Thủ tướng ký Nghị định cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh
Ngày đăng : 14:36, 16/01/2018
Thông tin được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 ngành Công Thương, sáng 15/1.
Theo đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 08/2018/NĐ-CP sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
Theo Nghị định này, 675 điều kiện đầu tư kinh doanh được cắt giảm theo thuộc 08 lĩnh vực: Xăng dầu, thuốc lá, điện lực, nhượng quyền thương mại, thương mại điện tử, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, lĩnh vực kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý chuyên ngành cùa Bộ Công Thương.
Đánh giá cao những nỗ lực và kết quả của ngành Công Thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ: Ngành Công Thương đã biết gạt bỏ những lợi ích cục bộ, vượt lên chính mình, đồng thời cũng là Bộ tiên phong đi đầu trong việc cắt bỏ các thủ tục hành chính, mà việc đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh là một ví dụ.
Trước đó, tháng 9/2017, sau một thời gian rà soát, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh phê duyệt phương án cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, tức là cắt giảm 55,5% tổng số điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
Đây được xem là động thái tích cực, mạnh mẽ nhất, đầu tiên trong các bộ trong thực hiện cải cách điều kiện kinh doanh. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần biểu dương, đánh giá cao nỗ lực này của Bộ Công Thương.
Tại Nghị quyết 01 năm 2018, Chính phủ đã yêu cầu cải thiện căn bản, tạo chuyển biến mạnh mẽ các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh hiện hành.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, theo thông tin nhận được đến ngày 22/12/2017, mới chỉ có 5 Bộ rà soát và đưa ra phương án cắt giảm, sửa đổi.
Ngoài Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã lên kế hoạch cắt giảm, sửa đổi các điều kiện. Theo đó, trong tổng số 345 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, dự kiến đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện (gồm bãi bỏ 65 và sửa đổi 53 điều kiện), chiếm 34,2%.
Còn Bộ Xây dựng cũng đề xuất bãi bỏ 89 điều kiện (41,3%); đơn giản hóa 94 (43,7%); giữ nguyên 32 điều kiện (15%) tổng số 215 điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã thực hiện rà soát điều kiện kinh doanh, đề xuất cắt giảm, sửa đổi 51 điều kiện kinh doanh (đạt 16%), nhưng chưa có phương án sửa đổi cụ thể đối với các điều kiện kinh doanh sửa đổi.
Đối với 10 Bộ ngành khác (gồm: Tài chính, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Lao động-Thương binh và xã hội, Công an, Quốc phòng, Tư pháp), Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa nhận được thông tin về việc rà soát, đề xuất cắt giảm, sửa đổi điều kiện kinh doanh thuộc trách nhiệm quản lý của các Bộ, ngành này.