7 biện pháp thu thập, tiếp nhận nguồn tin về tội phạm của Cơ quan điều tra VKSQS trung ương
Ngày đăng : 07:44, 12/01/2018
Cơ quan điều tra VKSQS trung ương có trách nhiệm chủ động thu thập, tiếp nhận nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền của mình. Các nguồn tin về tội phạm mà Cơ quan điều tra VKSQS trung ương thu thập, tiếp nhận được quy định tại Điều 143 BLTTHS.
Ảnh minh họa (Internet) |
Cụ thể, 07 biện pháp thu thập, tiếp nhận nguồn tin về tội phạm của Cơ quan điều tra VKSQS trung ương bao gồm:
- Tổ chức công tác trực ban hình sự để tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
- Theo dõi, thu thập tin báo về tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng;
- Phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân để thu thập, tiếp nhận nguồn tin về tội phạm;
- Thực hiện các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật và của ngành Kiểm sát để thu thập, tiếp nhận nguồn tin về tội phạm;
- Lập “Hòm thư tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm” tại trụ sở VKSQS trưng ương;
- Lập “Hộp thư điện tử tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan Điều tra VKSQS trung ương” trên trang thông tin điện tử của ngành KSND;
- Lập, công bố số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ hộp thư điện tử phổ thông trên các phương tiện thông tin đại chúng (kênh truyền hình Quốc phòng, kênh truyền hình ANTV, báo Quân đội nhân dân, báo An ninh Thủ đô, và các cơ quan ngôn luận thuộc ngành Kiểm sát) để tiếp nhận các tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Sau khi đăng ký vào sổ tiếp nhận nguồn tin về tội phạm, Văn phòng Cơ quan điều tra VKSQS trung ương phải nghiên cứu, phân loại, xử lý:
Đối với nguồn tin về tội phạm đã rõ về dấu hiệu tội phạm và thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSQS trung ương thì đề xuất Thủ trưởng Cơ quan điều tra VKSQS trung ương giao Ban điều tra VKSQS trung ương tham mưu đề xuất ra Quyết định phân công Điều tra viên giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và tiến hành kiểm tra, xác minh, đăng ký vào sổ thụ lý nguồn tin về tội phạm để quản lý theo quy định. Các quyết định này phải gửi ngay đến VKSQS trung ương;
Đối với nguồn tin về tội phạm không thuộc thẩm quyền của Cơ quan Điều tra VKSQS trung ương thì để xuất Thủ trưởng Cơ quan Điều tra VKSQS trung ương báo cáo Viện trưởng VKSQS trung ương chuyển ngay đển cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật;
Đối với nguồn tin về tội phạm chưa rõ nội dung, thẩm quyền nhưng có liên quan đến thẩm quyền của Cơ quan Điều tra VKSQS trung ương thì Cơ quan Điều tra VKSQS trung ương trực tiếp hoặc phối hợp với các đơn vị thuộc ngành Kiểm sát khẩn trương kiểm tra nguồn tin về tội phạm theo quy định của pháp luật.
Xem toàn bộ Quy chế tại đây