; tổ chức tọa đàm, rút kinh nghiệm về nghiệp vụ cho 07 tỉnh miền Đông Nam bộ.

Các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã tham mưu, giúp tỉnh ủy, thành ủy tăng cường kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế; tham mưu kiểm tra, đôn đốc 192 cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan nội chính; kiểm tra, giám sát đối với 706 cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan nội chính; ban hành 2.284 văn bản hướng dẫn, đôn đốc về công tác nội chính và PCTN; rà soát 12.285 kết luận thanh tra kinh tế - xã hội; tham mưu, đề xuất cấp ủy chủ trì hoặc trực tiếp chủ trì tổ chức 136 hội nghị tập huấn, lớp bồi dưỡng kiến thức về nội chính và PCTN. Ban nội chính các tỉnh Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Phú Yên, Điện Biên, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bắc Kạn, Đắk Nông, Vĩnh Phúc, Đắk Lắk… là những đơn vị tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, giám sát và thực hiện khá tốt nhiệm vụ này.

Các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tham mưu, đề xuất chủ trương, định hướng xử lý các vụ việc, vụ án theo quy định. Năm 2017, đã chủ động tham mưu, đề xuất đưa thêm 333 vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm vào diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý; tích cực tham mưu, đề xuất cấp ủy cho chủ trương, định hướng chỉ đạo xử lý dứt điểm 229 vụ việc, vụ án thuộc diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý, 114/168 vụ án, vụ việc được Ban Chỉ đạo Trung ương giao. Nhiều ban nội chính đã làm tốt công tác này, như: Thái Nguyên, Bắc Giang, Cao Bằng, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Trị, Quảng Bình, Bình Định, Đắk Nông, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Tháp, An Giang…

Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu kết luận Hội nghị (Ảnh Đặng Phước)

Thực hiện tốt nhiệm vụ Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh, thành phố. Đã hoàn thành tốt việc tham mưu Ban Chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo và Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo; tham mưu, chuẩn bị chu đáo, có chất lượng nội dung, tài liệu phục vụ 2 phiên họp của Ban Chỉ đạo và 2 cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo; theo dõi, đôn đốc, tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo kết quả thực hiện các nội dung Kết luận của Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo. Điểm nổi bật là, đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng Trung ương tham mưu có hiệu quả với Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử 43 vụ án, 21 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; chủ trì tổ chức 15 cuộc họp, tham dự 40 cuộc họp liên ngành để tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là trong giám định, định giá tài sản, đặc biệt là Ban Nội chính Trung ương đã chủ trì Cuộc họp liên ngành các cơ quan Trung ương và địa phương để bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giám định tư pháp trong một số vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng để đẩy nhanh tiến độ giải quyết theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo. Tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo triển khai 08 Đoàn kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế tại 20 địa phương, đưa ra 55 nhóm kiến nghị; kiến nghị đôn đốc, theo dõi, chỉ đạo xử lý 157 vụ việc, vụ án...

Chất lượng công tác thẩm định, tham gia ý kiến đối với các đề án, văn bản quan trọng về nội chính và PCTN được nâng lên. Tích cực, chủ động theo dõi, nắm tình hình, kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu cấp ủy chỉ đạo xử lý có hiệu quả những vấn đề nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, khiếu kiện đông người. Tham gia về công tác cán bộ được thực hiện có nền nếp. Mở rộng, tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng. Tích cực, chủ động nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về PCTN...

