Ly kỳ Kiểm sát viên dùng Truyện Kiều cứu thiếu phụ thoát án oan

Ngày đăng : 13:46, 29/12/2017

Trong đời làm Kiểm sát viên, ông nhớ nhất lần mượn Truyện Kiều để cứu một thiếu phụ thoát án hình sự.

Trước khi chuyển qua làm luật sư, ông từng làm nhiều năm trong ngành kiểm sát, là Kiểm sát viên cao cấp của Viện kiểm sát. Thời kỳ làm kiểm sát viên ở Đồng Nai, ông đã dùng mấy câu thơ trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du giải án oan cho một thiếu phụ. Ông tên là Hoàng Xuân Sơn.

Ông Hoàng Xuân Sơn và người bạn chí thân đại tá Đặng Thọ Truật.

Bài học làm người từ những người thầy

Ông Hoàng Xuân Sơn quê ở Nghi Thu, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, một vùng đất địa linh nhân kiệt, có nhiều vị tướng tài như Nguyễn Xí, Nguyễn Hữu Chỉnh... Ông học trường Cán bộ Kiểm sát năm 1974-1976. Ông học ngành Công tố, Khóa 3 (1974-1976) những cán bộ học Khóa 1 có nhiều người nắm giữ cương vị quan trọng như: Ông Trần Quốc Vượng; hay cùng khóa như bà Tòng Thị Phóng ...

Thầy giáo dạy họ hồi đó đa phần là giáo viên kiêm nhiệm, như ông Phan Quân, là chuyên viên của VKSNDTC; ông Nguyễn Minh Ngọc, Kiểm sát viên cao cấp chuyên về án giết người, người trực tiếp tham gia điều tra vụ án nổi tiếng thời đó là một cán bộ cao cấp cặp bồ rồi đầu độc vợ bằng asen...

“Những người dạy luật hồi đó có những điểm chung, điểm đầu tiên là dạy các học viên “làm người” sau đó là làm đầy tớ của nhân dân thực hiện công tác công quyền. Dạy và nhấn mạnh nguyên tắc “thượng tôn pháp luật”, với họ pháp luật là trên hết. Hình ảnh thầy giáo ngày đó là hình ảnh gầy gò ốm yếu tận tâm với nghề. Ông dùng thơ lục bát ví von để học viên hiểu được nắm được thuộc lòng, tội phạm xảy ra ở đâu, trời sáng, trời tối, thời tiết, khoảng cách quan sát, các chứng cứ thu thập được có bảo đảm khách quan hay không? Thật là sâu sắc và hết sức tỉ mỉ”, ông Sơn kể lại. 

Dùng Truyện Kiều để cứu người khỏi án oan

Học xong trường Cán bộ Kiểm sát, lúc ấy ông 24 tuổi, năm 1978, ông được điều vào làm Kiểm sát viên của VKSND huyện Xuyên Mộc  (lúc đó còn thuộc tỉnh Đồng Nai),  rồi qua làm Kiểm sát viên ở VKSND huyện Tân Phú (sau này tách ra làm hai huyện là Định Quán và Tân Phú) kiêm Bí thư Liên chi đoàn cơ quan.

Thời đó, Đồng Nai dân cư còn thưa thớt và hoang vu. Nơi chàng thanh niên Xuân Sơn công tác đêm xuống lạnh lẽo và sương mù vây bọc cùng nỗi nhớ quê hương khiến lòng cô quạnh, nhất là với một người có tâm hồn thi nhân, tươi trẻ như thế. Có lúc để giải buồn, ông cùng bạn bè tụ họp nhau lại, lai rai. Biết ông có tài bắn súng (hồi đó cán bộ kiểm sát được cấp súng K59- PV) họ thách ông trổ tài. Ông lặng lẽ đặt bốn ly rượu nhỏ, thường gọi là ly mắt trâu, lên 4 dải dây mùng, rồi rút súng bắn rớt hết bốn cái ly vỡ tan trước con mắt mở to đầy thán phục của mọi người.

Trong đời làm Kiểm sát viên ông nhớ nhất lần mượn Truyện Kiều để cứu một thiếu phụ thoát án hình sự. Ông kể lại: “Có một cô đã có gia đình và ba con, cô ấy còn trẻ, khoảng 25 tuổi. Nhà cô giàu có tiếng ở Đồng Nai. Chồng cô làm nghề khai thác, vận chuyển gỗ. Chồng cô đi làm ăn xa ngoại tình với người khác. Nghe tin, cô đến đánh ghen, trong lúc cả hai xô xát, cô làm trầy mặt người phụ nữ kia. Hồi đó, chuyện đánh ghen thường xảy ra nên cũng là chuyện bình thường, thương tích của người kia cũng nhẹ, nhưng không biết vì sao mà công an lại truy tố cô ấy tội cố ý gây thương tích.

