Tội giết người, không phải cố ý gây thương tích
Ngày đăng : 16:30, 18/01/2018
Ảnh minh họa |
* Tác giả Cao Văn Huynh, TAQS khu vực 2 Quân Khu 4. Thừa Thiên Huế: K phạm tội giết người
Trong tình huống mà tác giả đưa ra rõ ràng các hành vi của K có cường độ tấn công mạnh với mức độ tấn công liên tục, dù đã được can ngăn tới hai lần nhưng K vẫn cố tình tấn công, mức độ nguy hiểm cao vào những vùng trọng yếu như mặt, đầu của A. Đó là những vị trí xung yếu trên cơ thể của con người.
Đối với V khi ấy có dùng tay đẩy A ra, sau đó thấy K đánh, cũng lao vào đá 2 cái vào phía trước ngực A. Khi thực hiện hành vi không ý thức được hậu quả xảy ra, vì lúc đó K đang thực hiện hành vi một cách hung hăng, liên tục, quyết liệt, V không nhận thức được hậu quả mà K đã thực hiện, mà cũng không tiếp thu hay bàn bạc trước với K, chỉ là thấy vậy nên a dua theo để thực hiện hành vi. Hành động xô đẩy và dùng chân đá vào ngực A của V không phải là nguyên nhân dẫn đến cái chết và hành vi này cũng không làm thúc đẩy nhanh đến cái chết của A. Điều này được thể hiện rõ trong bản kết luận giám định pháp y về tử thi cũng đã xác định nguyên nhân dẫn tới cái chết của A là do chấn thương sọ não. Toàn bộ nguyên nhân là nằm ở vùng đầu, là vùng trọng yếu mà chỉ mình K đã gây ra trước đó. Do đó, hành vi của V chỉ có thể xử phạt về một tội khác nhẹ hơn so với K.
Ở đây cho dù K không có mục đích giết người, nhưng trong quá trình hành động, biết rằng hành vi của mình tất yếu sẽ làm nạn nhân chết, mà vẫn thực hiện, rồi dùng chân tay tấn công vào các vị trí hiểm yếu (đầu, mặt), trong hoàn cảnh gây nguy hiểm cao, dù không mục đích nhưng có ý thức để mặc hậu quả xảy ra, thì vẫn định tội danh là giết người.
* Tác giả Trần Văn Hùng, TAQS Khu vực 1, Quân khu 4: Hành vi của K cần xử lý về tội “Giết người”, còn V không phạm tội.
Thứ nhất, việc dùng tay chân hay các công cụ như dao, kiếm…gây ra hậu quả làm chết người chỉ là những yếu tố để xác định tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong giải quyết vụ án.
Thứ hai, việc xác định mức độ tấn công, cường độ tấn công nhằm phân biệt hai tội danh này là rất quan trọng trọng.
Trong tình huống trên rõ ràng các hành vi của K có mức độ tấn công liên tục, cường độ tấn công mạnh, tuy mọi người can ngăn nhưng K vẫn tấn công điều này thể hiện được hành vi của K là hành vi Giết người. Như vậy, việc căn cứ vào mức độ tấn công nhanh hay chậm, cường độ tấn công mạnh hay yếu để nhằm xác định đâu là hành vi phạm tội Giết người và hành vi Cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người là dấu hiệu quan trọng để nhằm phân biệt hai tội danh này.
Thứ ba, xác định vị trí tác động: Để nhằm phân biệt hai loại tội phạm này trong thực tiễn cần căn cứ vào vị trí tấn công trên cơ thể, có thể xác định các vị trí như vùng đầu, vùng ngực, bụng… đây được xem là những vị trí trọng yếu trên cơ thể. Ngoài ra khi xác định các vị trí trọng yếu của cơ thể con người cần kết hợp với việc xác định các yếu tố khác như cường độ tấn công, mức độ tấn công, hung khí sử dụng….
Trong tình huống này K với mức độ tấn công và cường độ tấn công mạnh và liên tục, tác động vào nhiều vùng khác nhau trên cơ thể đặc biệt là dùng chân đạp vào đầu đây là bộ phận quan trọng trên cơ thể con người mà như trong kết luận giám định nguyên nhân chết là do chấn thương sọ não. Như vậy đây là hành vi giết người.
Thứ tư, trong trường hợp nêu trên V không phải là đồng phạm: Căn cứ theo quy định của BLHS thì đồng phạm của hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người là trường hợp có hai người trở lên (đủ điều kiện của chủ thể của tội phạm) cùng thực hiện hành vi cố ý gây thương tích. Mỗi người tham gia đều biết những người kia cũng có hành vi cố ý gây thương tích như mình.
