VKSNDTC hướng dẫn công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án an ninh năm 2018

Ngày đăng : 14:50, 10/01/2018

(Kiemsat.vn) - Ngày 09/01/2018, VKSNDTC ban hành văn bản số 12/HD-VKSTC hướng dẫn Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án an ninh 2018.

Theo đó, VKSNDTC hướng dẫn VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương một số nội dung trọng tâm công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án do Cơ quan An ninh điều tra thụ lý điều tra như sau:

Đối với công tác quản lý tình hình vi phạm, tội phạm

- Xử lý kịp thời các vụ việc an ninh chính trị, an ninh biên giới, dân tộc, tôn giáo, chính sách đối ngoại; các vụ việc lợi dụng mạng internet để tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, xúc phạm lãnh đạo cấp cao; các vụ việc khác về chính trị được dư luận xã hội quan tâm, đảm bảo phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.

- Kịp thời tham mưu cho Cấp ủy, chính quyền địa phương và lãnh đạo VKSND tối cao để chỉ đạo xử lý các vụ việc xâm phạm an ninh quốc gia, vụ việc khác về an ninh, trật tự được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Tăng cường kiến nghị các biện pháp phòng ngừa vi phạm, tội phạm theo quy định của pháp luật.

Đối với công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố

- Viện trưởng VKSND cấp tỉnh tập trung chỉ đạo để nâng cao chất lượng công tác THQCT và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, đảm bảo tuân thủ pháp luật, chống oan sai và bỏ lọt tội phạm trong công tác này. Quản lý đầy đủ số liệu thụ lý, thời hạn và kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc thẩm quyền.

- Tăng cường yêu cầu kiểm tra, xác minh bằng văn bản; kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận, thụ lý, giải quyết của cơ quan có thẩm quyền; kiểm sát căn cứ tạm đình chỉ, phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Tổng hợp vi phạm trong lĩnh vực này để kiến nghị khắc phục. Ngay khi phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu nhưng không được khắc phục, Viện trưởng VKSND phân công Kiểm sát viên trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

- Các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố về an ninh quốc gia hoặc liên quan đến dân tộc, tôn giáo, yếu tố nước ngoài, vụ việc về an ninh được dư luận xã hội quan tâm, phải kịp thời phối hợp với Cơ quan điều tra thống nhất biện pháp giải quyết.

Đối với công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm

- VKSND cấp tỉnh tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 06/12/2013, Chỉ thị số 04/CT-VKSTC ngày 10/7/2015, Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 28/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao; Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 07/7/2007 của Bộ Chính trị và Quy định số 100-QĐ/BCSĐ ngày 12/9/2014 của VKSND tối cao về việc thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW.

- Tăng cường kiểm sát việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tránh oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm. Kiểm sát chặt chẽ việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của Bộ luật TTHS, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, không để xảy ra quá hạn thời hạn tạm giữ, tạm giam. Các quyết định, phê chuẩn của Viện kiểm sát đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật... Đảm bảo việc điều tra của Cơ quan An ninh điều tra đúng thẩm quyền theo quy định của Bộ luật TTHS và Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015; kiên quyết yêu cầu Cơ quan An ninh điều tra chuyển vụ án hoặc Viện kiểm sát ra quyết định chuyển vụ án để điều tra đúng thẩm quyền.

- Hạn chế việc gia hạn thời hạn điều tra, truy tố; giảm tỷ lệ án trả hồ sơ điều tra bổ sung có lỗi của Kiểm sát viên; không để xảy ra trường hợp phải đình chỉ điều tra do bị can không phạm tội hoặc Viện kiểm sát truy tố sau đó Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội. Quản lý chặt chẽ các vụ án tạm đình chỉ điều tra và kịp thời yêu cầu phục hồi điều tra khi có căn cứ; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 02/10/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường trách nhiệm của VKSND trong việc theo dõi, quản lý, giải quyết các vụ án hình sự tạm đình chỉ. Xây dựng hồ sơ kiểm sát đúng quy định tại Quyết định số 590/QĐ-VKSTC-V3 ngày 05/12/2014 của Viện trưởng VKSND tối cao... Các bản cáo trạng phải gửi về Vụ 1 theo đúng quy định của Ngành.

- Tăng cường công tác phối hợp liên ngành tố tụng trong việc giải quyết các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia. Quá trình giải quyết vụ án, phải làm rõ hành vi, động cơ, mục đích phạm tội; thế lực đứng sau chỉ đạo, cung cấp tiền, phương tiện; chủ động yêu cầu giám định tài liệu, thu thập chứng cứ vật chất (tài liệu, dữ liệu điện tử,...) để chứng minh tội phạm; nghiên cứu kỹ hồ sơ, thống nhất việc khởi tố và áp dụng biện pháp ngăn chặn (diện, đối tượng,...). Đối với những vụ án kinh tế, tham nhũng, cần chủ động yêu cầu tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để thu hồi tài sản do phạm tội mà có.

- Đối với các vụ án có yếu tố nước ngoài, cần nghiên cứu, thực hiện và yêu cầu Cơ quan điều tra thực hiện đúng những quy định tại các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, các quy định của pháp luật Việt Nam về việc giải quyết các vụ án có yếu tố nước ngoài, không để xảy ra sai sót, vi phạm dẫn đến khiếu kiện Nhà nước Việt Nam.

- Tăng cường trách nhiệm công tố, nâng cao kỹ năng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử sơ thẩm các vụ án do Cơ quan An ninh điều tra thụ lý điều tra; hạn chế trường hợp Tòa án xét xử khác tội danh truy tố. Trước khi tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Viện (hoặc Viện kiểm sát cấp trên);...

- Đối với các vụ án do VKSND tối cao phân công Viện kiểm sát cấp tỉnh THQCT và KSXXST, Viện kiểm sát cấp tỉnh kịp thời cử Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ khi có thông báo của Vụ 1. Khi Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung, VKSND cấp tỉnh được phân công phải có quan điểm cụ thể bằng văn bản gửi về VKSND tối cao (Vụ 1) nêu rõ căn cứ, sự cần thiết của việc Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo quy định của Bộ luật TTHS và Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT ngày 27/8/2010 của VKSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Công an. Trước và sau khi xét xử vụ án, Viện kiểm sát cấp tỉnh phải gửi thông báo lịch xét xử, kịp thời báo cáo kết quả xét xử sơ thẩm vụ án để VKSND tối cao theo dõi, chỉ đạo.

- Tổng hợp vi phạm trong hoạt động tố tụng của Cơ quan điều tra, Tòa án để kiến nghị, kháng nghị. Thông qua công tác giải quyết án, tăng cường kiến nghị phòng ngừa vi phạm, tội phạm phát sinh trong công tác quản lý Nhà nước, quản lý xã hội.

Ngoài ra, VKSNDTC hướng dẫn Công tác quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra nghiệp vụ đối với Viện kiểm sát cấp huyện; Công tác quản lý, chỉ đạo điều hành; Chế độ thông tin, báo cáo.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị báo cáo kịp thời về VKSND tối cao (Vụ 1) để chỉ đạo giải quyết.    

Xem chi tiết văn bản số 12/HD-VKSTC tại đây.

 Phạm Hằng (giới thiệu)