Thời đó, mỗi khi nghị án thường phải họp liên ngành gồm đại diện của Công an, đại diện Viện kiểm sát và đại diện Tòa án. Lúc họp bàn, tôi nói với hai vị đại diện kia rằng: “Trong Truyện Kiều, có nhân vật Hoạn Thư nổi tiếng về chuyện đánh ghen đã hành hạ nàng Kiều đủ điều trước mặt Thúc Sinh... khiến Kiều nhục nhã ê chề, phải bỏ trốn. Trở thành vợ Từ Hải, Kiều muốn trả thù Hoạn Thư về chuyện trước kia. Hoạn Thư đã biện bạch: “Rằng tôi chút phận đàn bà/Ghen tuông thì cũng người ta thường tình...”. Thế rồi thoát tội! Đàn bà ai không ghen? Ghen như Hoạn Thư mà còn được Kiều tha tội. Nếu truy cứu, bỏ tù cô thì ai nuôi ba đứa con cho cô ấy? Mà lỗi cô ấy không đáng bỏ tù. Theo tôi nên miễn truy cứu trách nhiệm hình sự với cô ấy. Nghe tôi phân tích thấu lý đạt tình, hai đại diện kia nghe  theo”.

Lần khác, cũng nhờ ông tác động mà ông Nguyễn Văn Tiếp, lúc đó là Phó Chủ tịch huyện Vĩnh Hưng - Long An, không bị khởi tố hình sự về tội mua bán phân giả. Sau này ông Tiếp làm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Long An. Đó là năm 1987,  ông Tiếp làm Phó Chủ tịch huyện Vĩnh Hưng có ký một hợp đồng mua bán phân bón, nhưng chuyện mua bán, giao dịch trực tiếp là do người trong công ty của huyện làm. Bị phát hiện là phân giả, công an tỉnh Đồng Nai khởi tố ông Tiếp về tội mua bán phân giả.

Lúc đó, ông là kiểm sát viên của tỉnh Đồng Nai, khi họp về vụ án, ông được mời dự. Nghiên cứu hồ sơ, ông Sơn thấy ông Tiếp bị oan vì ông không phải là người trực tiếp mua bán phân nên không thể kiểm tra phân giả hay thật được. Nghĩ vậy, ông đến bàn với ông Trần Văn Thắng, lúc đó làm Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Đồng Nai, phụ trách về án hình sự, là không nên truy tố mà chỉ cần kiểm điểm là được. Cuối cùng, ông Tiếp được miễn tội.

“Sau này, khi làm Bí thư tỉnh ủy Long An, trong một lần về thăm vùng lũ, nói chuyện với người dân, ông Tiếp trích thơ của tôi có câu “những mắt lưới thao thức chờ nước lũ” nói về cái lợi của nước lũ. Vì ở đồng bằng sông Cửu Long, có nước lũ về mới có phù sa màu mỡ vun đắp cho ruộng vườn, mới có cá tôm để dân đánh bắt, mưu sinh. Người Nam Bộ sống chung với lũ là vậy”, ông Sơn kể. 

Làm thơ giữa pháp đình

Yêu văn học, từ nhỏ cậu bé Xuân Sơn đã làm thơ. Học và làm ngành kiểm sát, ông làm thơ về thế giới pháp đình và ký bút danh Phương Hà. Bạn bè gọi ông là người làm thơ giữa pháp đình. Thơ ông giàu tính triết lý, suy tưởng. Ông là hội viên Hội Nhà văn TP.HCM. Những bài thơ hay nhất của ông là những bài viết về pháp đình, về phận người trong chốn công đường đó. Ông đau đáu, xót thương họ, như xót thương chính mình. “Pháp đình thì rộng mênh mông/ Phận người nhỏ xíu như không là gì... Oan khiên nghiêng ngả đứng nằm/ Bao nhiêu số phận tháng năm trụi trần/ Bạc tiền nặng đến ngàn cân/ Một giây sấp ngửa mấy lần âm dương...” (bài “Pháp đình”). Hay như bài “Thủ phạm”: “Anh điều tra ai giữa cuộc đời này/ Khi chính mình lại là thủ phạm/ Anh đi tìm những điều mờ ám/ Sao không tìm chính trái tim anh...”.

Ngoài thơ về pháp đình, ông cũng viết thơ về thế sự: “Có lần Gióng báo mộng tôi/ Giặc phương Bắc với quan tham một loài...” (bài “Lời minh oan cho Gióng”); “...Cớ gì giặc lập mưu sâu? Nam nhân kế binh pháp Tàu mà ra...  Giang sơn binh lửa mất còn/ Mỵ Châu sao phải chịu oan hỡi người/ Thế nhân bao chuyện khóc cười/ Vì nàng xin có đôi lời minh oan/ Lập toà xử An Dương Vương/Tội khinh suất để Bắc phương đoạt nhà/ Một giây tan tác sơn hà/ Nghìn năm mãi mãi chẳng nhòa sử xanh” (bài  “Nỗi oan nàng Mỵ Châu”).  

Theo doisongphapluat