Các đại biểu dự Hội nghị đã tập trung trao đổi, thảo luận, làm rõ một số nội dung như: Kết quả hoạt động nổi bật của ngành Nội chính Đảng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ; những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân; những bài học kinh nghiệm rút ra qua gần 05 năm hoạt động; công tác trọng tâm năm 2018; kiến nghị, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ban thường vụ, thường trực các tỉnh ủy, thành ủy để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của ngành Nội chính Đảng; kiến nghị, đề xuất với các cơ quan nội chính Trung ương trong việc hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ về nội chính và PCTN...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thành viên Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đánh giá năm 2017, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp chỉ đạo, điều hành để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đạt được những thành tựu rất quan trọng. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và PCTN đã có bước chuyển biến mạnh mẽ và đạt được những kết quả rất quan trọng. Trong thành tích chung đó có sự đóng góp tích cực của ngành Nội chính Đảng với vai trò là cơ quan tham mưu của Đảng về công tác nội chính và PCTN. Ngành Nội chính Đảng đã tích cực, chủ động, nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Năm 2018, dự báo tình hình thế giới và trong nước sẽ đặt ra những yêu cầu và trách nhiệm nặng nề đối với ngành Nội chính Đảng, đồng chí Trần Quốc Vượng lưu ý: (1) Cần làm tốt hơn nữa công tác nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, bảo đảm sự lãnh đạo hiệu quả của Đảng đối với công tác nội chính và PCTN; hoàn thiện thể chế PCTN, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, định hướng về nội chính và PCTN theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; sửa đổi, bổ sung Luật PCTN, Luật tố cáo… Khẩn trương hoàn thành các đề án về công tác nội chính và PCTN, nhất là Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 15 của Bộ Chính trị; các đề án theo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 và Trung ương 6 (khóa XII); các đề án hoàn thành tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Ban Nội chính Trung ương và ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy; chuẩn bị tổng kết Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp. (2) Tập trung tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN và các tỉnh ủy, thành ủy tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra sai phạm; các giải pháp xử lý có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt”; sơ kết 05 năm thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế. (3) Chú trọng nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN và các tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác PCTN tại các địa phương; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp để thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận quan tâm; những vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Chú ý chọn một số vụ án điển hình để rút kinh nghiệm cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo thời gian tới. (4) Thực hiện tốt nhiệm vụ Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp. Chuẩn bị tốt nội dung Hội nghị toàn quốc về công tác PCTN (dự kiến) được tổ chức trong năm 2018. (5) Kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế theo Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về đổi mới, kiện toàn bộ máy hệ thống chính trị có hiệu lực, hiệu quả. Tổ chức tốt việc tiếp nhận Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, sớm ổn định tổ chức, hoạt động có hiệu quả. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức…

Đồng chí Trần Quốc Vượng bày tỏ tin tưởng trong năm 2018, ngành Nội chính Đảng sẽ thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN trân trọng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của tỉnh ủy, thành ủy; sự phối hợp, ủng hộ, giúp đỡ, động viên của các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, của nhân dân và báo chí; mong muốn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, ủng hộ, giúp đỡ nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương trình bày báo cáo (Ảnh: Đặng Phước)

Điểm lại những kết quả nổi bật của ngành Nội chính Đảng năm 2017, đồng chí Trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần nghiêm túc, quyết tâm khắc phục. Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2018, đồng chí đề nghị quán triệt và thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thành viên Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, những định hướng trong báo cáo đã trình bày tại Hội nghị, đồng thời nhấn mạnh một số nhiệm vụ chính sau đây: (1) Chủ động phối hợp, tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và thực hiện đầy đủ các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, nhất là các mục tiêu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội đã đề ra trong các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương; nắm chắc tình hình, tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. (2) Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác nội chính và PCTN. Trong đó tập trung tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm nếu có đối với những dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát kết quả các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và Kiểm toán Nhà nước để phát hiện, kiến nghị xử lý nghiêm các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế... (3) Sâu sát, cụ thể, kiên trì, quyết liệt, kịp thời hơn nữa trong tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; nhất là các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, các vụ án có dấu hiệu oan, sai; đảm bảo nghiêm minh, đúng quy định pháp luật. Trong năm 2018, Ban Nội chính Trung ương tập trung tham mưu chỉ đạo kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 21 vụ án; kết thúc xét xử sơ thẩm 04 vụ án; kết thúc xác minh, xử lý 25 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy tham mưu chỉ đạo xử lý xong các vụ việc, vụ án Ban Chỉ đạo giao, không để kéo dài. (4) Tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo tạo sự chuyển động rõ rệt, tích cực hơn nữa trong công tác PCTN ở địa phương; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết “tham nhũng vặt”. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả thi đua chuyên đề “Phát hiện, tham mưu đề xuất xử lý các vụ việc, vụ án về nội chính và tham nhũng”... Đề nghị mỗi ban nội chính năm 2018 tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý nghiêm từ 2 đến 3 vụ việc về “tham nhũng vặt” và công khai trên báo chí để răn đe, cảnh tỉnh chung. (5) Tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định, tham gia ý kiến với các đề án, văn bản quan trọng; tham gia có hiệu quả với các cơ quan có thẩm quyền về công tác cán bộ; chủ động, sáng tạo hơn nữa để thực hiện tốt nhiệm vụ Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và cấp tỉnh và các nhiệm vụ khác được giao. (6) Tham mưu chỉ đạo, đánh giá kết quả công tác PCTN từ sau Hội nghị toàn quốc về công tác PCTN năm 2014 và từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay. (7) Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức.

Về các kiến nghị, đề xuất được các đại biểu nêu tại Hội nghị, đồng chí Trưởng Ban Nội chính Trung ương giao Vụ chức năng thuộc Ban tổng hợp để nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, giải quyết.

Theo Ban Nội chính Trung ương