Bắt buộc đóng BHXH cho hợp đồng lao động 1 tháng - nên có cơ chế "mềm"?
Ngày đăng : 08:49, 10/01/2018
Ảnh minh họa (Internet) |
Theo quy định của Luật BHXH 2014 (thay thế Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006) thì từ ngày 01/01/2018, mở rộng thêm hai nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, đó là người lao động (NLĐ) có hợp đồng lao động (HĐLĐ) từ 1 tháng đến dưới 3 tháng và người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ. Quy định này được cho là sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp và rất khó khả thi.
Quy định mang lại lợi ích cho người lao động
Việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho lao động ngắn hạn dưới 3 tháng là một chính sách của Nhà nước nhằm mở rộng đối tượng được hưởng chính sách an sinh xã hội. Quy định này cũng nhằm hạn chế thực trạng hiện nay là các doanh nghiệp ký hợp đồng dưới 3 tháng để né luật, trốn đóng BHXH cho người lao động.
Hiện nay, có một lượng không nhỏ người lao động có HĐLĐ dưới 3 tháng, quy định mới sẽ giúp nhóm lao động này được tham gia bảo hiểm xã hội, được trợ giúp khi gặp rủi ro như ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản, mất việc làm…
... nhưng có "khó khăn" cho doanh nghiệp
Tuy nhiên, trên thực tế thì tỷ lệ nghỉ việc của lao động có hợp đồng từ 1-3 tháng tương đối cao, đặc biệt là các ngành có đặc thù sử dụng lao động theo mùa vụ như dệt may, giầy dép,... Điều này dẫn đến việc người sử dụng lao động (NSDLĐ) chưa kịp phát sổ bảo hiểm thì NLĐ đã nghỉ việc, doanh nghiệp nợ sổ bảo hiểm, mất thời gian tìm người lao động để trả. Mặt khác, NLĐ ngắn hạn khi đã nghỉ việc cũng không có cơ hội để được hưởng tiếp chế độ bảo hiểm.
Thêm vào đó, từ ngày 01/01/2018, lương tối thiểu tăng, mức đóng BHXH tăng, nay áp dụng thêm đóng bảo hiểm bắt buộc cho lao động ngắn hạn từ 1 đến dưới 3 tháng làm gia tăng chi phí đáng kể. Nhiều doanh nghiệp thực hiện gia công đơn thuần chủ yếu sử dụng lao động ngắn hạn, trong khi đó, thủ tục mở/chốt sổ bảo hiểm mất nhiều thời gian. Nếu các doanh nghiệp này xử lý không tốt rất dễ bị quy là trốn đóng bảo hiểm.
Ảnh minh họa |
Điều 216, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018 quy định về xử lý hình sự đối với tội trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Theo đó, chủ doanh nghiệp không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. Phạm tội 2 lần trở lên sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đến 500 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Tội trốn đóng BHXH từ 1 tỷ đồng trở lên sẽ bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, hoặc bị phạt tù từ 2 đến 7 năm.
Nên có cơ chế riêng đối với những ngành nghề đặc thù?
Liên quan tới vấn đề trên, ông Đỗ Ngọc Thọ, Phó trưởng ban Chính sách bảo hiểm (BHXH Việt Nam) nhận định: "Trên thực tế việc quản lý số đối tượng có hợp đồng lao động từ 1 - 3 tháng đặt ra gánh nặng cho BHXH và cơ quan quản lý lao động, bởi những đối tượng này rất biến động. Hơn nữa, trong ý thức người sử dụng lao động họ cũng không muốn phải bỏ ra những khoản chi phí để đóng BHXH cho đối tượng này. Tuy nhiên, luật đã có quy định nên trách nhiệm của các cơ quan trong BHXH phải thực hiện chặt chẽ hơn đối với cơ quan quản lý lao động, để nắm bắt được đối tượng, đôn đốc thu BHXH. Chúng tôi cũng xác định đây là việc làm rất khó”.
Để quy định này khả thi hơn, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam đề xuất: “Một khi đã thấy không khả thi thì có nên làm không, hay nên tính phương án đợi tới khi người lao động đã ký hợp đồng ổn định từ 6 tháng tới 1 năm thì sẽ truy đóng nốt 3 tháng đầu”.
Cũng theo ông Đỗ Ngọc Thọ, phía người sử dụng lao động phải nhận thức đầy đủ trách nhiệm đóng BHXH cho NLĐ vừa là nghĩa vụ xã hội vừa là biện pháp để bảo đảm phát triển doanh nghiệp, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Bên cạnh đó, các khoản đóng góp cho Nhà nước và BHXH đã được hạch toán vào giá thành sản phẩm và loại trừ thuế doanh nghiệp. Thực hiện tốt chính sách cho NLĐ, đặc biệt là tham gia BHXH là cơ sở gắn kết và là đòn bẩy thúc đẩy tăng năng suất lao động, cải thiện quan hệ lao động.