Trong tình huống nêu trên giữa hai hành vi của K và V độc lập nhau tuy cùng tác động đến một đối tượng là anh A, tuy nhiên việc V có hành vi đá 02 cái vào ngực của A diễn ra sau khi hành vi của K đánh A đã hoàn thành, đồng thời hành vi của V không gây ra hậu quả chết người nên V hoàn toàn không là đồng phạm trong vụ án.
* Tác giả: Dương Văn Hưng, Tòa án Quân sự Khu vực 1 Quân chủng hải quân: K và V đồng phạm tội giết người.
Khi xem xét giữa tội giết người (hoàn thành) và tội cố ý gây thương tích trong trường hợp dẫn đến chết người, nếu vấn đề xác định mục đích phạm tội của người phạm tội gây trở ngại cho quá trình giải quyết vụ án thì cần xét hành vi và vị trí, cường độ tấn công; tương quan lực lượng, hoàn cảnh khi thực hiện hành vi phạm tội; thời gian nạn nhân chết; mối quan hệ nhân quả của hành vi phạm tội... mà người phạm tội thực hiện.
Thứ nhất, nếu người phạm tội không có mục đích giết người nhưng trong quá trình thực hiện biết rằng hành vi của mình tất yếu sẽ làm nạn nhân chết mà vẫn thực hiện. Điều này chúng ta có thể nhận thấy bằng hành vi của K và V trong vụ án như sau:
“Khi K nói: “Sao mày hỗn vậy?” Nói rồi, K vung tay phải đấm vào mặt bên trái A, bị bất ngờ và đau, A ngồi xuống hai tay ôm mặt. Nhóm thanh niên thấy vậy, can ngăn, kéo K ra xa khoảng 5 mét (m), K ngồi xuống bên đường.
Một lúc sau, A đứng dậy chạy tới chỗ K và hỏi: “K ơi, sao mày đánh tao?”.
V thấy vậy thì chạy tới xô A bằng 2 tay nhưng A không ngã, nhóm thanh niên lại tới kéo V ra. Trong khi đó, K lại tiếp tục nhảy vào đấm vào mặt trái của A một cái nữa làm A ngã nằm nghiêng xuống đường. K tiếp tục lấy chân phải đạp vào đầu A, nhóm thanh niên tiếp tục kéo K ra thì K lại dùng chân phải đá vào phần trước mặt A một cái nữa. V lại chạy vào đá liên tiếp 02 cái vào ngực A”.
Rõ ràng, trong vụ án K và V buộc phải nhận thức rằng hành vi của mình tất yếu sẽ làm nạn nhân chết nhưng các đối tượng vẫn thực hiện.
Thứ hai, ngay cả việc trước lúc thực hiện hành động các bị can không có mục đích giết người nhưng nếu là sử dụng chân, tay tấn công vào các vị trí hiểm yếu trên cơ thể nạn nhân (trong vụ án các bị can đều đánh, nhảy vào đấm vào mặt trái, đá vào ngực). Hoặc trong điều kiện, hoàn cảnh gây nguy hiểm cao (nạn nhân bị ngã không còn khả năng chống cự vẫn tiếp tục thực hiện hành vi cho tới khi nạn nhân A bị bất tỉnh, mặt mũi ra nhiều máu, 2 thanh niên trong nhóm lấy xe mô tô đưa A đi cấp cứu mới dừng lại ) rõ ràng ta thấy được tính chất nguy hiểm cao của hoàn cảnh mà A bị đánh đập.
Thứ ba, về thời gian A chết là khi 2 thanh niên trong nhóm lấy xe mô tô đưa A đi cấp cứu nhưng A đã tử vong trên đường đi. Rõ ràng, cái chết của nạn nhân A đã xảy ra ngay sau khi các bị can thực hiện hành vi. Điều này đã cho thấy mối quan hệ nhân quả của hành vi phạm tội.
Vì vậy, có thể đi tới khẳng định, hành vi của các bị can đã phạm tội giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.
* Tác giả Lê Thanh Bình, VKSND huyện Phù Mỹ, Bình Định: K và V phạm tội giết người.
Ý thức chủ quan của K không thể hiện rõ bằng lời nói có ý định tước đoạt tính mạng của A hay không nhưng mức độ tấn công của K là liên tục, cường độ tấn công rất mãnh liệt, K tấn công vào những vị trí trọng yếu, quyết định sự sống của A, tuy được mọi người can ngăn nhưng K vẫn tấn công A.
