Có được gộp thời gian đóng BHXH tự nguyện khi tính hưởng chế độ thai sản?
Ngày đăng : 08:33, 08/01/2018
Ảnh minh họa |
Trường hợp bạn hỏi, Kiemsat.vn trả lời như sau:
Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện được quy định như sau:
BHXH bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia. BHXH bắt buộc có các chế độ sau đây: Ốm đau; Thai sản; Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Hưu trí; Tử tuất.
BHXH tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất. BHXH tự nguyện có các chế độ sau đây: Hưu trí; Tử tuất.
Như vậy, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là người lao động, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là cá nhân nói chung. Đối với người mang thai, sinh con, điểm khác biệt lớn nhất giữa BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc là lao động nữ tham gia BHXH bắt buộc được hưởng chế độ thai sản khi mang thai, sinh con còn người tham gia BHXH tự nguyện không được hưởng chế độ thai sản khi mang thai, sinh con.
Theo quy định tại Mục 2 Chương III Luật BHXH năm 2014, chế độ thai sản đối với người lao động tham gia BHXH bắt buộc bao gồm các chế độ sau: chế độ khi khám thai; chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý; chế độ khi sinh con; chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; chế độ khi nhận nuôi con nuôi; chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai; trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi; dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản.
Điều kiện hưởng các chế độ thai sản đối với lao động nữ được quy định tại khoản 1, 2 Điều 31 Luật BHXH năm 2014:
“1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.”
Với trường hợp của bạn, bạn có 02 tháng tham gia BHXH tự nguyện và 05 tháng tham gia BHXH bắt buộc trước khi sinh con. Tuy nhiên, căn cứ các quy định nêu trên, thời gian 02 tháng đóng BHXH tự nguyện của bạn không được tính vào thời gian tham gia BHXH của người lao động để hưởng chế độ thai sản.
Do vậy, bạn chưa đáp ứng đủ thời gian tối thiểu đóng BHXH bắt buộc từ 06 tháng trở lên trước khi sinh con nên khi sinh con, bạn không được hưởng tiền thai sản, không được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản và không được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con.