Hơn nữa, tuy K đánh A bằng tay, chân nhưng K đánh vào những chỗ nguy hiểm (đầu), đánh A ngã nghiêng xuống đường, nếu K dừng đánh A lúc này, dù A có chết thì K phạm tôi cố ý gây thương tích dẫn đến chết người (Điểm a Khoản 4 Điều 134 BLHS năm 2015). Thế nhưng, sau khi A bị K ddanhs ngã xuống đường, A không còn khả năng chống đỡ nhưng K vẫn tiếp tục lấy chân đạp vào đầu A, nhóm thanh niên tiếp tục kéo K ra thì K lại dùng chân đá vào phần trước mặt A một cái nữa.
Do V cùng tham gia với K đánh A chết nên K và V đồng phạm tội giết người theo Khoản 2 Điều 123 BLHS năm 2015.
* Tác giả Hồ Nguyễn Quân, TAQS Khu vực 1, Quân khu 4 cho rằng: K phạm tội giết người, V không phạm tội.
Đồng tình với tác giả Thanh Thủy về quan điểm để xác định tội danh trong trường hợp này cần căn cứ vào ý thức chủ quan của người phạm tội, đây là vấn đề mấu chốt để phân biệt giữa tội Giết người (Điều 93 BLHS 1999) và tội Cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người (khoản 3, Điều 104). Tuy nhiên, tác giả cho rằng không thể nói người phạm tội phải cố ý với hành vi giết người và hậu quả chết người mới phạm tội giết người được (cố ý về hành vi và hậu quả), bởi vì tội giết người có cấu thành hình thức nên hậu quả có làm chết người hay không không phải là dấu hiệu bắt buộc, chỉ cần hành vi của người phạm tội có mục đích nhằm làm chấm dứt sự sống của người khác (hay làm cho người khác chết) được xem là phạm tội Giết người.
Trong trường hợp không xác định được ý thức chủ quan của người phạm tội thì hậu quả đến đâu sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự đến đó (theo Kết luận giám định pháp y về tử thi có xác định nguyên nhân chết của A là do Chấn thương sọ não, thái dương đỉnh phải, chẩm phải và thái dương đỉnh trái có các khối sưng nề, trên nền khối sưng nề có bầm tụ máu; tổ chức dưới da và vùng thái dương hai bên bầm tụ máu; tụ máu lan tỏa dưới màng cứng vùng thái dương, đỉnh, chẩm bán cầu đại não hai bên, tụt hạnh nhân tiểu não).
Trong trường hợp này, K là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự chỉ vì cách xưng hô theo K là chưa đúng chuẩn mực của A trong cuộc nhậu (mặc dù nạn nhân đã xin lỗi), nhưng K đã có hành vi “vung tay phải đấm vào mặt bên trái A”, sau khi được cả nhóm can ngăn K lại tiếp tục có hành vi “nhảy vào đấm vào mặt trái của A làm A ngã nằm nghiêng xuống đường. K tiếp tục lấy chân phải đạp vào đầu A, khi nhóm thanh niên tiếp tục kéo K ra thì K lại dùng chân phải đá vào phần trước mặt A một cái nữa…, lỗi của K là lỗi cố ý gián tiếp, K hoàn toàn có thể nhận thức được hậu quả chết người có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn để mặc cho hậu xảy ra, hay nói một cách khác là K chấp nhận hậu quả đó, bởi vì: sau khi nạn nhân ngã nằm nghiêng xuống đường tiếp xúc phần đầu và phần thái dương xuống mặt đường thì K hoàn toàn có thể nhận thức được rằng hành vi tiếp theo của mình có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân, nhưng K vẫn cố tình thực hiện các hành vi tiếp theo bằng cách “đạp vào đầu”, “đá vào mặt” cho nên cũng không thể nói hành vi của K là không mãnh liệt được. Do vậy, hành vi của K trong trường hợp này đã phạm vào tội Giết người theo quy định tại khoản 1 Điều 93 BLHS với tình tiết định khung tăng nặng là Có tính chất côn đồ.
Đối với V, V đã có hành vi “chạy vào đá liên tiếp 02 cái vào ngực A” sau khi A bị K đấm, đá, đạp vào đầu và mặt. V phải biết được hành vi của K là trái pháp luật nhưng vẫn tham gia “đánh hôi” nạn nhân, đáng lẽ ra trong trường hợp này V cũng phải chịu trách nhiệm hình sự cùng với K vì cùng có hành vi là nguyên nhân chung gây nên cái chết cho nạn nhân. Tuy nhiên, theo Kết luận giám định pháp y về tử thi thì hành vi đá không phải là nguyên nhân gây ra cái chết cho nạn nhân. Vì vậy, V không phạm tội Giết người./.